Chiến dịch quân sự chống IS sẽ “ngốn” của Mỹ bao nhiêu tiền?

ANTĐ - Chiến dịch quân sự chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tiêu tốn từ 780 đến 930 triệu USD trong 3 tháng qua và có thể tăng lên hàng tỉ USD mỗi năm nếu Mỹ quyết định mở rộng quy mô, theo dự đoán từ một cơ quan nghiên cứu về các vấn đề quốc phòng có trụ sở tại Mỹ.

Sự ước lượng này là một phần của bản kế hoạch dự đoán chi phí chống IS sẽ tiêu tốn trong tương lai. Nó đã được hoàn thành và đăng tải vào hôm 29/9 bởi trung tâm đánh giá Chiến lược và Ngân sách và bộ Quốc phòng Mỹ.

Các chuyên gia đã sử dụng số liệu chủ yếu do Lầu Năm Góc cung cấp, trong đó khoản tiền 530 triệu USD là chi phí từ khi bắt đầu chiến dịch đến ngày 26/8, đã từng được tính toán trước đó. Nhóm chuyên gia sẽ chỉ ước lượng mức chi phí từ 27/8 đến 24/9 dựa theo những thông tin được công bố về số lượng binh lính Mỹ, đang hoạt động tại khu vực, số xe tải và máy bay được triển khai, mức nhiên liệu và đạn dược. tên lửa mà các phi cơ chiến đấu đã tiêu thụ, cùng nhiều phụ phí khác.

Tổng chi phí chống IS từ giữa tháng 6 cho đến nay nằm trong khoảng từ 780 đến 930 triệu USD

Tổng chi phí từ cho chiến dịch chống khủng bố từ giữa tháng 6 cho đến nay nằm trong khoảng từ 780 đến 930 triệu USD. Ngoài ra, bản báo cáo cũng đưa ra 3 tình huống có thể xảy ra trong tương lai nếu Mỹ tiếp tục phải duy trì chiến dịch quân sự này.

Trường hợp thứ nhất, nếu không kích ở mức trung bình và triển khai khoảng 2.000 lính bộ binh, chi phí sẽ khoảng 200 đến 320 triệu USD/tháng. Trường hợp thứ 2, nếu tăng các đợt không kích trên mức trung bình và triển khai 5.000 lính bộ binh, chi phí sẽ rơi vào khoảng từ 350 đến 570 triệu USD/tháng. Cuối cùng, nếu chiến dịch quân sự này được mở rộng với sự tham gia của 25.000 lính bộ binh, chi phí hàng tháng sẽ khoảng từ 1,1 đến 1,8 tỉ USD.

Như vậy, hàng năm, trường hợp thứ nhất sẽ tiêu tốn từ 2.4 đến 3.8 tỉ USD/năm, trong khi trường hợp thứ 3 sẽ có mức chi phí cao nhất lên đến 22 tỉ USD/năm.

Mỹ đã bắt đầu chiến dịch quân sự chống lại IS từ tháng 6/2014 bằng việc trợ giúp cho lực lượng người Kurd và quân đội Iraq chiến đống chống lại các tay súng Hồi giáo. Các đợt không kích được tiến hành từ 8/8 nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq và mở rộng sang Syria vào 23/9.

Tổng thống Obama khẳng định rằng ông không cần sự cho phép của Quốc hội Mỹ để ra lệnh cho quân đội tiến hành không kích ở Iraq và Syria. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng không thể tổ chức bất kì cuộc bỏ phiếu nào cho đến đầu năm sau do các thành viên quốc hội đều đã rời Washington từ giữa tháng 9 để vận động cho chiến dịch tranh cử sắp tới.

Tổng thống Obama không muốn sử dụng bộ binh chống lại IS

Tổng thống Obama đã đưa ra một chiến lược cụ thể chống IS ở bài phát biểu vào hôm 10/9. Ông khẳng định rằng Mỹ sẽ tiêu diệt hoàn toàn IS, tuy nhiên không triển khai bộ binh để chiến đấu trực tiếp mà sẽ tiếp tục không kích và hỗ trợ cho quân đội Iraq và người Kurd.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Demsey, lại nhận định rằng, chiến lược của ông Obama chưa mang lại kết quả như mong muốn và không loại bỏ phương án đưa quân bộ binh Mỹ trở lại Iraq.

Vào tuần trước, chuyên gia quân sự, Gordon Adams, giáo sư về chính sách đối ngoại ở đại học America đã trả lời với tờ Huffington Post rằng chiến tranh chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan của Mỹ có thể tiêu tốn khoảng 1,5 tỉ USD/tháng.