“Chiến dịch” mới trong cuộc chiến chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 8-3 đánh dấu mốc mới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Những mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên đã được tiêm cho các nhân viên y tế, bắt đầu một “chiến dịch” tiêm chủng lớn nhất lịch sử nước ta từ trước tới nay với hàng triệu liều sẽ được tiêm đại trà trong thời gian ngắn.
Những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 ngày 8-3

Những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 ngày 8-3

Công bằng trong tiếp cận vaccine ngừa Covid-19

Chiến dịch tiêm phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corora gây ra (Covid-19) đã được tiến hành từ sáng 8-3, đồng loạt tại Hà Nội, Hải Dương và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là những tỉnh, thành phố lớn nhất, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa lớn nhất nước ta và vùng dịch đang diễn biến phức tạp nhất cả nước hiện nay.

Cùng với các biện pháp đồng bộ khác để ứng phó, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam ngay từ sớm đã coi vaccine là biện pháp rất quan trọng để đẩy lùi một trong những dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bậc nhất xuất hiện tại nước ta từ trước tới nay. Không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, dịch Covid-19 còn tác động vô cùng tiêu cực tới toàn bộ kinh tế-xã hội.

Ngay từ khi cả thế giới cùng vào cuộc với tốc độ khẩn trương nhất để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 sớm ngày nào tốt ngày đó, chúng ta cũng đã hết sức coi trọng và đầu tư thích đáng để nghiên cứu, bào chế vaccine Covid-19. Đến nay, tại Việt Nam, đã phát triển được 2 loại vaccine ngừa Covid-19, trong đó loại vaccine đầu tiên mang tên Nano Covax đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ hai trên người với hy vọng sẽ có vaccine phòng Covid-19 “Make in Vietnam” vào cuối năm nay.

Đồng thời với việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, chúng ta cũng đã tiến hành đàm phán với các nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 uy tín, chất lượng trên thế giới để sớm có vaccine cho người dân. Bằng tất cả nỗ lực cao nhất, lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên gồm 117.600 liều của hãng dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia Anh-Thụy Điển có trụ sở chính tại Cambridge, Anh. Vaccine AstraZeneca là một trong ba vaccine phòng Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và đã được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số lượng hơn 117.000 liều vaccine AstraZeneca được Bộ Y tế phối hợp với đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vaccine là Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vaccine được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn. Vaccine được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để bảo đảm chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Do số lượng vaccine được cung cấp trong đợt đầu tiên còn hạn chế nên đối tượng được ưu tiên trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh. Đó là các nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ Covid-19 cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương trên.

Sau những mũi tiêm đầu tiên ngày 8-3, việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục được khẩn trương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm công bằng trong tiếp cận vaccine. Theo đó, việc triển khai tiêm chủng sẽ diễn ra tại 13 tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về phòng, chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.

Chiến lược đúng đắn để đánh bại Covid-19

Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt đầu tiên nằm trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng của VNVC thực hiện. Đây cũng là một dấu mốc mới trong chương trình tiêm chủng mở rộng diễn ra bền bỉ suốt hơn 40 năm qua tại nước ta.

Là một quốc gia nhiệt đới với xuất phát điểm nghèo nàn và lạc hậu, các bệnh truyền nhiễm là một thách thức lớn với nước ta. Nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, thanh toán các căn bệnh truyền nhiễm khiến hàng triệu người mắc bệnh và rất nhiều người bị tước đi mạng sống, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ đầu những năm 80 với địa bàn được bao phủ dịch vụ tiêm chủng mở rộng tăng dần hàng năm ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện và xã trên phạm vi toàn quốc.

Với tuyến tỉnh, từ tỷ lệ 27% vào năm bắt đầu triển khai đại trà chương trình tiêm chủng mở rộng năm 1982 đã tăng lên 100% số tỉnh thành đã có dịch vụ vào năm 1985; với tuyến huyện là từ tỷ lệ 9,8% năm 1982 lên 100% số quận huyện vào năm 1989. Với tuyến xã, từ tỷ lệ thấp khoảng 5% vào năm 1982 đã tăng lên bao phủ trên 90% vào năm 1989, song để đạt tỷ lệ 100% số xã được bao phủ tiêm chủng mở rộng cũng còn mất 8 năm nữa do đây là những xã, ấp, bản, buôn vùng sâu, vùng núi cao, hải đảo xa xôi, việc tiếp cận dịch vụ rất khó khăn, do chưa có đường giao thông, cơ sở y tế, lưới điện, dân trí chưa cao...

Việc tiêm chủng mở rộng gần như bao phủ toàn quốc, chúng ta đã thanh toán được nhiều căn bệnh nguy hiểm - nỗi đau của biết bao gia đình khi người thân bị bệnh tật, tử vong như bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi, viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, bạch hầu, ho gà, viễm não Nhật Bản… Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) về tiêm chủng mở rộng, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, những người yếm thế trong xã hội.

Việc đưa tiêm phòng vaccine Covid-19, một dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới xuất hiện song gây tác động nghiêm trọng tới kinh tế-xã hội, vào chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ có thời gian bao phủ toàn quốc ngắn hơn nhiều với các căn bệnh truyền nhiễm trước đây. Dự kiến, từ nay tới tháng 4-2021, khoảng 1 triệu liều vaccine phòng Covid-19 sẽ về Việt Nam trong 4 tháng tới và lên tới 150 triệu liều vào cuối năm 2021 này, tức đủ số vaccine để tiêm cho tất cả những người cần tiêm ở nước ta.

Vaccine là “vũ khí” rất quan trọng để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19, song đó hoàn toàn không phải và không thể là “thần dược” duy nhất. Theo các chuyên gia dịch tễ, vaccine là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vaccine nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100% và vaccine ngừa Covid-19 cũng vậy. Cả hệ thống chính trị và mỗi người dân không thể ỷ lại vào vaccine mà chủ quan, lơ là các biện pháp khác chống dịch Covid-19. Vaccine cùng với tiếp tục thực hiện nghiêm 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) mọi lúc, mọi nơi mới là chiến lược đúng đắn, hiệu quả để “đánh bại” Covid-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.