Chiến dịch giải cứu hàng trăm người Thái Lan rơi vào đường dây lừa đảo qua điện thoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cảnh sát Thái Lan cho biết, họ đã giải cứu khoảng 700 người Thái bị các băng nhóm người Trung Quốc ở Campuchia lừa đảo. Những công dân này bị dụ dỗ bởi công việc bán hàng trực tuyến với mức lương cao, nhưng thực chất là “nhập vai” trong các vụ giả danh lừa tiền qua điện thoại.
Cảnh sát Thái Lan tới nay đã giải cứu được hơn 700 công dân bị lừa sang làm việc bất hợp pháp ở Campuchia

Cảnh sát Thái Lan tới nay đã giải cứu được hơn 700 công dân bị lừa sang làm việc bất hợp pháp ở Campuchia

Cuộc điện thoại định mệnh

Mon (37 tuổi) có thể nhớ chính xác thời gian mà cô nhận được cuộc điện thoại gây ra biến cố trong cuộc đời, đó là 11h ngày 24-1-2022. Người đàn ông ở đầu dây bên kia cho biết, anh ta là nhân viên Bưu điện Thái Lan và thông báo với cô rằng, cảnh sát huyện Bang Lamung, tỉnh Chonburi đã bắt được một kẻ tình nghi rửa tiền cùng tang vật là 5 thẻ ATM, 3 sổ tiết kiệm, 9 hộ chiếu. Tất cả các tang vật đó đều do Mon đứng tên. Nghe vậy, Mon cảm thấy hoảng loạn. Nhân viên bưu điện nọ nói rằng, anh ta sẽ chuyển tiếp cuộc gọi này đến đồn cảnh sát để họ xử lý vụ việc.

Sau đó, một người khác tự nhận là Trưởng đồn Bang Lamung đã nói chuyện qua điện thoại với Mon. Rất cẩn thận, cô đã tìm kiếm trên mạng thông tin về vị sĩ quan này và thấy rằng đúng tên gọi chức danh người đó. Viên “Trưởng đồn Bang Lamung” nói với cô rằng, để chứng minh việc không liên quan đến hoạt động rửa tiền, cô cần chuyển tiền trong tài khoản của cô vào tài khoản của cảnh sát. Đó là thủ tục hết sức bình thường và khoản tiền đó sẽ được trả lại sau khi xác minh vài giờ.

“Vì vậy, tôi đã chuyển tất cả số tiền mình có… khoảng 200.000 baht” - Mon kể. Nhưng rồi số tiền một đi không trở lại. Mon chỉ là 1 trong 7 người ở Phuket bị lừa trong tuần đó, một trong số họ đã chuyển 400.000 baht (gần 12.000USD). “Tôi sẽ không lấy lại được tiền của mình, nhưng tôi muốn những kẻ lừa đảo này phải đối mặt với công lý. Tôi còn phải chăm sóc bố mẹ và con tôi. Tôi có các hóa đơn hàng tháng… giờ tôi phải đi vay và làm thêm” - nạn nhân này cho biết.

Theo cảnh sát Thái Lan, các vụ lừa đảo đã được thực hiện ở quy mô công nghiệp, khi các nạn nhân người Thái bị chiếm đoạt hàng triệu đô la kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhiều nạn nhân đã không trình báo, trong khi số tiền thu được từ các vụ lừa đảo được giấu rất kỹ, bao gồm cả việc sử dụng tiền điện tử.

Đại tá Krissana Pattanacharoen - Phát ngôn viên Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cho biết, khi thủ đoạn này trở nên quá phổ biến, các băng nhóm lừa đảo sẽ nghĩ ra một trò khác để thay thế. “Những băng nhóm lừa đảo này mọc lên như nấm với nhiều màu sắc khác nhau” - ông Krissana nói. Trong khi đó, giới chức Trung Quốc ít chú ý đến những hành vi tội phạm xảy ra ở nước ngoài, nhất là khi lại không nhắm vào công dân của họ.

Vỡ mộng ngay ngày đầu đi làm

Cùng thời điểm tháng 1-2022, cặp vợ chồng Teerapat và Dao sống ở thị trấn Poipet (miền Đông Thái Lan) cách biên giới Campuchia chừng 1 giờ lái xe đã gặp các nhà môi giới việc làm. Họ đến để giới thiệu về công việc bán hàng trực tuyến có mức lương cao. Sau hơn 2 năm ảnh hưởng do đại dịch, cặp vợ chồng này sẵn sàng nhận bất kỳ công việc nào để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng chỉ ngày hôm sau, Teerapat và Dao bắt đầu nhận ra mình đã phạm một sai lầm khủng khiếp.

Sau khi bị đưa qua biên giới đến thị trấn biển Sihanoukville của Campuchia, Teerapat và Dao được lệnh phải ở trong một khu nhà 12 tầng có bảo vệ. Đây là nơi các “ông trùm” người Trung Quốc đưa ra chỉ thị thông qua một phiên dịch viên. Công việc nhanh chóng lộ ra đây là một đường dây lừa đảo. Thay vì bán hàng trực tuyến, Teerapat và Dao được hướng dẫn thực hiện các cuộc gọi điện thoại không mong muốn. Họ phải đóng giả là nhân viên hải quan, cảnh sát hoặc các nhà đầu tư tiềm năng để nạn nhân của trò lừa đảo qua điện thoại tin tưởng mà chuyển khoản ngân hàng.

Teerapat và Dao cho biết, trung bình mỗi người phải lừa được ít nhất 500.000 baht (15.000USD)/tháng, đồng thời họ còn đối mặt với nguy cơ bị bán cho một băng đảng khác nếu không đạt được doanh số. “Tôi thường không dễ tin người, nhưng cả 2 chúng tôi đều khao khát có tiền nên khi người môi giới nói rằng công việc có thể kiếm tới 2.000USD/tháng, mọi thứ như đi lại và ăn ở đều được bao hết, chúng tôi đã bị thuyết phục. Nếu biết công việc là phải lừa đảo những người đồng hương khác, tôi sẽ không bao giờ đi” - Teerapat nói.

Trung tâm lừa đảo qua điện thoại mà họ buộc phải làm việc có khoảng 120 người. Tất cả được chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên được giao nhiệm vụ “đào bới” trên mạng Internet để thu thập số điện thoại, số căn cước, số dư ngân hàng, địa chỉ, chi tiết tài khoản của Thái Lan để cùng nhau thực hiện các vụ lừa đảo sao cho thật thuyết phục.

Nhóm thứ hai phụ trách đóng giả nhân viên hải quan hoặc nhân viên bưu điện để thực hiện cuộc gọi đầu tiên và đặt mồi nhử nạn nhân. Nhóm thứ ba là những kẻ “đóng chốt”. Nhóm này chuyên giả danh cảnh sát để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền. “Công ty kiếm được khoảng 10 triệu baht (300.000USD)/ ngày. Họ lừa hàng nghìn người Thái mỗi ngày và những kẻ này sở hữu 4 chi nhánh khác nhau của đường dây ở Campuchia”.

Không ít khu nhà ở Sihanoukville, Campuchia là trụ sở của các băng nhóm tội phạm người Trung Quốc

Không ít khu nhà ở Sihanoukville, Campuchia là trụ sở của các băng nhóm tội phạm người Trung Quốc

Chiêu lừa mới ở thị trường tuyển dụng lao động

Ở Thái Lan, việc các công ty môi giới đi lại giữa các làng quê nghèo để tuyển lao động là chuyện bình thường, đặc biệt là khi mùa màng kết thúc và tình trạng thiếu việc làm tràn lan. Nhiều nông dân tìm kiếm vận may bằng những công việc được trả lương cao hơn, đôi khi ở nước ngoài. Nhưng cũng có người phải làm việc trên các tàu đánh cá và các nhà máy do các tổ chức tội phạm điều hành với mức lương thấp, hoặc thậm chí bị ép lao động không lương. Gần đây, các băng nhóm lừa đảo qua điện thoại là những người tương đối mới tham gia thị trường tuyển dụng lao động này.

Teerapat và Dao đã trốn thoát sau 10 ngày làm việc tại đó. Sau khi Dao có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, kẻ cầm đầu đường dây cho phép cặp vợ chồng đóng 3.000USD “lệ phí” để được… thả ra ngoài chữa bệnh. “Mọi người đều muốn rời đi. Nhưng hầu hết không đủ tiền để tự chuộc mình. Bố tôi đã phải vay tiền để giúp chúng tôi quay về. Hiện tại chúng tôi đang mắc rất nhiều nợ và vẫn đang thất nghiệp” - Dao kể.

Cảnh sát Thái Lan cho biết, khoảng hơn 1.500 người Thái bị mắc kẹt ở Sihanoukville và nằm dưới sự kiểm soát của các băng nhóm lừa đảo. Gần đây nhất, hôm 13-4, hơn 20 người đã được giải cứu từ một ngôi nhà 10 tầng vốn được bịt kín bởi hàng rào dây thép và hệ thống camera an ninh. Động thái diễn ra sau cuộc thương lượng giữa Cảnh sát Thái Lan được điều đến Campuchia và một nhóm đàn ông Trung Quốc. “Cùng với các đối tác Campuchia, chúng tôi đã giải cứu tổng cộng 700 người Thái cho đến nay. Chúng tôi đã ban hành lệnh truy tố đối với các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia cũng như những kẻ môi giới buôn người” - Trung tướng Surachate Hakparn, sĩ quan cảnh sát cấp cao của Thái Lan cho biết.

Trong số khoảng 700 người Thái đã được hồi hương cho đến nay, phần lớn họ bị rơi vào cảnh nợ nần, có người lên tới vài nghìn USD. Đại tá Krissana cho biết: “Khi các lao động Thái Lan biết rằng công việc của họ là lừa đảo những người đồng hương thì họ sẽ không muốn làm điều đó nữa. Nhưng trớ trêu là họ không thể rời đi vì nợ nần, do đó họ buộc phải tiếp tục làm việc cho băng đảng”.

Dù nợ nần và không có việc làm, nhưng khi được về nước vào đầu tháng 2-2022, vợ chồng Dao cảm thấy may mắn vì đã thoát ra khỏi hang cọp. “Thỉnh thoảng tôi vẫn nằm mơ thấy cảnh ngồi trong căn phòng đó, điện thoại liên tục đổ chuông” - cô nói. Còn đối với Mon, cái giá phải trả lớn nhất là sự lo lắng dai dẳng và lòng tự trọng bị tổn thương. “Mọi người cứ hỏi tại sao tôi lại tin bọn chúng? Tôi chỉ biết trả lời rằng, bạn sẽ không bao giờ hiểu được cho đến khi nó xảy ra với chính mình”.

Truyền thông Đông Nam Á cho biết, hàng trăm người Malaysia, Philippines, Indonesia đã trở thành nạn nhân và phải làm việc cho các nhóm tội phạm có tổ chức ở Sihanoukville - một thành phố khét tiếng về những hoạt động bất hợp pháp, sòng bạc và các băng nhóm tội phạm Trung Quốc tại Campuchia.