Chiến dịch chống IS của Mỹ vấp phản đối của nhiều nước lớn

ANTĐ -Nga khẳng định rằng nếu không có quyết định phù hợp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thì việc Mỹ không kích IS tại Syria sẽ là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế. Theo đó Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không tham gia vào cuộc không kích này của Mỹ.

Mỹ bác lập luận của Nga trong cuộc chiến quốc tế chống IS

Ngày 11-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên tiếng chỉ trích tuyên bố trước đó của phía Nga cho rằng chiến dịch chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) của Washington là đơn phương và vi phạm luật pháp quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Trả lời báo giới khi kết thúc cuộc họp tại Saudi Arabia với 10 nước Arập, ông Kerry nói: "Tôi phải nói rằng nếu không phải vì những gì xảy ra tại Ukraine là rất nghiêm trọng, thì người ta có thể sẽ cười vào việc Nga nêu lên vấn đề luật pháp quốc tế hay bất cứ vấn đề nào về Liên hợp quốc . Tôi thực sự ngạc nhiên khi Nga dám đòi quan điểm về luật pháp quốc tế sau những gì đã xảy ra tại Crimea và miền Đông Ukraine."

Trước đó, Nga khẳng định rằng nếu không có quyết định phù hợp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thì việc Mỹ không kích IS tại Syria sẽ là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Tổng thống Mỹ bị Syria và Iran lên án chiến lược chống IS

Các quan chức của Syria và Iran đã chỉ trích chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vì đã loại bỏ hai nước này khỏi liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Tờ Al-Thawra của Syria cảnh báo việc Tổng thống Obama cho phép tiến hành các cuộc không kích ở Syria có thể "là những tia lửa đầu tiên trong cuộc xung đột ở khu vực."

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Trước đó, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem đã từng cảnh báo Mỹ về việc tiến hành các cuộc không kích nhằm vào IS trên lãnh thổ của Syria nếu như không được phép của Damascus. Ông al-Moallem nói rằng một cuộc tấn công như vậy có thể bị coi là một hành động xâm lược.

Tại Tehran, một đồng minh quan trọng của Syria, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham nói rằng liên minh quốc tế chống lại IS có "sự mơ hồ nghiêm trọng."

Theo bà Afkham, Tehran nghi ngờ về mức độ nghiêm chỉnh của liên minh này vì một số thành viên của liên minh ủng hộ những kẻ khủng bố ở Iraq và Syria./.

Đức và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không tham gia không kích IS

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Berlin ngày 11/9, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định Đức đã không được yêu cầu tham gia không kích các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq, và cũng sẽ không tham gia hoạt động này.

Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày tuyên bố sẽ không cho Mỹ sử dụng căn cứ không quân chống IS.

Một quan chức Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết nước này sẽ không cho phép liên minh do Mỹ cầm đầu tấn công các phần tử thánh chiến ở hai quốc gia láng giềng Iraq và Syria từ các căn cứ không quân của nước này, cũng như sẽ không tham gia mọi chiến dịch chiến đấu chống phiến quân.

Trong khi đó, người đồng cấp Anh Philip Hammond cho biết London "hoàn toàn ủng cách tiếp cận của Mỹ về việc phát triển một liên minh quốc tế" chống IS, đồng thời nhấn mạnh về cách hỗ trợ liên minh kiểu này thì "chúng tôi không loại bỏ điều gì". 

Tuy nhiên, khi được hỏi về đề nghị của Tổng thống Mỹ Obama không kích IS ở Syria, ông Hammond khẳng định Anh sẽ không tham gia bất cứ cuộc không kích nào ở Syria.

Cùng ngày, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã kêu gọi tôn trọng chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước liên quan trong bối cảnh Tổng thống Obama cam kết tiến hành chiến dịch không kích sâu rộng tại cả Iraq và Syria. 

Quan chức ngoại giao này nêu rõ trong cuộc chiến quốc tế chống khủng bố, cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước liên quan.

10 nước Ả-rập ủng hộ Mỹ chống IS

Trong một diễn biến có liên quan, 10 quốc gia Ả-rập ngày 11/9 đã nhất trí trợ giúp Mỹ trong việc giải quyết mối đe dọa gây ra do các phiến quân IS.

Sau các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Jeddah, Ả-rập Xê-út, các ngoại trưởng Bahrain, Ai Cập, Iraq, Jordan, Kuwait, Li-băng, Oman, Qatar, Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đã bày tỏ sự ủng hộ của họ.

Ngoại trưởng các nước đã ra một tuyên bố chung, cam kết cung cấp sự hỗ trợ quân sự và viện trợ nhân đạo, và chặn các nguồn tài chính và sự tham gia của các tay súng nước ngoài vào IS.

Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, cũng tham gia cuộc gặp tại Jeddah, nhưng không ký tuyên bố chung. Ngoại trưởng Kerry đã giảm nhẹ động thái này, nói rằng đồng minh quan trọng của Mỹ đang phải giải quyết một số vấn đề nhạy cảm nhưng vẫn tham gia chiến dịch chống IS.

Thổ Nhĩ Kỳ được cho là miễn cưỡng đảm nhận vai trò đi đầu trong liên minh, một phần lo ngại cho 49 công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang bị IS bắt giữ làm con tin.