Chiến đấu trên mặt trận ngăn ngừa tin giả về Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, các đơn vị thuộc CATP Hà Nội không chỉ căng mình trong việc chống dịch tại các địa bàn cơ sở, truy vết các trường hợp tiếp xúc, mà còn phải chiến đấu trên một mặt trận âm thầm khác. Đó là phát hiện, xử lý tin giả, tin thất thiệt trên không gian mạng gây hoang mang nhân dân…
Đơn vị chức năng xử phạt trường hợp đăng tin giả lên mạng

Đơn vị chức năng xử phạt trường hợp đăng tin giả lên mạng

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng

Trung tá Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cá nhân đã lợi dụng đăng thông tin sai sự thật nhằm trục lợi. Giám đốc CATP đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội và Trung tâm xử lý tin giả (Cục Phát thanh truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông) tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng tung tin thất thiệt về dịch, gây hoang mang dư luận. Theo đó, từ những thông tin chính thống của cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị chức năng sẽ soi chiếu, xác minh, xác định thông tin người dân đăng tải trên mạng xã hội có chính xác hay không. Sau đó sẽ làm việc với những cá nhân đăng tin sai sự thật, cùng Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp ra quyết định xử phạt theo Nghị định 15 của Chính phủ.

Mới nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng quá trình truy vết, tìm thông tin từ mạng xã hội đến các cá nhân cụ thể là công việc đòi hỏi sự phối hợp ăn ý, bài bản, kịp thời của nhiều đơn vị. Bởi lẽ, thông tin cá nhân trên mạng xã hội đa phần là ảo. Nhiều đối tượng cư trú ở tỉnh ngoài, hoặc không có nơi ở cố định tại Hà Nội. Chưa kể trong nhiều luồng thông tin, việc xác minh thông tin đúng hay sai sự thật đòi hỏi lực lượng công an phải làm việc với nhiều nguồn, nhiều đơn vị chức năng. Từ đó mới có căn cứ đánh giá, xử lý thông tin sai sự thật.

“Các trường hợp tung tin giả bị xử lý trong thời gian gần đây đa phần là từ các facebook cá nhân. Việc đăng tin xuất phát từ 2 mục đích chính, “câu like”, “câu view”, tăng tương tác cho các trang facebook nhằm trục lợi, kinh doanh bán hàng. Dạng thứ hai là do người dân nhận thức, khả năng kiểm chứng thông tin kém, không xác định được thông tin có chính xác hay không đã lập tức đăng lên mạng xã hội để thỏa mãn nhu cầu chia sẻ, chứng tỏ bản thân hiểu biết nhiều tin “nóng”, Trung tá Phạm Quang Đức - Đội trưởng Đội 5, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đánh giá.

Xử lý 19 trường hợp đăng tin giả

Theo thống kê, từ ngày 1-2 đến 26-2-2021, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xử lý 19 trường hợp đăng tin sai sự thật về dịch bệnh trên mạng xã hội, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông ra quyết định xử phạt mỗi trường hợp 7,5 triệu đồng. Cùng với đó, cơ quan chức năng yêu cầu đối tượng vi phạm phải bóc gỡ toàn bộ bài viết không đúng sự thật.

Mỗi thông tin giả, thất thiệt đều gây ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội, người dân. Thậm chí, nhiều thông tin còn khiến dư luận hoang mang, bởi nó tạo cảm giác như người viết chính là người trong cuộc. Đơn cử như ngày 2-2, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã lập hồ sơ xử lý trường hợp chị D.T (SN 1995, trú tại quận Đống Đa) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh. Trước đó, cô gái này đăng tải thông tin sai sự thật trên facebook với nội dung: “Không biết đã tìm được em tay vịn chưa, cô nào thì cũng thua covid” kèm theo hình ảnh liên quan đến lịch trình di chuyển của một bệnh nhân Covid-19. Thông tin này loan tải trên mạng xã hội đã tạo luồng dư luận xấu, lo lắng. Khi bị cơ quan công an yêu cầu đến làm việc, D.T thú nhận là “chỉ tình cờ nghe người khác nói chuyện nên đã viết ngay lên facebook”.

Hay trường hợp P.M.Đ (SN 1993 trú tại quận Hoàn Kiếm), đăng tải thông tin sai sự thật về đoàn phóng viên, biên tập viên của VTV được vợ BN1553 phục vụ ăn uống khi thực hiện chương trình “Chiều cuối năm” ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Sau này Đ thừa nhận thông tin anh ta viết trên mạng xã hội là do… “nghe người khác kể”.

Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ thì mức xử phạt đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang của cá nhân là 7,5 triệu đồng. Những hành vi đăng tải sai sự thật thể hiện sự thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức công dân. Trong khi cả nước, các cơ quan chức năng đang gồng mình chống dịch, thì chủ nhân của các trang Facebook, Zalo lại chia sẻ những thông tin vô trách nhiệm để hưởng lợi cho bản thân mình.

Ở góc độ nào đó, những thông tin thất thiệt mang động cơ cá nhân ấy đã gây không ít khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. “Đề nghị người dân cần phải cảnh giác, chọn lọc thông tin, không chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở. Đồng thời, khuyến cáo người dân tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc” - đây là nội dung khuyến cáo của CATP Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cùng với tinh thần khẩn trương, quyết liệt đánh chặn tin giả trên không gian mạng.