"Chiến binh chuột" trong cuộc chiến chống khủng bố

ANTĐ - Tờ Dailymail cho biết, các nhà khoa học ở Thành phố Rostov-on-Don (Nga) đang nghiên cứu kết hợp khứu giác tuyệt vời của chuột với công nghệ tiên tiến cho phép chúng phát hiện chất nổ và ma túy, để cung cấp cho lực lượng an ninh trong hoạt động chống khủng bố. 

"Chiến binh chuột" trong cuộc chiến chống khủng bố ảnh 1

Nhiệm vụ khó khăn

Bằng việc cấy chip vào não chuột, các nhà khoa học Nga đã có thể tạo ra một bản thể chuột được điều khiển từ xa, thâm nhập mọi nơi và phát hiện ra ma túy hoặc chất nổ. Chuột sở hữu khứu giác nhạy hơn chó rất nhiều lần. Với con chip gắn trong đầu có thể giải mã tín hiệu truyền vào não, khả năng ngửi mùi của chuột càng mạnh hơn. Vi mạch có thể giám sát phản ứng của chuột đối với một mùi, ngay cả khi nồng độ chất đó không đáng kể.

Các tín hiệu được chuyển đến một máy tính, cảnh báo các vật liệu nguy hiểm hoặc phi pháp trước khi con người nhận diện ra. Hiện 3 nhóm chuyên gia Nga đang cùng thực hiện dự án này: Các nhà sinh lý học huấn luyện chuột nhận dạng ma túy và chất nổ; các kỹ sư đang hoàn thiện thiết bị hỗ trợ và các chuyên gia lập trình máy tính đang tạo ra thuật toán để nghiên cứu kết quả. Thuật toán này sẽ giúp nhà khoa học tổng hợp dữ liệu và số liệu về các phản ứng não bộ của chuột đối với các mùi vị khác nhau.

Nhưng trước khi làm điều này, các chuyên gia sinh học phải huấn luyện chuột nhận biết các vật liệu nổ và một số vật liệu khác - một nhiệm vụ khó khăn trong thời gian ngắn. Một khó khăn nữa là phải mất 3 tháng để đào tạo một con chuột thành thạo, trong khi chúng chỉ sống được khoảng 1 năm. Điều này có nghĩa các nhà khoa học phải đào tạo liên tục để có đủ số lượng chuột cần thiết cung cấp cho các lực lượng an ninh.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev - người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Cần khoảng 2 đến 3 tháng để huấn luyện chuột phản ứng với một loại vật liệu, trong khi vòng đời của chúng chỉ khoảng 1 năm”. Ông cũng thừa nhận một thách thức: “Chúng tôi không thể sử dụng những con chuột còn quá nhỏ, cũng như những con đã quá già vì khi đó chúng đã mất dần khứu giác”.

“Lính chuột” có mặt khắp nơi trên thế gới

Ở Nga, từ năm 2013, quân đội nước này cũng đã thử nghiệm chuột để phát hiện thuốc nổ, vũ khí và ma túy. Các chuyên gia Nga đánh giá chuột có ưu thế hơn chó nghiệp vụ trong việc phát hiện thuốc nổ và vũ khí cũng như hoạt động tìm kiếm con tin, bởi chúng rất nhanh nhẹn và linh hoạt ở những nơi nhỏ hẹp mà con người khó kiểm tra.

Tại Anh, chuột được sử dụng trong việc phát hiện những phần tử nghi khủng bố. Còn tại Mỹ, ít nhất 2.000 con chuột đã trở thành “lính dù” bất đắc dĩ trong “chiến dịch” diệt rắn ở đảo Guam và “lính chuột” cũng được sử dụng từ năm 2010 để dò mìn tại các khu vực mà Mỹ đang tham chiến. 

Tại một căn cứ của Cảnh sát Quốc gia Columbia, một chú chuột bạch đã trở thành học viên lớp rà phá bom mìn đặc biệt. Trong khóa học này, các huấn luyện viên đặt “học viên” lên một thảm cỏ, nơi trước đó họ đã chôn một thiết bị nổ dưới đất và chỉ chưa đến một phút sau, chú chuột bạch đã tìm thấy thiết bị. 

Ở Hà Lan, chuột cũng đã được thử nghiệm truy tìm dấu vết thuốc súng, trong khi ở Israel chuột giúp cảnh sát kiểm tra hành lý tại sân bay. Mới đây nhất, những chú chuột có cân nặng từ 1kg - 1,2kg đang được tạo thành một “đội quân tinh nhuệ” của Campuchia với nhiệm vụ dò mìn và vũ khí bị thất lạc.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát mìn Campuchia (CMAC) Heng Ratana cho biết, những chú “lính chuột” này được nhập khẩu từ Tanzania hồi tháng 4-2015 và được đào tạo bài bản để phục vụ việc dò mìn. Lịch trình học của các chú chuột được xây dựng cùng với sự giúp đỡ của một tổ chức phi Chính phủ của Bỉ, đơn vị chuyên đào tạo các “đội quân chuột” trên toàn thế giới.

Tại Gambia, các chuyên gia đã được tiếp xúc với “đội quân” chuột túi khổng lồ Cricetomys Gambianus dò mìn dưới lòng đất. Để những chú “lính chuột” này có thể phát hiện chất nổ bằng khứu giác, các chuyên gia đã dùng phương pháp thưởng đồ ăn giống như việc người ta huấn luyện chó nghiệp vụ.