Chiếc phao cứu nạn

ANTĐ - Cuối cùng thì sau nhiều tranh cãi, Bộ trưởng Tài chính các nước sử dụng đồng euro cũng đồng ý giải ngân khoản vay trị giá 12 tỷ euro (17,3 tỷ USD) để cứu nền kinh tế Hy Lạp khỏi nguy cơ sụp đổ.

Quyết định giải ngân được đưa ra sau khi Quốc hội Hy Lạp biểu quyết áp dụng kế hoạch thắt lưng buộc bụng, trong đó có tăng thuế, giảm chi công và bán bớt tài sản nhà nước. Đây có thể coi là chiếc phao cứu sinh được tung ra đúng vào thời điểm “con tàu” Hy Lạp sắp chìm bởi sức nặng quá mức của các khoản nợ nần. Khoản tiền trên nằm trong gói 156 tỷ USD cứu nguy cho Hy Lạp đã được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thỏa thuận từ năm ngoái.

Thực ra thì EU và IMF không còn cách nào khác. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Bỉ D. Reynders đã cảnh báo rằng nếu Hy Lạp không được cứu trợ tài chính, châu Âu có nguy cơ đối mặt với các rắc rối lớn hơn từ một hiệu ứng domino mà quy mô có thể sánh với cuộc khủng hoảng tài chính phát sinh sau vụ sụp đổ ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ hồi mùa thu 2008, sự kiện vốn đã châm ngòi cho cuộc suy thoái tồi tệ nhất thế giới từ sau cuộc Đại suy thoái những năm 1930 của thế kỷ trước.

Khi được hỏi liệu những hệ lụy của việc Hy Lạp không trụ vững bên bờ vực phá sản có dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính mới hay không, ông D. Reynders nhấn mạnh: “Nếu chúng ta quay lưng lại với Hy Lạp, nước này sẽ không thể thanh toán hết các khoản nợ cho các ngân hàng và người gửi tiết kiệm... Khi đó hiệu ứng domino sẽ bắt đầu. Hậu quả của nó sẽ xuất hiện ở Ireland, Bồ Đào Nha và có thể cả Bỉ”. Trước mối đe dọa khủng khiếp của “quả bom” nổ chậm Hy Lạp, nước Đức vốn không mặn mà với kế hoạch giải cứu cũng đã phải gật đầu đồng ý với quyết định của EU và IMF.

 Cảnh sát chống bạo động được tăng cường nhằm đối phó với người biểu tình phản đối chính phủ

 Cảnh sát chống bạo động được tăng cường
nhằm đối phó với người biểu tình phản đối chính phủ

Giờ đã có tiền trong tay nhưng mối đe dọa chưa phải đã chấm dứt với Hy Lạp. Trước hết, dưới thúc ép của EU và IMF, Hy Lạp buộc phải tư nhân hóa khẩn cấp hàng loạt lĩnh vực quan trọng như ngân hàng, viễn thông, hàng hải, đường sắt… với hy vọng thu hồi được 50 tỷ euro. Nhận xét về hành động vội vàng này, ông S. Poulikoyiannis, một nhà lãnh đạo công đoàn Hy Lạp, bày tỏ lo lắng Hy Lạp có thể bị buộc phải bán những tài sản thiết yếu với giá bèo bọt. Chẳng hạn, khu cảng container lớn nhất Hy Lạp nằm ở phía Nam Thủ đô Athens giờ đã trở thành khu phố Tàu (Chinatown), sau khi được bán cho công ty vận tải biển quốc doanh Cosco của Trung Quốc.

Thêm vào đó, trong thế bị dồn vào chân tường, Quốc hội Hy Lạp với 155 phiếu thuận, 136 phiếu chống và 5 phiếu trắng đã thông qua các dự luật chi tiết về những biện pháp thắt lưng buộc bụng và tư nhân hoá, mở đường cho việc giải ngân gói cứu trợ mới của IMF. Chính phủ của Thủ tướng G. Papandreou thoát khỏi nguy cơ bỏ phiếu bất tín nhiệm nhưng làn sóng phản đối của người dân thì lại đang dâng cao trước nguy cơ mức sống sụt giảm nghiêm trọng. Tuần trước, 10 nghìn người biểu tình đã tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội nước này sau khi các nhóm thanh niên ném bom xăng vào nhau trong cuộc tổng đình công nhằm phản đối các biện pháp khắc khổ của chính phủ.

Nguy cơ sụp đổ vì nợ nần tạm qua đi nhưng Hy Lạp lại có thể sụp đổ bởi những rối loạn chính trị trong nước do mức sống suy giảm và phân hóa giàu nghèo tăng lên. Phía trước “con tàu” Hy Lạp vẫn còn nhiều giông bão.