Chiếc gương nhỏ nhắc nhở quá khứ lầm lạc

ANTĐ - Lâu lắm rồi tôi không soi gương. Mặc dù, soi gương, làm đẹp là bản năng tự nhiên và là nhu cầu tất yếu của bất cứ người phụ nữ nào. Nhưng, tôi không dám đối diện với hình ảnh phản chiếu của mình ở trên tấm gương kia

LTS: Gương mặt thấm đẫm mệt mỏi, giọng nói yếu ớt tựa như những con gió heo may thoáng tan ra từ cuống họng, Phan Thị Hà vuốt nhẹ vài ba sợi tóc lòa xòa xuống trán, mắt buồng rười rượi nhìn ra ngoài trời mưa sụt sùi. Bằng chất giọng đều đều, Hà đã có những phút trải lòng về gia đình, đứa con nhỏ và những nỗi niềm sâu kín.

Lâu lắm rồi tôi không soi gương. Mặc dù, soi gương, làm đẹp là bản năng tự nhiên và là nhu cầu tất yếu của bất cứ người phụ nữ nào. Nhưng, tôi không dám đối diện với hình ảnh phản chiếu của mình ở trên tấm gương kia. Sẽ là một Phan Thị Hà mệt mỏi, tiều tuy, không còn sức sống. Sẽ là một Phan Thị Hà hèn nhát, yếu đuối và sống với hoài niệm. Đúng hơn, tôi xấu hổ tới mức chẳng còn dám nhìn chính bản thân mình nữa. Đáng lẽ, ngoài 30 tuổi, cái độ tuổi đàn bà đằm thắm, nồng nàn, viên mãn bên tổ ấm, có thể mỉm cười hạnh phúc rạng rỡ mỗi khi nhắc tới chồng con, gia đình, thì tôi, hễ ai hỏi tới, đều muốn lảng tránh sang câu chuyện khác.

Bởi, ngay bản thân tôi, dù đã cố gắng xoa dịu chính mình nhưng cũng không thể tha thứ cho những sai lầm đã phạm phải. Đó là lý do vì sao, rất lâu rồi, kể từ khi vào tù, tôi xuề xòa, xù xì với tóc kém mượt mà, áo quần kém phẳng phiu và tuyệt nhiên không dám nhìn vào chiếc gương nhỏ của chị em mỗi sáng thức dậy.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Thọ - Hà Tĩnh, mảnh đất nghèo cằn cỗi sỏi đá trong một gia đình thuần nông, chúng tôi vật lộn từng ngày với ruộng đồng, lúa ngô để bám trụ với cuộc sống. Ăn chẳng đủ no, giấc mơ bảng đen phấn trắng theo đó mà gầy guộc, mong manh rồi đứt gánh giữa đường như một điều không thể tránh khỏi. Cha mẹ tôi làm lụng triền miên ngày qua ngày, các anh chị em cũng lần lượt nghỉ học để phụ giúp cha mẹ, nhưng cuộc sống không vì thế mà sáng sủa hơn. Không đành lòng nhìn vợ con nheo nhóc, cha quyết định chuyển cả nhà tôi vào Đắk Lắk sinh sống theo diện làm kinh tế mới. Dừng chân ở huyện Krong Buk, chúng tôi bắt tay vào khai khẩn đất hoang, mua đất dựng nhà, bắt đầu một chặng đường mới.

Tôi vẫn thường cảm ơn mảnh đất này, nơi số phận đã run rủi đẩy đưa tôi gặp anh - một người đàn ông chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Anh tên Thìn, cũng là người xứ lạ tới đây lập nghiệp. Sự đồng cảm của những tâm hồn lư khách, cùng phận nghèo đi lên từ bùn đất, sắn ngô... đã kéo chúng tôi lại gần nhau. Anh mến tôi bởi cái nết thùy mị, dịu dàng. Tôi yêu anh bởi sự hiền lành, củ mí cù mì như hạt lúa. Chúng tôi nương tựa vào nhau đi qua những ngày khốn khó nhất, cùng hi vọng về một tương lai tinh tươm hơn. Cậu con trai chào đời càng khiến hạnh phúc gia đình tôi thêm tròn trặn, đủ đầy.

Cuộc sống luôn có những khúc cua không ngờ mà đôi khi người trong cuộc cũng không thể lường trước được. Vợ chồng tôi bước ra khỏi nghèo khó, bắt đầu có bát ăn, bát để cũng là khi anh thay tâm đổi tính. Từ một người chồng hiền lành, chất phác, anh bị những lời dụ dỗ, mời chào, hút hồn vào những canh bạc đỏ đen thâu đêm suốt sáng. Cuộc đỏ đen nào cũng có anh góp mặt. "Cờ bạc đãi tay kẻ mới", số tiền lời ban đầu càng khiến anh lao vào vòng xoáy u mê. Nhiều lần khuyên nhủ chồng, anh đều bảo "chơi giải trí", tôi cũng không cự cãi lại. Sau này, tôi hối hận mãi. Giá như lúc ấy tôi kiên quyết hơn. Tôi không dung túng cho sai lầm của anh. Tôi kéo anh về vòng tay của vợ con, thay vì đồng thuận để anh lang thang trên những chiếu bạc, thì có lẽ anh đã không sa chân từ sai lầm này tới sai lần khác.

Ảnh minh họa

Không dừng lại ở đỏ đen, anh tập tành cùng đám bạn hư hỏng nương mình theo lan khói trắng ma mị. Tới khi tra phát hiện thì anh đã trở thành con nghiện nặng. Lúc bình thường, anh vẫn yêu thương, chiều chuộng mẹ con tôi, vẫn xốc vác tất cả việc lớn, việc bé trong nhà, nhưng khi lên cơn vật thuốc, anh trở thành một người khác. Anh hung bạo, chửi bới, đập phá đồ đạc, rồi anh lại xuống nước van lạy tôi đi mua thuốc giúp anh. Nhìn anh vật vã dưới nền nhà, tôi hồn bay phách lạc, tâm trạng rối bời, nửa sợ hãi, nửa chùng chình không muốn đi, nhưng thấy bọt trang từ miệng anh rỉ ra, tôi hoảng sợ chạy vội đi tìm heroin cho chồng. Nhin anh ngấu nghiến hút thuốc, tôi ôm con vào lòng nức nở. Nó cũng sợ hãi tột độ giống như tôi, bởi chỉ cách đấy vài phút cha vẫn còn âu yếm, cưng nựng nó nhưng sau ấy hung hãn chẳng khác gì thú dữ.

Nghiện ngập và cờ bạc - hai thứ độc dược ấy cuốn sạch của nả của vợ chồng tôi ra khỏi nhà. Có thời kỳ khó khăn. tôi đành gửi con trai về nhà bố mẹ đẻ, nhờ ông bà đỡ đần. Nhìn con khóc ngằn ngặt đòi về theo mẹ, tôi dớt nước mắt, vừa xót xa, vừa giận dữ. Khó khăn về kinh tế khiến những cuộc khẩu chiến, cãi vã của vợ chồng tôi ngày một nhiều hơn. Đã có lúc tôi muốn bước ra khỏi cuộc hôn nhân ấy, nhưng nghĩ tới những năm tháng khó khăn vợ chồng cùng chung lưng đấu cật, yêu thương nhau hết lòng, tôi lại không đành quay lưng ra đi. Có nhưng lúc tình yêu và hôn nhân cũng cần cố gắng.

Một ngày đầu tháng 6, chồng tôi lên rẫy, còn một mình tôi ở nhà đang lúi húu dọn dẹp phía sau, định bụng chiều tối sẽ qua nhà ngoại đón con trai trở về đoàn tụ với cha mẹ, vợ chồng bảo ban nhau, nghèo khó bao nhiêu cũng chịu được, nhưng khiến con thiếu thốn tình cảm cha mẹ thật không đành lòng. Tôi đang dọn dẹp chợt nghe thấy tiếng gọi cửa í éo của đám thanh niên trẻ. Chúng gõ cửa hỏi mua ma túy vì biết chồng tôi nghiện, chắc chắn trong nhà có cất giữ. Nghĩ bán ma túy vừa có tiền, lại có thể cách ly nó khỏi chồng, tôi nhanh nhẹn tìm đưa nó cho đám khách. Đó cũng vừa kịp lúc công an ập tới và bắt quả tang hành vi mua bán trái phép chất ma túy của tôi. Đổ sụp người vì quá choáng váng, lặng lẽ đi theo các chiến sĩ công an, tôi mơ hồ nghĩ về quãng thời giàn dài vô định phía trước. Không lâu sau đó, chồng tôi cũng bị bắt với tội danh tàng trữ ma túy trái phép. Và hiện nay, cả hai vợ chồng tôi cùng thụ án ở trại giam Đắk Trung. Buổi chiều hôm ấy, con trai tôi đã ngóng cha mẹ tới đón rất lâu, nhưng càng ngóng, càng mất hút.

Trong thâm tâm, tôi chưa bao giờ dám nhận mình là người mẹ tốt. Thậm chí, tôi biết tôi không đủ tư cách đảm nhiệm thiên chức làm mẹ cao quý. Ngày tôi bị bắt, con trai tôi mới 3 tuổi đầu - cái độ tuổi non nớt và cần biết bao yêu thương. Tôi sợ hãi, sau này trở về gặp lại con, tình cảm mẹ con xa cách liệu có khiến nó trách cứ mà xa lánh tôi không? Lòng tôi lúc nào cũng nặng trĩu khi nghĩ tới con trai, có lẽ vì đó chị em cùng buồng giam thường bảo, chằng bao giờ thấy tôi nở một nụ cười. Tôi và chồng tôi cùng thụ án ở trại giam Đăk Trung nhưng thuộc hai phân trại khác nhau. Thi thoảng gặp nhau và động viên nhau bằng ánh mắt nửa xót xa, nửa khích lệ, có chăng cũng chỉ kịp dặn dò đôi ba điều vội vã. Lần nói chuyện lâu nhất cũng chỉ dăm bảy phút, cả hai chúng tôi không còn trách cứ nhau về sai lầm vấp ngã, mà chỉ nhắc về bao kí ức tươi đẹp trong những ngày nghèo khó xa xôi trước kia, và nhắc nhớ về cậu con trai - nguồn động lực thôi thúc vợ chồng chúng tôi chuyên tâm cải tạo để sớm trở về đoài tụ và bù đắp cho con những năm tháng khuyết thiếu tình cha mẹ.

Trong một dịp 8/3, anh nhờ cán bộ quản giáo gửi tới tôi một chiếc gương nhỏ nằm gọn trong lòng bàn tay, nhắn rằng, dù ở đâu cũng đừng quên mình là phụ nữ, cần phải chăm chút, nâng niu bản thân. Nhưng, cho tới hôm nay, tôi vẫn chưa đủ can đảm nhìn vào tấm gương ấy. Tôi sẽ cất nó thật cẩn thận, dành ngày ra tù sẽ soi vào đó, để thấy một tôi tươm tất, chỉn chu và vững vàng hơn ngày hôm nay sau tất cả những nhu nhược, sai lầm đã phạm phải.

Ghi theo lời kể của phạm nhân Phan Thị Hà (Trại giam Đắk Trung)