Chìa khóa và đòn bẩy tạo bứt phá cho khởi nghiệp sáng tạo

ANTD.VN - Nghị định 38/2018/NĐ-CP hướng dẫn về chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực ngày 11-3-2018, cụ thể hóa Điều 18, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Điều này nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo với tư cách là chìa khóa và đòn bẩy tạo bứt phá trong bối cảnh công nghiệp 4.0. 

Rất nhiều bạn trẻ có ý tưởng, mô hình sáng tạo tại Ngày hội thanh niên Thủ đô khởi nghiệp được tổ chức mới đây tại Hà Nội

Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

Khác với khởi nghiệp thông thường, doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (viết tắt là KNST) có khả năng, tiềm năng tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng hay doanh thu, lợi nhuận dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới…, nên KNST cũng có độ rủi ro cao hơn. Bởi vậy, cùng với khuyến khích các nguồn vốn và hỗ trợ từ các kênh khác nhau, việc tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ KNST là một trong những nhiệm vụ và giải pháp chính của Nghị quyết số 35/NQ-CP về “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020” được Chính phủ ban hành ngày 16-5-2016, nhằm phấn đấu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng theo mục tiêu Chính phủ đặt ra trong Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025 được phê duyệt Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016.

Thực tế đang và sẽ chứng tỏ rằng, đổi mới và nâng cao hiệu quả thể chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là cần thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo với tư cách là chìa khóa và đòn bẩy tạo bứt phá về công nghệ, về đổi mới mô hình kinh doanh, đóng góp tích cực và khẳng định vai trò tích cực của Chính phủ kiến tạo trong quá trình Việt Nam vươn mình thành một quốc gia khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững. 

Theo dự báo trong thời gian tới, chi ngân sách Nhà nước cho hỗ trợ KNST sẽ tăng mạnh về quy mô, đa dạng về hình thức theo các nội dung chi hỗ trợ chủ yếu như: Xây dựng Cổng thông tin KNST quốc gia; Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật các Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ KNST tại các bộ và địa phương; Tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp công nghệ quốc gia (TECHFEST) với quy mô quốc tế; Thuê địa điểm, gian hàng, trưng bày, vận chuyển trang thiết bị, truyền thông cho các sự kiện, cuộc thi KNST; Cấp bù lãi suất tín dụng đối với khoản vay, xây dựng năng lực và đầu tư vốn ban đầu cho  KNST;

Mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp, chuyển giao, phổ biến giáo trình khởi nghiệp đã được nghiên cứu, thử nghiệm thành công trong nước, quốc tế cho một số cơ sở giáo dục, cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh; Thuê chuyên gia trong nước, quốc tế để triển khai các khóa đào tạo và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ KNST khác (marketing, truyền thông và quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá, thương mại hóa và bảo vệ kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ…). 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Hỗ trợ bằng hình thức đa dạng và cơ chế linh hoạt

Nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ các hoạt động KNST nêu trên gồm: Ngân sách Nhà nước hàng năm dành cho khoa học và công nghệ cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương; Cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo; các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; Các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đầu tư rủi ro và Quỹ Đầu tư KNST…  

Quản lý chi ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoạt động KNST không phải là kéo dài cơ chế bao cấp trước đây mà có nhiều yêu cầu mới, cũng như còn thiếu nhiều quy định pháp lý cụ thể. Bởi vậy, cần có những bước đi và giải pháp đồng bộ, thiết thực và sáng tạo cần thiết. Đặc biệt, cần làm rõ và thống nhất định nghĩa, cụ thể hóa các tiêu chí nhận diện về doanh nghiệp/dự án KNST, Công ty đầu tư KNST và Quỹ Đầu tư KNST; tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản pháp luật cần thiết; thống nhất về nội dung và các chế độ, quy trình quản lý chi ngân sách Nhà nước cho hoạt động KNST bảo đảm sự công khai, minh bạch, bình đẳng, tránh cách hiểu đa chiều, quá cứng nhắc, gây khó cho sự tiếp cận của đối tượng thụ hưởng hỗ trợ ngân sách Nhà nước, trong khi lại tạo kẽ hở cho sự lạm dụng, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí chi ngân sách Nhà nước (nhất là trong quyết định chuyển khoản đầu tư thành khoản tài trợ) cho hoạt động KNST. 

Bên cạnh yêu cầu phối hợp trong kế hoạch tổng thể, các hình thức đa dạng và cơ chế linh hoạt, cũng cần quy định cụ thể về trách nhiệm xử lý rủi ro trong hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho hoạt động KNST thì việc định mức lãi suất kỳ vọng cho các khoản vốn ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động KNST cũng cần thiết, để nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chất thị trường và cơ hội mở rộng quy mô hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động khởi nghiệp KNST tương lai.

Thực tế đang và sẽ chứng tỏ rằng, đổi mới và nâng cao hiệu quả thể chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo KNST là cần thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tạo động lực thúc đẩy KNST với tư cách là chìa khóa và đòn bẩy tạo bứt phá về công nghệ, về đổi mới mô hình kinh doanh, đóng góp tích cực và khẳng định vai trò tích cực của Chính phủ kiến tạo trong quá trình Việt Nam vươn mình thành một quốc gia khởi nghiệp thành công và phát triển bền vững…