Chìa khóa để bắt kịp đà phát triển toàn cầu

ANTD.VN - Mạng 4G sẽ chính thức ra mắt năm 2017. Hơn 10 năm nữa, năng lượng xanh sẽ điền vào nhu cầu năng lượng bị thiếu hụt. Sau năm 2020, tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam…

Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng sạch

Bước vào năm 2017, với sự phát triển như vũ bão, công nghệ cao thâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội… Báo cáo của Ericsson cho biết, năm 2017 và xa hơn nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ là chủ đề quan trọng, đóng vai trò nổi bật trong đời sống. Cùng với đó, các vấn đề về sử dụng năng lượng xanh, sự giao lưu, kết nối ngôn ngữ chung toàn cầu cũng được dự đoán sẽ dần tạo ra ảnh hưởng lớn, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.

Sự chiếm lĩnh của công nghệ IoT 

Kết thúc năm 2016, Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam và Myanmar Jan Wassenius chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về xu thế ở Việt Nam trong giai đoạn 2017-2025 khi công nghệ thông tin và truyền thông “hợp tác” với nhau. “Năm 2010, chúng tôi chứng kiến Việt Nam tiếp cận với kho dữ liệu điện tử cùng sự xuất hiện công nghệ truyền thông không dây 3G. Sau 6 năm triển khai, đến nay, công nghệ 4G đã được thử nghiệm khá thành công. Dự kiến, Ericsson sẽ phối hợp với các công ty viễn thông Việt Nam đưa 4G tới người tiêu dùng trong năm 2017 với giá cả phù hợp với người tiêu dùng, cùng chuẩn 4G trên thế giới”. 

Cùng với tính năng vượt trội của công nghệ 4G, việc sử dụng các ứng dụng tự động thông qua các thiết bị đeo kết nối cá nhân như đồng hồ, kính mắt, điện thoại thông minh… ngày càng phát triển. Các ứng dụng này được gọi chung là Internet of Things (IoT), khi tất cả mọi thứ đều được kết nối qua mạng Internet, người dùng có thể kiểm soát mọi đồ vật của mình qua mạng chỉ bằng smartphone. 

Những công nghệ ứng dụng khiến nhiều người say mê IoT có thể kể đến như vườn tự chăm sóc - có thể  tự động tưới lượng nước chính xác cho cây trong từng thời điểm thích hợp và đưa ra lời khuyên qua ứng dụng của smartphone. Thậm chí, hệ thống vườn thông minh còn có thể theo dõi điều kiện thời tiết và giúp ông chủ lên kế hoạch chăm sóc cây tốt hơn. Hệ thống thông minh còn có thể giúp kiểm soát đồ gia dụng trong nhà khi bạn đang ở văn phòng như bật lò vi sóng, điều chỉnh nhiệt độ, thời gian và quan sát thức ăn được nấu chín thông qua một camera ngoại vi. Các hệ thống đèn điện thông minh cho phép người dùng điều chỉnh màu sắc và độ sáng của đèn trong nhà từ điện thoại…

Năng lượng tái tạo sẽ được khai thác mạnh  

Với nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP cùng kỳ, ước tính tăng thêm ít nhất 10% mỗi năm, Việt Nam đang đứng trước bài toán phát triển nóng hay tìm những nguồn năng lượng tái tạo thay thế. “5 tỷ người trên thế giới đang sử dụng điện hàng ngày. Chúng ta cần mạng lưới điện mạnh hơn, thông minh hơn, thân thiện với môi trường để giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu”- ông James Mullen, Phó Tổng Giám đốc, Phụ trách Phát triển kinh doanh của Tập đoàn  ABB tại Việt Nam cho biết.

Để đáp ứng được nhu cầu điện năng, Việt Nam cần nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các nguồn sản xuất điện, nâng cao năng lực truyền tải điện và đổi mới công nghệ. Việt Nam cần hòa chung với xu thế phát triển của thế giới, đó là hướng tới nền kinh tế bền vững, sử dụng các trí tuệ nhân tạo, nguồn năng lượng tái tạo và lưới điện thông minh. Phân tích về tình trạng sử dụng điện ở Việt Nam, ông James Mullen cho rằng, thủy điện chiếm khoảng 34% công suất lắp đặt của Việt Nam. Trong tương lai, năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ chiếm ưu thế. 

 “Năng lượng gió và mặt trời đang thu hút sự quan tâm và các nhà đầu tư đang mong chờ những chính sách khuyến khích về giá điện năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cần lưu ý, hiện nay, mức đầu tư cho năng lượng sạch ở Việt Nam đang bị giảm mạnh” - ông James Mullen cho biết. Theo ông James Mullen, tổng mức đầu tư cho năng lượng sạch tại Việt Nam năm 2014 ước tính đạt 67 triệu USD, giảm nhiều lần so với 821 triệu USD năm 2009. Ông James Mullen cho biết, Việt Nam đang dùng lưới điện quốc gia nhưng tới đây khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu sử dụng năng lượng xanh thì Việt Nam sẽ phải đáp ứng điều này. 

Trường tư ở Việt Nam đang tiến bộ nhanh trong đổi mới dạy tiếng Anh

Cải thiện tiếng Anh để tăng sức cạnh tranh

Tương lai hội nhập của Việt Nam có đủ sức cạnh tranh về nhân lực hay không đang được đánh giá nhiều vào năng lực Anh ngữ của người lao động. Đánh giá của EF, một công ty giáo dục quốc tế lớn của Thụy Điển cũng nhấn mạnh, năng lực Anh ngữ liên quan trực tiếp đến chỉ số phát triển kinh tế cùng các chỉ số phát triển con người khác. Theo đó, năng lực Anh ngữ càng cao thì nền kinh tế nước đó càng mạnh, càng sáng tạo, chi tiêu cho chất xám nhiều hơn. 

Về  năng lực Anh ngữ của Việt Nam hiện nay, bà Phạm Thị Diệp Linh, Giám đốc Marketing EF cho biết: “Năng lực Anh ngữ của Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm phát triển chậm nhất. Bảng xếp hạng EF thường niên mới nhất đánh giá năng lực Anh ngữ của 75 nước đánh giá cao nhất là Singapore. Nước này có điểm số gia tăng mạnh trong một năm nay bởi Chính phủ và người dân có sự chú trọng đặc biệt với tiếng Anh dù họ đã rất thành công trong việc biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. Mặc dù mức tiến bộ của Việt Nam không nổi trội nhưng trong 5 năm qua, năng lực Anh ngữ của Việt Nam đã chuyển từ mức đánh giá thấp sang mức trung bình từ năm 2015”.

Chỉ ra sự quan trọng của việc nâng cao năng lực Anh ngữ, bà Linh cho rằng, mặc dù Việt Nam bắt đầu giảng dạy tiếng Anh trong trường tiểu học nhưng những lớp học tiếng Anh tư nhân vẫn phổ biến vì nhiều người tin rằng các trường công lập dạy tiếng Anh không đủ tốt để sử dụng một cách chính thức trong môi trường học thuật và chuyên nghiệp.

“Năng lực Anh ngữ phụ thuộc lớn vào hệ thống giáo dục công. Cần đầu tư nâng cao năng lực Anh ngữ, năng lực sư phạm của giáo viên. Học sinh cần được tập trung vào kỹ năng giao tiếp thực hành thay vì chỉ tập trung vào ngữ pháp. Giới trẻ cần tiếp xúc tiếng Anh thường xuyên trong cuộc sống, thúc đẩy giao tiếp tiếng Anh thực hành, sống cùng ngôn ngữ” - bà Phạm Thị Diệp Linh nhấn mạnh. Rõ ràng, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam vẫn là mục tiêu lớn trong tương lai và đòi hỏi cần có sự nỗ lực, đầu tư khá mạnh từ cả Nhà nước và tư nhân.