“Chia bánh” thời hậu chiến

ANTĐ - Ông al-Qeeb, một viện sĩ không mấy nổi danh, đã được bầu làm Thủ tướng lâm thời của Libya. Nhưng liệu sự kiện này có phải là dấu mốc mở ra một thời kỳ mới cho Libya?
Thủ tướng lâm thời Al-Qeeb (bên trái) sau khi được bầu

Với kết quả được công bố sau cuộc bỏ phiếu công khai do các thành viên Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) cầm quyền tiến hành, ông al-Qeeb nhận được 26 phiếu trong tổng số 51 phiếu bầu. Như vậy, ông đã giành chiến thắng trước bốn ứng cử viên khác, trong đó có nhân vật chính trị khá nổi tiếng là Bộ trưởng Dầu mỏ Ali Tarhuni.

Vì sống nhiều năm ở nước ngoài nên ông al-Qeeb là nhân vật không mấy tên tuổi trên chính trường. Sau khi theo học tại các trường đại học Tripoli (Libya), Nam California và Bắc Carolina (Mỹ), ông al-Qeeb tham gia giảng dạy tại một số trường đại học và Viện nghiên cứu dầu mỏ ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất. Cái tên al-Qeeb chỉ nổi lên khi ông bắt đầu tham gia tài trợ cho cuộc nổi dậy chống lại chính quyền của cựu lãnh đạo M. Gaddafi và tổ chức các lực lượng ở Thủ đô Tripoli mùa hè vừa qua.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch NTC A. Jalil khẳng định: “Cuộc bỏ phiếu trên chứng tỏ rằng người Libya có khả năng xây dựng tương lai của chính mình”. Tuy nhiên, đa số các nhà bình luận lại nhận xét rằng, con đường đi tới tương lai đó hoàn toàn không đơn giản.

Trước hết là việc kiểm soát các nhóm vũ trang chống Gaddafi. Đây là một lực lượng hỗn tạp, xuất thân từ các vùng, miền khác nhau, thuộc các bộ lạc khác nhau nên ít có sự gắn kết. Các lực lượng nổi dậy đến từ vùng núi phía tây Misrata và từ Benghazi ở phía Đông chiến đấu độc lập và “không ai chịu ai”. Mặc dù cuộc nổi dậy khởi xướng từ Benghazi ở miền Đông nhưng cuộc tấn công vào Tripoli lại do lực lượng đến từ vùng núi phía Tây.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối ren hiện nay tại Tripoli: Các lực lượng đến từ các vùng không ai chịu nhường ai, đều cho rằng mình có công “giải phóng Tripoli” và đóng góp lớn nhất cho “chiến thắng” trên toàn cõi Libya. Rất nhiều nhà lãnh đạo quân sự của Misrata cảm thấy bị NTC bỏ rơi và bị lãng quên trong các vụ dàn xếp chính trị. Một bản tin của hãng Bloomberg trích lời một tổ chức mang tên Hội đồng quân sự Misrata nói rằng họ đã rất ngạc nhiên là không có một ai ở Misrata nằm trong NTC.

Giữa chính trường vẫn còn ngổn ngang, phe nào cũng muốn giành cho mình  phần lớn nhất trong “chiếc bánh” quyền lực và tiền bạc “thời kỳ hậu Gaddafi”. Nếu NTC không xử lý khôn khéo, có nguy cơ  máu lại đổ trong cuộc nội chiến tranh giành quyền lực, bởi miền Tây Libya giàu có sẽ không chịu khuất phục dưới sự thống trị của miền Đông Libya lạc hậu.

Bằng chứng là việc bổ nhiệm chỉ huy gốc Al-Qaeda A. Belhaj làm Tổng chỉ huy quân đội và A. Shkal, một viên tướng dưới thời ông Gaddafi, làm Chỉ huy an ninh Tripoli đã bị lực lượng đến từ Misrata phản đối kịch liệt. Trong khi đó, Chính quyền lâm thời lại còn phải ngăn chặn các lực lượng ủng hộ ông Gaddafi tiến hành những hoạt động du kích chống đối từ các vùng nông thôn, gây bất ổn cho đất nước.

Trong vài ngày tới, 51 thành viên của NTC sẽ sớm thông qua danh sách thành viên nội các mới. Chính phủ lâm thời này sẽ điều hành Libya trong thời gian tới để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử, dự kiến sẽ diễn ra sau 8 tháng nữa. Hiện đã có trên 60 quốc gia công nhận NTC là chính quyền hợp pháp ở Libya. Đất nước Libya đang ở thời điểm đầy phấn khích nhưng cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức.