Chỉ thành công khi phối hợp đồng bộ

ANTĐ - Thừa nhận những thành công đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2013 như ổn định đồng nội tệ, kiểm soát lạm phát, lãi suất kéo xuống thấp, thị trường vàng và ngoại hối ổn định, song các chuyên gia nhận định thách thức đối với hệ thống ngân hàng còn rất lớn. Tại hội thảo “Những khuyến nghị chính sách kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ 2014-2015”, nhiều ý kiến cảnh báo những khó khăn sẽ còn kéo dài sang năm tới.

Khó khăn đầu tiên là làm thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, trong khi đến hết tháng 10 vừa qua chỉ đạt 7,18%? Không thể kéo dài tình trạng ngân hàng thì dư vốn mà tín dụng không thể tăng trưởng, dù ngân hàng rất tích cực “mời chào”, tháo gỡ rào cản để doanh nghiệp tiếp cận vốn. Không đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng, tức là nền kinh tế còn phải đối mặt với sự trì trệ của quá trình luân chuyển tiền-hàng, sản xuất trồi sụt, thất nghiệp tăng, nguồn thu thuế bị giảm sút và rất khó tạo đà hồi phục cho những năm sau. Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét, sức khỏe của nền kinh tế có yếu đi, dù không rơi xuống đáy nữa nhưng khả năng trì trệ vẫn còn. Nhưng cảnh báo về chính sách tài khóa và tiền tệ là cần thiết. Nhiều người lo ngại nợ xấu, điều này đúng nhưng chưa đủ. Thực ra nợ xấu bán cho ai cũng là chuyển nợ.  

Điều quan trọng là khơi thông được tín dụng, “làm sạch” bảng cân đối tài sản của các ngân hàng. Tuy vậy, một chuyên gia thâm niên trong ngành ngân hàng lo ngại tình trạng lũng đoạn ngân hàng. Nếu không xử lý ráo riết rủi ro, giám sát chặt sự minh bạch nội bộ ngân hàng thương mại, sẽ rơi vào tình trạng từ nợ xấu này chuyển sang nợ xấu khác. Dù có bán được nợ xấu nhưng cốt lõi là có khơi thông được quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp hay không. Trong năm tới, Ngân hàng Nhà nước còn phải đối mặt với không ít thách thức để thiết lập những quy chuẩn về minh bạch, hệ thống quản trị rủi ro chuẩn mực, tiêu chí giám sát. Vị chuyên gia này khẳng định rằng, làm gì thì làm, phải minh bạch, cải thiện căn bản chuẩn mực đạo đức trong quản trị ngân hàng để không tái diễn tình trạng “năm nay xóa nợ xấu, mấy năm sau lại xóa nợ xấu”.

Vừa qua Quốc hội đã thông qua bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP. Chính sách tài khóa năm tới sẽ nới lỏng, tăng mạnh đầu tư công. Như vậy, toàn bộ sức ép sẽ đặt lên “vai” chính sách tiền tệ. Luật Ngân hàng Nhà nước đã xác định, chính  sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền, không nên đặt hết kỳ vọng giải quyết bất cập của nền kinh tế vào chính sách tiền tệ. Chính sách này chỉ thành công khi có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các chính sách vĩ mô khác, nhất là chính sách tài khóa.

Tin cùng chuyên mục