Chi phí vận tải hàng quốc tế tăng hơn 5 lần, doanh nghiệp khó tận dụng “cơ hội vàng” xuất hàng đi châu Âu - châu Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc ùn tắc trên các tuyến vận tải container, đặc biệt là tại các tuyến vận tải đi khu vực châu Âu - châu Mỹ và tình trạng thiếu container rỗng  kéo dài từ năm 2020 đến nay tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Chi phí logistics tăng mạnh gây khó khăn cho doanh nghiệp

Chi phí logistics tăng mạnh gây khó khăn cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Tuy nhiên, cước vận tải logistics sang các thị trường này gia tăng đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó trong việc tận dụng "cơ hội vàng" trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm.

“Ở góc độ logistics, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang đối mặt với 5T. Đó là cước tăng; phí tăng; thời gian vận chuyển biển tăng; "booking" (đơn hàng đặt chỗ) để đưa hàng đi bị hoãn ngày càng tăng, tần suất tăng nhiều hơn, số ngày bị hoãn càng tăng; các loại phí cũng ngày càng tăng”- ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Dẫn chứng cụ thể, đại diện VASEP cho hay, nếu như trước tháng 11-2020, cước phí logistics đi châu Âu - châu Mỹ cao nhất là khoảng 3.000 USD/ container thì hiện nay, chi phí này đến Bờ Đông (Hoa Kỳ) là 17.000 USD/ container, Bờ Tây (Hoa Kỳ) khoảng 13.000 - 14.000 USD/ container, châu Âu là khoảng 12.000 - 14.000 USD/ container tùy cảng chính, cảng phụ; đi Trung Đông trước đây không đến 1.500 USD/ container thì hiện nay khoảng 10.000 - 11.000 USD/ container.

“Rõ ràng điều này tạo áp lực lớn với doanh nghiệp khi đưa hàng hóa đến khách hàng đã ký theo hợp đồng”- ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, vận tải hàng hóa quốc tế hiện không chỉ tắc nghẽn đường hàng hải, mà còn lan ra các kênh vận tải khác như đường bộ, đường hàng không.

Trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động thương mại điện tử gia tăng, đơn hàng xuất khẩu nhỏ nhiều và yêu cầu đi nhanh. Tuy nhiên, việc tắc nghẽn đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp xuất khẩu.

Tắc nghẽn ở Hoa Kỳ tác động trực tiếp đến chi phí và khiến doanh nghiệp bị động khi tiếp cận thị trường, đặc biệt ở nhóm mặt hàng có tính thời vụ như may mặc, giày dép, nông sản, điện tử, tiêu dùng.

“Nếu doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, bị động sẽ rơi vào tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi logisitcs. Nếu quá trình này kéo dài và nghiêm trọng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam dần bị mất liên kết với chuỗi vận tải, buộc phải phụ thuộc vào doanh nghiệp khác…”- ông Bùi Huy Sơn cho hay.

Nhấn mạnh vai trò của logistic trong hoạt động xuất nhập khẩu, ông Hans Kerstens - Phó Trưởng tiểu ban vận tải và hậu cần (Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - Eurocham) cho rằng, vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến châu Âu cần có sự điều chỉnh, không chỉ phụ thuộc vào vận tải đường biển, mà đa dạng hóa phương thức vận tải, để đảm bảo hàng hóa đến đúng nơi, đúng thời điểm và dự đoán những vấn đề phát sinh sẽ xảy ra.