Chí Phèo đời mới

ANTĐ - Vừa rồi trong làng mạng xảy ra mấy chuyện hài. Cũng xin kể để bà con cười chơi.

Chuyện thứ nhất là chuyện mấy ông luật sư, chả biết học thật hay học rởm, cãi đâu thua đấy, nhưng trót mua vé của chuyến tàu ảo vọng, mấy ngày một lần trả lời phỏng vấn hết của hãng tin này đến hãng tin kia, mà toàn những hãng tin chỉ mong Việt Nam loạn để kiếm chút tàn tro. Đáng tiếc, những bài trả lời phỏng vấn chỉ chứng tỏ những luật sư này… chắc là “luật sư giấy”. Có ông bàn về vụ việc xảy ra ở Việt Nam nhưng cứ đòi lấy luật Mỹ ra để bào chữa. Có ông thì viện Hiến pháp, nhưng cố tình quên đầu quên đuôi, chỉ cắt những dòng nào có lợi cho… phía thù địch.

Ví dụ như các quyền tự do của cá nhân, Hiến pháp chúng ta quy định rất nhiều quyền tự do, nhưng những quyền tự do này không được làm hại đến quyền tự do của người khác, nên mới có quy định là tự do trong khuôn khổ pháp luật quy định. Nhưng các vị này quên hoặc cố tình quên cái quy định ấy và cứ phán ào ào như chúng ta không có quyền tự do.

Vừa rồi một tòa án tỉnh có xử một người vi phạm điều 258 Bộ Luật hình sự, với tội danh: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Người này cố tình đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước. Ông luật sư bào chữa lại cho rằng Nhà nước là của nhân dân và vì dân nên chỉ khi nào chứng minh được bị cáo gây thiệt hại đến nhân dân thì mới là có tội.

Theo đúng tôn chỉ mục đích và mọi quy định liên quan đến luật sư, chúng tôi chỉ thấy điều căn bản nhất là luật sư phải có trách nhiệm làm rõ sự thật vụ án. Nhưng các vị luật sư này không những không làm rõ sự thật mà chính họ là người biết rõ nhất song lại tung hỏa mù, hy vọng che khuất sự thật là bị cáo này đã vi phạm pháp luật.

Các chứng cứ tại tòa cho thấy, bị can này đã viết và phổ biến các bài viết có nội dung không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước; đưa ra cái nhìn bi quan một chiều gây hoang mang lo lắng, làm ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Dĩ nhiên bị cáo đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cái trò cãi chày bửa không được, vị luật sư này lại lên mấy trang mạng phán lung tung, thậm chí còn vu vạ cho hội đồng xét xử không có quyền, chỉ xử theo chỉ đạo (?!).

Chính sự vu vạ này, làm ảnh hưởng đến danh dự uy tín của hội đồng xét xử phiên tòa cũng như cả hệ thống tư pháp cũng đã vi phạm chính điều 258 Bộ luật Hình sự rồi. 

Cũng nhân phiên tòa này và từ nhiều vụ việc khác, chúng tôi còn thấy một sự hài hước nữa. Trước cửa tòa án có vài chục người tụ tập mong phá rối phiên xử. Hay ở chỗ là mấy chục người này là mấy chục khuôn mặt quen thuộc. Những người này có mặt ở khắp nơi. Hễ có mâu thuẫn xã hội là họ có mặt. Nào kích động, nào phá quấy, nào cào mặt ăn vạ, thậm chí có khi còn khỏa thân vu vạ xâm hại tình dục…

Đi theo họ là một lô một lốc những máy quay phim, máy ảnh, sẵn sàng ghi lấy mấy cảnh phản đối này nọ và chỉ sau mấy phút là tung lên mạng để mong nhận được hưởng ứng, được ghi danh “chiến sĩ dân chủ”. Cũng lạ. Họ luôn luôn đòi hỏi các cơ quan chính quyền phải làm theo họ kiến nghị vì họ là dân đóng thuế (!). Nhưng họ làm gì để mà phải đóng thuế? Hầu hết họ không làm gì cả, không nghề nghiệp, mà có nghề nghiệp thì nơi sử dụng họ cũng chào họ lâu rồi, nếu có doanh nghiệp thì cũng trốn thuế, giống một ông “dân chủ” có sừng có mỏ đang đếm lịch vì tội trốn thuế. Ấy vậy mà họ rất hay nhắc nhở họ là người đóng thuế để nuôi cả… Nhà nước.

Không làm gì, cả đời không kê khai thuế thu nhập, nhưng họ lại có mặt ở khắp nơi. Xuôi nam ngược bắc, có khi còn mang theo con nhỏ để lấy cớ vu vạ, nhưng nói đến hoàn cảnh kinh tế thì luôn than trời đói khổ. Đói khổ mà đi khắp nơi vậy, mà ăn uống, sinh hoạt như doanh nhân vậy. Đã đến lúc cần quan tâm họ lấy tiền ở đâu mà đi hoạt động chống đối như vậy. Những trò vè phá quấy của mấy khuôn mặt này ai cũng rõ. Chỉ là nói lại để dư luận thêm phần cảnh giác mà thôi.