Chỉ dẫn địa lý có cũng như không

ANTĐ - Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm nông nghiệp dù được đưa ra từ khá lâu, song đến nay lại bị các bộ, ngành, địa phương bỏ quên, dù đây được đánh giá, là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt đối với những sản phẩm đặc sản của vùng miền.

Đã có bảo hộ, mà bưởi Đoan Hùng “nhái” vẫn bày bán tràn lan. (Ảnh minh họa)


Nước mắm Phú Quốc sản xuất ở Thái Lan

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Tạ Quang Minh, Việt Nam là nước nông nghiệp truyền thống với đa dạng các loại đặc sản. Hầu như mỗi địa phương, vùng, miền đều có sản phẩm đặc trưng, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân. Vì vậy việc hỗ trợ quản lý và phát triển CDĐL được Nhà nước đặc biệt quan tâm.  “CDĐL được bảo hộ khi gắn lên sản phẩm coi như một chứng chỉ bảo đảm, sản phẩm có nguồn gốc tại vùng địa lý nhất định, có chất lượng, có danh tiếng… khác với sản phẩm cùng loại ở vùng khác. Đồng thời, đây là cơ sở để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, ngăn chặn các hành vi sử dụng trái phép CDĐL”, ông Minh nhấn mạnh.

Theo đó, như tại Bắc Giang, nhờ vào danh tiếng được bảo hộ, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn của tỉnh này đã góp phần tăng giá trị sản xuất từ 450 tỷ (năm 2007) lên 800 tỷ đồng (năm 2011). Theo thống kê sơ bộ của Cục Sở hữu trí tuệ, đến năm 2010 cả nước có 933 sản phẩm, dịch vụ đặc thù gắn với 721 địa danh trên cả nước. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số lượng CDĐL được đăng ký bảo hộ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, (tính đến tháng 6-2011 mới có 23 CDĐL được đăng ký). Trong số đó chỉ một số CDĐL có được hệ thống quản lý và kiểm soát trên thực tế; hoạt động quản lý cũng chưa thực sự hiệu quả như mong muốn…

Còn ông Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định: “Hiện nhiều sản phẩm đã được bảo hộ CDĐL đang bị sử dụng trái phép. Cụ thể nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc tràn lan trên thị trường, thậm chí ở Thái Lan cũng sản xuất nước mắm Phú Quốc. Thương hiệu bưởi Đoan Hùng của Phú Thọ đã được CDĐL nhưng giống quý này được trồng khắp nơi cũng lấy tên “bưởi Đoan Hùng”. Thứ quả đặc sản tiến vua được bày bán ngay trên đất Phú Thọ gọi là “bưởi Đoan Hùng” chưa chắc đã là bưởi “xịn”… Rõ ràng quản lý CDĐL còn nhiều bất cập. Việc chưa có chế tài xử lý sử dụng trái phép thương hiệu khiến người tham gia sản xuất không mặn mà bảo hộ, làm mất giá trị sản phẩm”.

Thiếu chế tài xử lý

Sản phẩm quế Văn Yên, Yên Bái được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ CDĐL từ năm 2010, song ông Hà Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết, do giá trị truyền thống của sản phẩm sau khi được bảo hộ CDĐL tăng rõ rệt nên mức độ làm giả sản phẩm cũng ngày càng gia tăng. Tình trạng đưa quế chất lượng kém, giá rẻ từ nơi khác về tiêu thụ đã xuất hiện gây thiệt hại kinh tế cho các cơ sở kinh doanh của địa phương và khó khăn cho cơ chế kiểm soát, mất uy tín của sản phẩm mang CDĐL… “Chúng tôi đề nghị Trung ương sớm ban hành những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi lợi dụng CDĐL để trục lợi, tăng cường giao trách nhiệm cho các cơ quan chuyên ngành để quản lý và phát triển CDĐL đã được công nhận”, ông Anh đề xuất.

Ông Hoàng Hữu Nam, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở KHCN Nam Định) cho hay, Nam Định có sản phẩm gạo tám xoan Hải Hậu được bảo hộ CDĐL. Hiện Hiệp hội Gạo tám xoan Hải Hậu được cấp quyền sử dụng CDĐL nhưng hội thực chất là một tổ chức kinh tế, không phải là tổ chức nghề nghiệp, kinh nghiệm tổ chức quản lý sản xuất cũng như kinh doanh yếu… Ông Nam băn khoăn, nếu chỉ cấp quyền sử dụng CDĐL cho Hiệp hội Tám xoan Hải Hậu thì việc khai thác CDĐL sẽ hạn chế, còn cấp cho hộ nông dân thì không thể kiểm soát được các tiêu chí theo quy định. Còn để HTX nông nghiệp sử dụng thì thuận lợi nhưng lại khó khăn về vốn SXKD.