Chỉ còn 11 ngành, nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh

ANTĐ - Ngày 9-9, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Điểm quan trọng của 2 dự luật này là việc quy định danh mục các ngành nghề bị cấm, hạn chế đầu tư, kinh doanh theo định hướng mọi người được tự do kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Buôn bán động vật hoang dã vẫn là ngành kinh doanh bị cấm

Thu hẹp ngành, nghề bị cấm

Với nhận định “linh hồn” trong Luật Đầu tư (sửa đổi) nằm ở các Điều 4, 5, 6 của dự thảo luật - quy định về các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên hầu hết các ý kiến đều tập trung vào vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cho biết, sau khi xem xét, cân nhắc trên định hướng loại bỏ các ngành, nghề không cần cấm; cắt giảm những ngành nghề kinh doanh không nhất thiết phải có điều kiện, dự thảo Luật Đầu tư được trình hội nghị lấy ý kiến lần này đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Cho ý kiến về dự luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Hiến pháp đã quy định rõ quyền được tự do đầu tư, kinh doanh đối với ngành nghề mà pháp luật không cấm. Do vậy, quy định danh mục các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh, kinh doanh có điều kiện là rất quan trọng và cần thiết. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, việc thu hẹp danh mục này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, phải rà soát cẩn thận, nếu không sẽ dẫn đến chồng chéo giữa Luật Đầu tư với các luật chuyên ngành, gây ra tình trạng vừa mở, vừa siết hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Nhiều ngành, nghề cấm chưa hợp lý?

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, khoảng cách giữa cấm và kinh doanh có điều kiện ở một số ngành, lĩnh vực như dự luật này đưa ra rất mong manh. Chẳng hạn trong danh mục 11 ngành, nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh, có một số ngành, nghề được quy định mở theo hướng “trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng”. 

Một số đại biểu cho rằng, việc quy định danh mục các ngành nghề bị cấm cần tính đến xu hướng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển những lĩnh vực kinh doanh mới, cần kêu gọi đầu tư, chứ không thể cứng nhắc, khép kín. Đại biểu Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội dẫn chứng, quy định cấm kinh doanh vũ khí, khí tài quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang... là chưa hợp lý mà chỉ nên đưa vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. “Nếu cấm thì làm sao phát triển được năng lực quốc phòng, an ninh của quốc gia, trong khi năng lực trong lĩnh vực này ở nước ta hiện còn hạn chế” - ông Hồ Trọng Ngũ nói.

Nhấn mạnh 2 luật này có vai trò đặc biệt quan trọng, cốt lõi trong phát triển kinh tế đất nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ban soạn thảo cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các các ĐBQH, dày công hơn nữa để xây dựng Luật Đầu tư (sửa đổi) mang tinh thần cải cách thực sự. Chủ tịch Quốc hội định hướng, phải rà soát lại toàn bộ các quy định cấm ngành, nghề kinh doanh để đưa vào Luật Đầu tư trên quan điểm khi Luật này có hiệu lực thì không cơ quan, bộ ngành nào được ban hành các danh mục ngành, nghề, lĩnh vực đầu tư kinh doanh nữa.

11 ngành, nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh


1. Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng, trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng.

2. Kinh doanh các chất ma túy trừ việc sử dụng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, điều tra tội phạm theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

3. Kinh doanh các loại hóa chất theo công ước quốc tế quy định.

4. Kinh doanh các loại pháo, trừ pháo tín hiệu, pháo hỏa thuật theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

5. Kinh doanh mại dâm.

6. Mua, bán người và các bộ phận cơ thể người.

7. Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã thuộc Phụ lục 1 công ước CITES và mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhóm I theo quy định.

8. Kinh doanh các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

9. Kinh doanh các loại động vật biến đổi gien.

10. Kinh doanh văn hóa phẩm xâm phạm an ninh quốc gia, đạo đức xã hội.

11. Kinh doanh hàng giả, các mặt hàng độc hại xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người trừ các mặt hàng thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.