Trò chuyện với tác giả cuốn sách bán chạy nhất hiện nay

Chỉ cần ước mơ là đủ

ANTĐ - Những ngày này giới trẻ đang “sốt xình xịch” với cuốn Xách ba lô lên và đi (NXB Văn học) của tác giả Huyền Chíp. Khi cuốn sách chưa lên kệ thì trên trang web bán sách Tiki.vn, cuốn nhật ký hành trình này đã đứng đầu vị trí xếp hạng với số lượng đặt hàng nhiều hơn 3 quyển sách có thứ tự kế tiếp cộng lại. 

Tập 1 vừa “ra  lò” 5.000 cuốn, sau 4 ngày NXB đã công bố tái bản lần thứ nhất vì sách đã hết veo. Điều gì đã khiến một cuốn sách của một cô gái trẻ măng “hot” đến vậy. Câu trả lời, đơn giản là sự khác biệt. Sự khác biệt không chỉ từ những hiểu biết, khám phá và cách tiếp cận mới mẻ về các địa danh mà cô gái mang đến qua cuốn sách, mà còn chính là sự khác biệt của bản thân cô bé.

Ngẫu hứng, yêu đời, quái, hết mình và thông minh. Đó là cảm nhận của tôi sau khi tiếp xúc với Huyền Chíp (Nguyễn Thị Khánh Huyền). 22 tuổi, trong khi nhiều bạn trẻ đang loay hoay bước ra trước cánh cửa cuộc đời thì Huyền hiện đang giữ vị trí Giám đốc sáng tạo cho một doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin. Cùng với đó là những dự án cộng đồng riêng của cô, được rất nhiều bạn trẻ ủng hộ. Quê ở Nam Định, lên cấp 3 Huyền học chuyên toán Trường THPT Khoa học tự nhiên Hà Nội (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và tham gia viết bài, dịch sách từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Tốt nghiệp trường Aptech, Huyền thực tập và làm việc ở Philippine, Singapore, Malaysia… Thế nhưng Huyền Chíp thực sự được nhiều người biết đến khi cuốn Xách ba lô lên và đi (tập I: Châu Á là nhà. Đừng khóc) được xuất bản. 

Cuốn sách là hành trình của cô bé 19 tuổi không xu dính túi, nói đi vòng quanh thế giới chỉ như một đứa trẻ con năm tuổi nói với mẹ “lớn lên con muốn làm nhà du hành vũ trụ”. Ấy thế mà đi thật. Sau khi lĩnh 1.500 USD từ công ty ở Malaysia, mua một cái netbook, 1 máy ảnh, trong túi chỉ vỏn vẹn 700 USD, cô gái đã xách ba lô lên đường. 2 năm đi, một thân một mình đặt chân tới 25 quốc gia. Phương thức đi của Huyền là “tiết kiệm tối đa”, cô ở nhờ nhà những người bạn đã liên lạc trước trên mạng, có khi ngủ luôn ngoài bến tàu, bến xe (nếu xuống xe gặp trời tối); đi bộ, đi nhờ xe hoặc đi tàu giá rẻ, xe khách “chợ”, ăn đồ rẻ tiền. Rồi thì “trốn vé” khi tham quan khu du lịch nào đó, giữa đêm gõ cửa nhà chùa xin ngủ nhờ… Có thể đó là những trải nghiệm mà ngay cả dân du lịch bụi nước ngoài cũng phải “ngả mũ”.

Không có nhiều tiền, nhưng cô gái cũng rất nhanh nhạy ứng phó. Khi hết tiền cô tạm dừng chân kiếm việc làm một thời gian, hoặc nhận việc online để có tiền đi tiếp. Ở Ấn Độ, Huyền làm diễn viên đóng thế, ở Nepal thì làm tổ chức sự kiện, rồi làm nhân viên phục vụ nhà hàng, viết bài cho các trang mạng nước ngoài…

Cùng trò chuyện với Huyền Chíp để hiểu hơn về cô bé “liều” này:

- Chào Huyền! Em nghĩ tại sao cuốn sách của mình lại “hot” đến vậy?

- Tự mình đánh giá về sách của mình thì có vẻ hơi chủ quan. Khi viết sách em cũng chẳng nghĩ là cần phải bán được bao nhiêu, chỉ để thỏa mãn mong đợi của mình và là một món quà kỷ niệm sinh nhật lần thứ 22 của mình, và viết cho đỡ quên thôi. Ban đầu em nghĩ sách bán chạy một phần vì người ta tò mò, nhưng sau đó thì cũng không hẳn thế. Có những người đọc sách của em rồi lại mua tiếp để tặng bạn bè, tặng con mình. Em nghĩ có thể cuốn sách của em nó vượt ra ngoài ý nghĩa một cuộc nhật ký hành trình. Rõ ràng chuyện đi như thế ở Việt Nam là một cái gì đó lạ lẫm.

- Em có sợ rằng một chuyến đi đầy bản năng, đầy mạo hiểm như thế khi lên sách, có thể có sự ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận giới trẻ, nhất là có thể nhận lại sự phản ứng của các bậc phụ huynh?

- Em không nghĩ thế. Rất nhiều phụ huynh đã mua sách của em tặng con của họ với những lời đề tặng kiểu như lớn lên con sẽ là một người dũng cảm như thế này. Thực sự khi viết sách em không có ý muốn dạy đời ai cả, không cổ súy một cái gì. Em chỉ muốn nói rằng đi cũng là một lựa chọn trong rất nhiều lựa chọn của các bạn trẻ. Hãy dũng cảm thực hiện ước mơ của mình. Như trong lời tựa cuốn sách em cũng nói rồi đó: Em không hiểu vì sao mọi người gắn cho chuyến đi ấy những mục đích to tát. Phải chăng ước mơ vẫn là một thứ lạ lùng đến mức bản thân việc “theo đuổi ước mơ” chưa đủ làm nên một lý do. 

- Huyền nghĩ sao khi những người trẻ sống mà không có ước mơ?

- Cái đó thực sự nguy hiểm. Mọi người đã quá quen với một quy trình, hài lòng với cái quy trình ấy, như kiểu một người quen ăn cơm, suốt đời chỉ ăn cơm thì họ sẽ thấy đó là việc bình thường dù đôi khi cũng thấy chán cơm. Họ không biết còn rất nhiều món khác như mỳ, bún, phở… chẳng hạn. 

- Em có thấy mình khác biệt không?

- Mới đầu thì em không thấy mình khác biệt lắm đâu. Nhưng mọi người cứ nói mãi, làm em cũng bắt đầu thấy mình khác biệt. Em thích đọc những cuốn sách mà ít người thích và hiểu. Rồi khi học hết cấp 2 ở Nam Định, em thi vào trường Chuyên Khoa học tự nhiên, thấy bạn nào cũng có máy tính xách tay mà mình lại chẳng hiểu gì về thế giới công nghệ thì tức lắm. Em quyết tâm thi vào trường Aptech, đỗ thủ khoa nhưng lại không có tiền đi học. Thế là em viết thư đến các doanh nghiệp xin học bổng. Cuối cùng cũng nhận được hồi âm của một doanh nghiệp công nghệ lớn. Em thấy đấy cũng là sự khác biệt, vì trước một vấn đề em luôn nghĩ rằng cần phải giải quyết nó, cách này không được nghĩ cách khác chứ không ngồi than khóc.

- Huyền có vẻ thích tự lập?

- Em nghĩ là em tự lập hơn nhiều bạn trẻ khác. Đúng là em có một phần máu “liều”. Em nhớ từ khi 3 tuổi, em đi học mẫu giáo mà đã dám trốn để tự đi bộ về nhà một mình. Có một bác lớn tuổi mời em về nhà nói chuyện với con bác (đang học cấp 3) để cho con bác tự lập hơn. Khi em hỏi bạn ý đi học bằng cách nào, bạn ý trả lời là bố mẹ đèo đi. Em nghĩ tự lập phần lớn do môi trường sống, môi trường giáo dục tạo nên chứ không dạy bằng lý thuyết được. 

- Cuốn sách đầu tay đã được xếp vào hàng bestseller, em thấy vui không?

- Cũng vui, nhưng nói thật là em chả dám khoe với bạn bè nước ngoài đâu vì xấu hổ lắm. Ở nước ngoài phát hành mấy chục, mấy trăm nghìn cuốn mới gọi là bestseller, còn ở mình có mấy nghìn cuốn, khoe họ bảo: Có tí vậy mà cũng gọi là bestseller. Không phải là sách mình không được nhiều người đọc, mà có nhiều lý do lắm, một trong những lý do đó là sách lậu và rất nhiều lý do khác nữa. 

- Em buồn vì ngành xuất bản hay vì văn hóa đọc của người Việt?

- Ở Việt Nam một cuốn sách hay chưa chắc đã được lên kệ, nhiều cuốn sách hay trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì không bán được. Nhìn những đầu sách bán chạy trên thị trường thấy khá là buồn. Em không dám phê phán một tác giả nào, nhưng những cuốn sách tình cảm sướt mướt thì lại bán chạy, đọc xong thì không thấy để lại cái gì. Em nghĩ mọi người chưa thực sự đánh giá cao một cuốn sách hay. Những cuốn sách hay quốc tế thì khó đến với độc giả Việt Nam được vì mất tiền mua bản quyền, rồi dịch ra mà không ai đọc thì chẳng nhà xuất bản nào muốn làm. Chất lượng dịch thì thấp vì trả công dịch rất “bèo”. 

- Trở lại với cuốn sách, không biết kỳ II của Xách ba lô lên và đi sẽ như thế nào nhỉ?

- Cuốn sách thứ 2 em cũng sắp hoàn thành, nói về châu Phi. Em nghĩ là sẽ khác lạ hơn tập I vì ở Việt Nam chưa có ai viết sách nói về châu Phi. Châu Phi là châu lục bị hiểu nhầm rất nhiều. Ngay cả khi em chưa đến em cũng hiểu nhầm. Ví dụ em nghĩ châu Phi rất là nóng vì vậy da họ mới đen, tóc mới xoăn đến như vậy. Nhưng không phải, châu Phi cũng có những nơi rất lạnh, mùa đông còn có tuyết rơi. Hoặc ai cũng nghĩ châu Phi nghèo, nhưng có những nước rất phát triển, có nước bình quân đầu người gấp mấy chục lần Việt Nam…

- Còn việc đi tiếp thì sao?

- Em sẽ vẫn đi tiếp nếu lúc nào đó mình muốn. Và sau này nếu con em muốn đi em cũng sẵn sàng cho nó đi. Với một người chưa đi bao giờ thì có thể họ thấy việc đi rất đáng sợ. Nhưng khi đã đi rồi thì thấy mọi chuyện rất bình thường, ở đâu con người cũng như nhau mà thôi.

- Chúc em sẽ có thêm nhiều chuyến đi thú vị.