Chỉ 2% rau củ quả nhập khẩu không an toàn?

ANTĐ - Trong khi dư luận lo lắng về tình trạng rau củ quả Trung Quốc nhập khẩu mất ATTP liên tục bị phát hiện. Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật - cơ quan gác cửa, kiểm tra an toàn lại cho rằng, chỉ 2% nông sản thực vật nhập khẩu là mất an toàn!

Có cơ quan gác cửa biên giới nhưng nông sản độc vẫn lọt lưới

Lỗi không phải kiểm dịch cửa khẩu!

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng, hàng năm lượng nông sản nhập khẩu vào Việt Nam rất lớn, tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát các loại hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật đã tăng cường và chặt chẽ hơn. Tỷ lệ hàng hóa nông sản được cơ quan kiểm dịch phát hiện có dư lượng hóa chất vẫn còn cao nhưng chủ yếu nằm trong ngưỡng an toàn cho phép. “Chỉ có 2% lượng hàng hóa nhiễm dư lượng hóa chất vượt mức cho phép và chúng tôi đã cảnh báo cũng như áp dụng lệnh tăng tần suất kiểm tra đối với các lô hàng và doanh nghiệp vi phạm, bắt buộc chủ lô hàng phải tái xuất trở lại nơi nhập khẩu nếu hàng tiếp tục vi phạm”, ông Nguyễn Xuân Hồng cho hay. 

Đối với tình trạng nhiều lô hàng sau khi thông quan, nhập khẩu sâu vào nội địa như khoai tây, nho, lựu, cam quýt… vẫn bị cơ quan chức năng phát hiện có chứa dư lượng hóa chất bảo quản, chất bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, đây không phải là lỗi của các cơ quan kiểm dịch cửa khẩu. 

Sẽ sửa đổi quy định 

Theo quy định về kiểm soát hàng nông sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, cơ quan kiểm dịch được phép áp dụng tần suất lấy mẫu là 10% lô hàng để kiểm tra và trong khi chờ kết quả vẫn cho thông quan để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Nếu hàng bị phát hiện có vi phạm, các lô hàng của doanh nghiệp nhập sau đó sẽ bị kiểm tra tần suất 30% và nếu tiếp tục vi phạm thì phải tái xuất, đồng thời cơ quan chức năng sẽ thực hiện lệnh thu hồi và truy xuất những sản phẩm đã lưu thông vào thị trường nội địa. 

Tuy vậy, ông Nguyễn Xuân Hồng cũng cho rằng, đây đang là bất cập của Thông tư 13 về kiểm soát hàng hóa có nguồn gốc nông sản nhập khẩu. Bởi vậy, hiện Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan liên quan chỉnh sửa, bổ sung lại Thông tư này để sớm hoàn thiện các quy định luật một cách chặt chẽ hơn. Theo tinh thần của dự thảo Thông tư sửa đổi, mặc dù vẫn giữ tỷ lệ kiểm tra lần đầu là 10% khối lượng lô hàng nhập khẩu nhưng sẽ có các quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể như, bắt buộc doanh nghiệp vi phạm, có lô hàng nhiễm dư lượng phải niêm phong hàng tại kho cảng, bến bãi để chờ kết quả kiểm tra mới có quyết định được thông quan hay tái xuất. Doanh nghiệp phải chịu các chi phí về kho cảng, bến bãi và bảo quản… “Thậm chí chúng tôi cũng đang nghiên cứu có thể dừng nhập khẩu từ nước có nhiều sản phẩm vi phạm hoặc bắt buộc dừng đối với doanh nghiệp liên tục vi phạm”.

Về tình hình xuất nhập khẩu tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 Lạng Sơn – Bộ NN&PTNT cho biết, hiện xuất và nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn ổn định, lượng nông sản không biến động nhiều. Hiện đang là mùa xuất khẩu các loại chuối xanh, thanh long và lạc của Việt Nam sang Trung Quốc, còn nông sản nhập về là táo, lê, dưa vàng Trung Quốc. Tổng lượng nông sản Việt Nam xuất đi qua Lạng Sơn là 1.000 tấn/ngày còn nhập về khoảng 200-300 tấn/ngày.