“Chết đuối” trong “ao làng”

ANTĐ - Con số 96 HCV đánh đấu kỳ SEA Games xa nhà thành công nhất của đoàn TTVN. Nhưng đằng sau thành công chung kia, vẫn còn đó nhiều bài học buồn.

Thất bại tại SEA Games 26 là bài học xương máu cho Kim Tuấn

trước những thử thách tương lai, vốn sẽ rất khắc nghiệt.


Chủ quan và thất bại

Chiến công xô đổ cột mốc 8 HCV tại các kỳ đại hội của môn điền kinh chẳng thể xóa nhòa nỗi buồn trong lòng người hâm mộ, khi “nữ hoàng” tốc độ Vũ Thị Hương gây thất vọng. Thất bại cay đắng trên đường chạy sở trường 100m, 200m được cô gái gốc Thái Nguyên lý giải là “do chấn thương chưa lành”. Nhưng sẽ thật trái ngược nếu so sánh với tuyên bố hùng hồn trước giờ lên đường: “Chấn thương của Hương đã hồi phục hoàn toàn và việc bảo vệ 2 HCV khu vực hoàn toàn trong tầm tay”. Từ lãnh đạo bộ môn, giới truyền thông và người hâm mộ đều tin vào kết quả đó. Để rồi kết quả cuối cùng khiến tất cả phải… giật mình: ĐKVĐ chỉ giành HCĐ ở cả 3 nội dung đăng ký. Vậy  nguyên nhân do đâu, nếu không phải xuất phát từ tâm lý chủ quan của chính Hương, người được coi và tự thấy “đẳng cấp của mình đã đạt tầm châu lục, thế giới”.

Còn ở Judo, tấm HCV “chắc như đinh đóng cột” tại hạng cân 48kg nữ cũng bị đánh rơi bởi sự chủ quan của người trong cuộc. Với cả tá thành tích giành được tại các giải lớn nhỏ, Văn Ngọc Tú thừa tự tin bước vào SEA Games 26. Kết quả, “nữ hoàng Judo” để thua Wanwisa (Thái Lan) chỉ sau… 16 giây lâm trận, bởi đòn ippon chí mạng. Từ BHL cho đến người hâm mộ ngơ ngác. Ngay cả Ngọc Tú sau khi rời thảm đấu vẫn không hiểu điều gì đã xảy ra. Một thất bại ngoài tưởng tượng với người đang được kỳ vọng giành vé dự Olympic 2012.

Xét về vị thế trên đấu trường thế giới, Nguyễn Tiến Minh (hạng 7) chính là người có thứ hạng cao và ổn định nhất trong làng thể thao nước nhà. Khi mà SEA Games chưa khai màn, người ta đã tính toán trước xem liệu Tiến Minh sẽ gặp ai ở bán kết và chung kết. Nhưng rồi kịch bản khiến chính người trong cuộc phải bẽ bàng: Tiến Minh bị loại từ vòng 2, bởi một tay vợt “không tên tuổi” Derek Wong (hạng 42). “Đây là tay vợt đang lên, có lối đánh khá khó chịu, cộng thêm bản thân tôi phải chịu áp lực tâm lý nặng nề”, tay vợt hạng 7 thế giới lý giải về thất bại. Thật khó để người hâm mộ đồng cảm, bởi tại các giải đấu tầm cỡ thế giới, và liên tục phải chạm trán các đối thủ thuộc tốp 10 thế giới “như cơm bữa”, chưa thấy Tiến Minh thua tức tưởi chỉ sau 27 phút như tại giải đấu “ao làng” này.

Cũng là một thất bại đáng buồn, nhưng có lẽ với Thạch Kim Tuấn còn có cả sự đáng trách. Khác với những “ngôi sao” thể thao nước nhà kể trên, lực sỹ người TP.HCM được xem như kỳ tài khi liên tiếp giành HCV giải trẻ thế giới và có cho mình bộ sưu tập gần 200 huy chương khi mới 17 tuổi. Người trong cuộc tự tin, BHL tin tưởng và giới truyền thông cũng không tiếc lời tung hô. Song kết quả lại trái ngược với dự đoán: chàng “lực sỹ vàng” đạt thành tích kém cỏi và chỉ giành HCĐ. Tất nhiên, mọi sự biện minh sau đó như đều trở nên vô nghĩa. Một cú sốc quá lớn cho tài năng trẻ Kim Tuấn, nhưng lại chính là bài học vô giá cho một tài năng trẻ: Mọi sự chủ quan đều dẫn đến thất bại.

Lỗi từ người lớn

Ngỡ ngàng, không tin vào mắt mình… đó là biểu hiện chung của BHL đội tuyển sau thất bại của những “ngôi sao” kể trên. Thực tế là sau mỗi thành công của VĐV, người ta chỉ thấy HLV, lãnh đạo bộ môn vui mừng vì được “nở mày, nở mặt”, chứ ít ai thấy họ đưa ra lời khuyên, cảnh báo nào kiểu như “đây mới là thành công bước đầu, cần cố gắng nhiều hơn và không được chủ quan” cho học trò. Và rồi cứ thế, lần lượt những người vốn vùng vẫy khắp các đấu trường thế giới lại “chết đuối” tại chính cái “ao làng” SEA Games. Bên cạnh đó, việc đánh giá thực lực VĐV của các HLV, hay sự sâu sát của những lãnh đạo ngành thể thao cũng bị đặt câu hỏi.

Dương Văn Thái “một mình một ngựa” cán đích nội dung 800m, Đào Xuân Cường gây chấn động Đông Nam Á với tấm HCV 400m vượt rào hay Nguyễn Thị Thanh Phúc bỏ xa các đối thủ đến cả trăm mét khi cán đích nội dung đi bộ 20km… song lạ ở chỗ, ngay cả những HLV khi được hỏi đều cảm thấy ngạc nhiên với chính thành tích học trò mình. Thậm chí một lãnh đạo môn điền kinh (xin giấu tên) còn tiết lộ “Nguyễn Thị Thanh Phúc là người cuối cùng được điền tên vào danh sách 41 VĐV tuyển điền kinh. Trước đó, nhiều người không tin nội dung đi bộ 20km nữ Việt Nam sẽ giành huy chương”. Câu hỏi được đặt ra: Những người làm công tác chuyên môn không đánh giá được thực lực của VĐV mình, hay không nắm được thực lực các đối thủ để so sánh tương quan lực lượng?

Rõ ràng, thành công của các tài năng trẻ hay thất bại ê chề của những “ngôi sao đẳng cấp thế giới” đều mang đậm dấu ấn từ lãnh đạo bộ môn. Xưa nay, SEA Games vốn bị xem là cái “ao làng”, nhưng nếu không có cái “ao làng” đó, chắc chắn nhiều tài năng sẽ tiếp tục gục ngã bởi tính tự phụ, chủ quan và người làm công tác chuyên môn chẳng thể là điểm tựa giúp các nhân tài Việt Nam vươn xa hơn.