Chế tài không đủ răn đe hàng giả tung hoành

ANTĐ - Năm 2014, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hàng chục nghìn vụ sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng số vụ được chuyển sang xử lý hình sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực trạng này được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến: “Chống hàng giả: Cần sự quyết liệt của nhiều ngành”, sáng 9-4.

Chế tài không đủ răn đe hàng giả tung hoành ảnh 1Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, thu giữ số lượng lớn mì chính giả

Cần chế tài mạnh hơn

Theo Thống kê của Ban chỉ đạo 389/QG, năm 2014, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 21.645 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường trực tiếp phát hiện và xử lý trên 17.000 vụ, song chỉ có 11 vụ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý hình sự. Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, hàng giả tràn lan, không xử lý được đang là thách thức với lực lượng chức năng nói chung và QLTT nói riêng. 

Thừa nhận nạn hàng giả vẫn gây nhức nhối, một phần do chế tài xử lý còn nhẹ, nhưng ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389/QG băn khoăn: “Theo quy định, hàng giả trị giá từ 30 triệu đồng trở lên là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại sao số vụ việc phát hiện rất nhiều nhưng xử lý hình sự chỉ đếm trên đầu ngón tay”? Tự trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Trọng Tín cho biết, mặc dù số lượng vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả được phát hiện nhiều nhưng do các đối tượng thường chia nhỏ các khâu sản xuất nên giá trị bắt giữ không lớn. Ví dụ như với mũ bảo hiểm giả, các đối tượng sẽ chia nhỏ các khâu: làm xốp, làm quai, làm vỏ nhựa… 

Hàng giả là vấn nạn gây nhức nhối cho xã hội, khiến người dân lo lắng, ảnh hưởng đến sản xuất của các doanh nghiệp, làm thất thu thuế của Nhà nước. Trong thời kỳ hội nhập, hoạt động này cũng đang làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, thị trường trong nước hiện có 30 ngành hàng bị làm giả trầm trọng, gồm: mỹ phẩm, rượu - bia - nước giải khát; đồ điện tử, điện lạnh; trang trí nội thất; thuốc chữa bệnh; sản phẩm dệt may; tôn sắt kẽm, dây cáp điện; xi măng và thậm chí cả sách giáo khoa… 

Hàng giả được bán quay vòng

Công tác chống hàng giả không chỉ phức tạp ở khâu phát hiện, bắt giữ, mà ngay cả xử lý hàng hóa vi phạm cũng đang có nhiều điểm bất hợp lý. Theo quy định, nhiều loại hàng giả sau khi bị thu giữ sẽ được bán phát mại. “Có thể các đối tượng buôn bán hàng giả lại mua lại, thay tem mác bằng các nhãn hiệu nổi tiếng rồi bán với giá cao. Hiện tại, hàng phát mại dán nhãn riêng nhưng rất dễ bóc. Ví dụ với quần áo, nhãn hàng phát mại được thay bằng nhãn Levi’s, Mango… rồi mang ra shop và siêu thị bán. Tội phạm dễ dàng lợi dụng kẽ hở này để kiếm lời. Cách thức phát mại hàng giả phải thay đổi” - ông Nguyễn Trọng Tín nói.

Gần đây, hàng giả mạo hàng Việt Nam chất lượng cao ngày càng nhiều, dễ phát hiện nhất là mặt hàng quần áo. Ông Nguyễn Hồng Anh - Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, quy định ghi nhãn hàng hóa áp dụng với hàng nhập khẩu hiện cũng còn nhiều điểm chưa phù hợp. Cụ thể, nếu thông tin ghi trên sản phẩm thiếu thì lực lượng hải quan không đủ căn cứ để xử phạt. Nhưng sản phẩm thiếu thông tin cần phải ghi thêm nhãn phụ lại tạo điều kiện cho đối tượng vi phạm ghi thông tin giả mạo, dẫn đến hàng giả từ nước ngoài được thông quan, vào nội địa Việt Nam gắn nhãn mác mới và mang đi tiêu thụ. 

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, nhiều quy định liên quan đến xử lý hàng giả đang được hoàn thiện, đặc biệt là nội dung ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả tại khu vực biên giới. Tuy nhiên, chống hàng giả là “cuộc chiến” lâu dài, trong đó doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng, song hành với lực lượng chức năng.

Tin cùng chuyên mục