Chế tài chưa đủ mạnh, chống mại dâm còn nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ LĐ-TB&XH, hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm đã ban hành hơn 17 năm nay nên một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống mại dâm trong tình hình mới.
Tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp
Tệ nạn mại dâm vẫn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2016-2020, tệ nạn mại dâm ở nước ta đã được kiềm chế về tốc độ và phạm vi.

Cơ quan Công an các cấp đã chỉ đạo tăng cường công tác truy quét ổ nhóm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm có quy mô lớn, phức tạp, trá hình ở các khách sạn, nhà hàng, quán bar, vũ trường,… ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng...

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, các hoạt động điều tra, khảo sát thu thập thông tin, đấu tranh và xử lý các tụ điểm mại dâm công cộng và khu vực biên giới, cửa khẩu được xử lý quyết liệt hơn.

Kết quả, trong 5 năm đã truy quét tại địa bàn công cộng 17.445 cuộc, triệt phá 7.551 cuộc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ với 29.171 người vi phạm, trong đó, 16.221 người bán dâm; 8.206 người mua dâm; 4.520 đối tượng chủ chứa, môi giới và 224 người bán dâm dưới 18 tuổi.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, hiện nay, số người bán dâm được các cơ quan chức năng thống kê (qua xử phạt vi phạm hành chính; hỗ trợ xã hội, y tế,…) là 8.316 người, số người bán dâm ước tính là 14.647 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, di biến động, tinh vi và trá hình.

Đánh giá về kết quả công tác phòng, chống mại dâm, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, thời gian qua, công tác phòng, chống mại dâm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng chưa vững chắc, tệ nạn mại dâm, các tội phạm liên quan đến mại dâm như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên, đặc biệt là hành vi mua bán người vì mục đích mại dâm gây ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc dư luận.

Một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng chống mại dâm gặp nhiều khó khăn do hành lang pháp lý bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót, chế tài xử lý chưa đủ tính răn đe.

Cụ thể, theo Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm quy định các hoạt động phòng ngừa là giải pháp trọng tâm nhưng chỉ mới quy định mang tính nguyên tắc, thiếu các điều kiện đảm bảo để thực hiện các chính sách này.

Mặt khác, chưa quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền các cấp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; chưa có chính sách và các dịch vụ đặc thù để hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, đặc biệt đối với trẻ em là nạn nhân bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại.

Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan trong hoạt động phòng, chống mại dâm được quy định tại một số Nghị định về xử phạt hành chính thuộc các lĩnh vực khác nhau dẫn đến việc xử phạt không triệt để, thiếu thống nhất, mức phạt thấp (hành vi mua dâm, bán dâm), chưa có tính răn đe đối với người vi phạm.

Quy định của pháp luật cũng thiếu chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm như: khiêu dâm, kích dục; một số hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội cao như tổ chức, bảo kê cho hoạt động mại dâm chưa được quy định thành tội danh trong Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, việc quản lý cấp phép cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau, do đó còn chồng chéo, công tác hậu kiểm hạn chế, dẫn đến thiếu hiệu quả trong việc quản lý, phòng ngừa tệ nạn mại dâm...

Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; ban hành Nghị quyết chung về công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm để tăng cường công tác chỉ đạo điều hành của các cấp; tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách; bố trí nguồn lực cho công tác này trong thời gian tới.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất Chính phủ xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV dự án Luật Phòng, chống mại dâm.