“Chạy” theo lương tối thiểu

ANTĐ - Nhận định về kết quả kiềm chế lạm phát năm 2012 và việc Chính phủ dành phần lớn ngân sách nhà nước cho an sinh xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng “khá ấn tượng”. Bởi vì, thời gian qua, nếu không có các chính sách an sinh xã hội kịp thời, thì đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo sẽ cực kỳ khó khăn. Song bà Chủ nhiệm cũng bày tỏ lo ngại về việc Chính phủ đánh giá đời sống của nhân dân trong năm 2012 như thế nào, bước sang năm 2013 sẽ ra sao?

Bà Chủ nhiệm Ủy ban đưa ra những con số đáng ngại: ở vùng Đông Bắc tỷ lệ nghèo là 18,31%, Tây Bắc 28,86%, Tây Nguyên 16,62%, Bắc Trung bộ 15,51%, Đông Nam bộ 1,48% và Đồng bằng sông Hồng khoảng 5%. Do đó, Chính phủ cần phải quan tâm để tác động bằng những cách thức khác nhau nhằm giảm nghèo một cách sâu sắc và bền vững. Không nên chỉ xem xét chỉ tiêu đề ra 2% có đạt được hay không.

Theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, tổng chi lên tới con số 27.509 tỷ đồng, trong khi tổng chi cho việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2013 vào khoảng 60.000 tỷ đồng. Nếu tăng lương từ ngày 1-5-2013 ở mức 100.000 đồng/tháng thì phải chi 33.000 tỷ đồng. Trường hợp khó khăn quá có thể tăng từ ngày 1-7 cũng phải chi khoảng 20.000 tỷ đồng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, mục tiêu này có thể thực hiện được dựa vào nguồn tăng thêm do điều chỉnh giá dầu thô và cắt một số khoản chi khác. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phải cân đối các nguồn để có tiền tăng lương. Yêu cầu là phải tăng tiêu dùng để kích hoạt thị trường, có tăng thêm lương thì ngân sách cũng không tăng nhiều.

Trên diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất, do cân đối ngân sách nhà nước năm 2013 rất khó khăn, chưa bố trí được nguồn nên đề nghị Quốc hội giao Chính phủ tính toán cụ thể, báo cáo Ủy ban Thường vụ, Quốc hội và thực hiện ngay khi có điều kiện, ưu tiên người có công và cán bộ hưu trí. Một Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, bao nhiêu năm nay, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động trong khu vực nhà nước vẫn phụ thuộc vào ngân sách theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”.

Ngân sách dư dả thì tăng nhiều, không nhiều thì tăng ít. Cái khó của việc tính lương tối thiểu là khi tăng lương sẽ kéo theo cả 8 chính sách gồm bảo hiểm xã hội, y tế, trợ cấp người có công, bảo trợ xã hội, lương hưu… cũng tăng theo. Đương nhiên nó sẽ khiến cho ngân sách càng thêm “nặng gánh” hơn. Dù vậy, theo một ủy viên Ủy ban của Quốc hội, nếu nói do ngân sách khó khăn không thể thực hiện lộ trình tăng lương trong năm 2013, vậy thì có gì đảm bảo rằng năm 2014 sẽ không khó khăn như năm 2013? Nếu như năm 2015 lại tiếp tục khó khăn, thì thôi luôn hay sao?

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội đã chỉ ra cái vòng luẩn quẩn của việc tăng lương tối thiểu theo kiểu cơ học như hiện nay. Cho dù có tiết kiệm chi, có nhiều tiền tăng lương thế nào đi nữa cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề. Lương khó trở thành một nguồn thu nhập chính của cán bộ, công chức giúp họ yên tâm làm việc, thay vì phải xoay xở các nguồn thu nhập khác.

Sau 20 năm cải cách tiền lương, theo một số chuyên gia, không thể cứ “chạy” theo lương tối thiểu. Cứ mỗi lần tăng lương, những bất cập, hạn chế càng tăng lên và dồn nén. Đã đến lúc cần mạnh dạn xác định mục tiêu, lương bình quân của công chức phải cao hơn lương bình quân của người lao động trong khu vực doanh nghiệp.