Chây ì giảm cước vận tải

ANTĐ - Dù Bộ GTVT, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu điều chỉnh cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu nhưng dường như không có tác dụng với các doanh nghiệp vận tải.

Chây ì giảm cước vận tải ảnh 1Xăng dầu đã 12 lần giảm giá, cước vận tải vẫn đủng đỉnh

Taxi "bất động" 

Trong lần điều chỉnh giá cuối cùng của năm 2015 (ngày 18-12), giá xăng A92 giảm lần thứ năm liên tiếp với mức giảm 400 đồng/lít, về mức 16.400 đồng/lít. 

Như vậy, tính từ đầu năm 2015 đến nay, riêng xăng A92 đã có 18 lần điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng giá và 12 lần giảm giá với mức giảm khoảng 3.400 đồng/lít. Dù vậy, đến thời điểm này, giá cước vận tải (yếu tố đầu vào cấu thành giá hàng hóa) vẫn “án binh bất động”.

Ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc taxi Thành Công cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp chưa có phương án giảm giá cước. Bởi, các doanh nghiệp không thể cứ 15 ngày lại điều chỉnh giá cước một lần theo chu kỳ 15 ngày điều hành giá xăng dầu. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh taxi đều tính theo phương án, nếu giá xăng dao động từ 15.000-18.000 đồng/lít, thì giữ nguyên giá cước.

Nếu giá xăng giảm dưới 15.000 đồng/lít hoặc tăng trên 18.000 đồng/lít, thì các hãng mới có phương án giảm hoặc tăng giá cước. Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, sau đợt giảm giá xăng lần thứ 12, một số doanh nghiệp taxi đã giảm giá cước. Tuy nhiên, chi phí để điều chỉnh khá lớn và mất thời gian, nên trong lần giảm giá xăng mới nhất các doanh nghiệp chưa có kế hoạch thay đổi giá cước.

Trong khi taxi chưa có dấu hiệu giảm giá cước thì vận tải khách đến thời điểm này cũng mới nhúc nhích. Thống kê từ Công ty CP Bến xe Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 24-12, có 24 doanh nghiệp vận tải khách trên 2 bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát gửi thông báo giảm giá vé từ 3-13% (tương đương mức giảm 2.000 đồng -10.000 đồng).

Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp này đều chạy tuyến ngắn như Hà Nội-Nam Định, Hà Nội-Phú Thọ, Hà Nội-Phủ Lý... Các doanh nghiệp chạy xe đường dài chưa thấy có thông báo về việc giảm vé. 

Ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho hay, để đảm bảo an toàn cho hành khách đi lại dịp nghỉ lễ, Tết sắp tới, công ty đã yêu cầu các bến xe họp đội ngũ lái xe, phục vụ trên xe, cam kết đảm bảo an ninh trật tự, không thu tiền cao hơn giá vé đã đăng ký; không chở quá số ghế quy định; phối hợp với lực lượng công an, thanh tra GTVT xử lý các hiện tượng xe vòng vo đón khách trước cửa bến, xóa các bến cóc, bến dù trên địa bàn TP… 

Mới chỉ nhắc nhở

Trao đổi về hiện tượng “án binh bất động” của các doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô cho hay: “Xăng dầu giảm giá không có nghĩa cước vận tải sẽ phải giảm theo ngay. Các doanh nghiệp cũng cần có thời gian tính toán để đưa ra mức điều chỉnh hợp lý”. Song, lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng nhìn nhận, bên cạnh nhiều doanh nghiệp làm ăn tử tế, cập nhật diễn biến thị trường để điều chỉnh giá cước phù hợp thì cũng còn những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không giảm cước trong thời gian dài. Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị, cơ quan quản lý Nhà nước cần chấn chỉnh những doanh nghiệp này, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết.

Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý giá cước vận tải, yêu cầu điều chỉnh giá cước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu.

Ngay sau đó, Bộ GTVT cũng có văn bản đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý giá cước và thực hiện kê khai giá tại đơn vị vận tải đường bộ trên địa bàn. Trong đó, phải kê khai rõ các yếu tố chi phí cấu thành giá cước vận tải (có chi phí nhiên liệu) làm cơ sở để các cơ quan quản lý rà soát và kiểm tra; Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; Phối hợp và đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô tại địa phương tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn kê khai và niêm yết giá cước theo quy định và đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ phù hợp theo mức giảm giá nhiên liệu.

Trên thực tế, giá xăng dầu đã giảm tới 40% (so với đầu năm 2014), trong khi cước vận tải từ năm ngoái đến nay giảm chưa tới 10% là khó có thể chấp nhận. Trước tình trạng doanh nghiệp chây ì giảm cước, các cơ quan chức năng liên quan như Bộ GTVT, Bộ Tài chính cũng chỉ dừng ở mức có văn bản đề nghị, nhắc nhở mà chưa có biện pháp mạnh hơn buộc các doanh nghiệp phải nghiêm túc xem xét điều chỉnh cước vận tải, đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng.

Grabcar vừa có thông báo mức giá cước phí mới, áp dụng từ 13h ngày 24-12 tại Hà Nội. Cụ thể, giá cước phí cơ bản giờ thường là 7.100 đồng/km, giờ cao điểm là 9.100 đồng/km. Giá cước phí giờ cao điểm trong các ngày lễ, Tết (Giáng sinh, Tết Dương lịch) từ 11.000 đồng/km-14.200 đồng/km.