"Chạy đua" tuyển dụng cuối năm, ngành nào có nhu cầu lớn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán góp phần kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp đang bắt đầu khôi phục sản xuất từ đó tạo thêm việc làm cho người lao động.

Người lao động tìm việc tại một ngày hội việc làm

Người lao động tìm việc tại một ngày hội việc làm

Những dấu hiệu khả quan trong kiểm soát dịch bệnh tác động tích cực lên thị trường lao động nhiều địa phương, các doanh nghiệp đang bắt đầu khôi phục sản xuất tạo thêm việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho hàng hoá phục vụ dịp cuối năm, doanh nghiệp sẽ gia tăng tuyển dụng trong thời gian tới.

Tại Hà Nội, báo cáo thị trường lao động tháng 9/2021 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong quý 3/2021 đã tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm và hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực tại thành phố.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạm đóng cửa, dừng hoạt động trong thời gian dài dẫn đến tình trạng hàng triệu người lao động có nguy cơ mất thu nhập, giảm thu nhập và tạm dừng hợp đồng lao động. Nhóm lao động dễ bị tổn thương và trong khu vực kinh tế phi chính thức, nhóm lao động làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như: thương mại bán lẻ, du lịch, sản xuất.

Một số ngành nghề tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh như xây dựng, du lịch, nhà hàng…gần như không có nhu cầu tuyển dụng hoặc chỉ tuyển dụng với số lượng rất ít tại một số doanh nghiệp.

Bất chấp dịch bệnh, một số lĩnh vực ngành nghề ít hoặc gần như không bị ảnh hưởng và tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhiều sau đợt giãn cách như công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, chiến lược phòng, chống dịch được điều chỉnh linh hoạt, gắn với phôi phục các hoạt động kinh tế. Vì thế, kịch bản thị trường lao động tại Hà Nội sắp tới sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, công tác tiêm vaccine cho người dân và hiệu quả của các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.

Theo thường lệ, để chuẩn bị cho hàng hóa phục vụ cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn được dự báo sẽ ngày càng tăng trong những tháng tới. Ngành dịch vụ dự kiến sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng cao do nhu cầu mua sắm những mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là những doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng.

Ngoài ngành dịch vụ, nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin vẫn có xu hướng tuyển dụng lớn và thường xuyên ở một số vị trí như: kỹ sư, lập trình viên; ngành ngân hàng tuyển dụng số lượng lớn các vị trí quan hệ khách hàng, công nghệ thông tin phục vụ phát triển hệ thống và chuyển đổi số.

Tại TP.HCM, dù chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh, nhưng theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp vẫn sẽ đẩy mạnh hoạt động hoàn thành chỉ tiêu đề ra và tuyển dụng nhân lực phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp Tết Nguyên đán.

Dự báo quý 4, thành phố cần khoảng 43.654 – 56.869 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm nghề như: kinh doanh, thương mại; công nghệ thông tin; cơ khí, tự động hoá; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng…

Những tín hiệu tuyển dụng tích cực cũng đến từ một số nhóm ngành khác. Theo khảo sát mới đây của Navigos Group – đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự thì các doanh nghiệp sản xuất trong ngành dệt may phía Bắc vẫn duy trì sản xuất tốt ở thời điểm hiện tại.

Với nhóm ngân hàng, do cuộc "chạy đua" chuyển đổi số nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao vẫn tăng, điều này không chỉ xảy ra ở các ngân hàng có quy mô lớn, các ngân hàng nhỏ hơn mà cả ở một số công ty chứng khoán. Các vị trí phát triển ứng dụng, công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số tiếp tục có nhu cầu tăng cao.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động sau thời gian dài bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động, xây dựng giải pháp giúp giữ chân người lao động, thu hút người lao động đã về quê tiếp tục quay trở lại thị trường lao động.

Để án khôi phục và phát triển thị trường lao động cũng sẽ chú trọng các giải pháp hỗ trợ điều tiết bổ sung lực lượng lao động cho những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cấp bách và đặc thù cần phải ưu tiên.