Cháu giết cậu: những nhát dao đoạn tình ruột thịt

ANTĐ - Dư luận ở Đà Nẵng hết sức xôn xao xung quanh việc một thanh niên vì bức xúc trước xung đột của mẹ và cậu ruột nên đã dùng típ sắt đập phá xe gắn máy, rồi thẳng tay vung dao đâm 3 nhát lên ngực để tước đi mạng sống của cậu ruột mình.

Mấy hôm nay dư luận ở Đà Nẵng hết sức xôn xao xung quanh việc một thanh niên vì bức xúc trước xung đột của mẹ và người cậu ruột nên đã dùng típ sắt đập phá xe gắn máy của cậu, rồi thẳng tay vung dao đâm 3 nhát cực mạnh lên ngực để tước đi mạng sống của cậu ruột mình. Chúng tôi đã có mặt tại hiện trường nơi xảy ra án mạng, cùng cơ quan điều tra và những người chứng kiến vụ việc để tìm hiểu nguyên nhân...

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 18h45 phút ngày 25-2-2012, tại tổ 23B, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đã xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng. Hiện trường để lại là anh Phạm Văn Mười (SN 1974), trú tổ 23B, phường Thọ Quang, đang tạm trú tại tổ 24A, phường Mân Thái cùng quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng nằm gục trên vũng máu. Những người phát hiện vụ việc đã nhanh chóng gọi đến Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng để đưa nạn nhân đến bệnh viện, thế nhưng vì những vết đâm trúng tim quá hiểm hóc đã làm anh Mười chết ngay sau đó.

Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận Sơn Trà đã nhanh chóng huy động toàn bộ lực lượng nghiệp vụ của Công an quận đến phối hợp với Công an phường Thọ Quang để phong tỏa hiện trường, ghi nhận thông tin từ những người liên quan để lập hồ sơ vụ án.

Tại nơi xảy ra án mạng, bà Phạm Thị Hoa (SN 1965 - chị ruột của Mười) đã đến trình diện với lực lượng Công an và tự nhận mình là thủ phạm đã gây ra cái chết cho em ruột mình. Theo lời khai của bà Hoa thì nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc này là do Mười không đồng tình khi mẹ ruột của mình là bà Nguyễn Thị The (80 tuổi) cho bà Hoa mở một quầy hàng tạp hóa ngay trong phần đất của ngôi nhà bà The đang ở.

Với lý do đó, lúc 10h30' ngày 25-2-2012, Mười từ nhà của mình ở tổ 24A, phường Mân Thái chạy xe đến nhà mẹ ruột là nơi bà Hoa đang bán hàng ở tổ 23B, phường Thọ Quang để gây gổ. Trong khi hai chị em cãi cọ với nhau, Mười đã dùng chân đá mấy chiếc ghế bà Hoa đặt trước quầy hàng. Thấy tình hình có vẻ mỗi lúc mỗi căng thẳng hơn nên những người trong gia đình bà Hoa đã gọi điện thoại cầu cứu Công an phường Thọ Quang đến can thiệp. Ngay sau đó, lực lượng Công an phường đã có mặt để hòa giải mối xung đột giữa hai chị em bà Hoa. Nghe lời khuyên của lực lượng Công an, Mười không gây gổ nữa mà im lặng rồi chạy xe về lại nhà của mình.

Hung thủ Hồ Tấn Hoàng tại cơ quan điều tra.

Lúc 16h cùng ngày, Mười lại chạy xe đến nhà mẹ ruột để tiếp tục gây gổ với chị ruột của mình là bà Hoa. Tại đây, Mười nhìn thấy ông Hồ Tấn Lộc (SN 1969 - chồng bà Hoa là anh rể của Mười) nên có chạy đến tát ông Lộc mấy cái rồi mới bỏ đi. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, Hồ Tấn Hoàng (SN 1989 ­con trai bà Hoa) đi làm về, thấy bàn ghế nằm chỏng chơ nên hỏi mẹ thì được nghe mẹ kể lại chuyện cậu Mười vừa ghé qua gây gổ rồi đánh cha của Hoàng. Nghe xong, Hoàng bảo mẹ gọi điện cho cậu đến để nói chuyện phải trái. Khi Mười chạy xe đến thì bà Hoa đã dùng dao nhọn đâm 2 nhát vào ngực em trai mình làm Mười đổ gục xuống đường máu ra lênh láng và chết ngay sau đó.

Mặc dù trước sau lời khai của bà Hoa vẫn thế, nhưng với Đại úy Trần Văn Quang - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an quận Sơn Trà lại có những nhận định khác và không tin diễn biến vụ án như những gì bà Hoa đã khai nhận. Hơn thế nữa, những kết quả tổ công tác khám nghiệm tử thi đã chống lại những lời khai của bà Hoa trước đó, ví như việc bà Hoa khai đã đâm vào ngực Mười 2 nhát, nhưng kết quả khám nghiệm lại cho thấy trên ngục Mười có đến 3 nhát đâm...

Với tinh thần quyết tâm đấu tranh đến cùng để làm rõ chân tướng của hung thủ, tránh bỏ sót người, lọt tội. Vì vậy, ngay sau khi án mạng xảy ra cho đến suốt đêm đó, các điều tra viên một mặt tiếp tục đấu tranh với bà Hoa, mặt khác tỏa quân để thu thập thông tin về hung thủ. Đến khuya, một tình tiết khả nghi mới được các trinh sát phát hiện, đó là việc trong số 5 đứa con của vợ chồng bà Hoa, ông Lộc. Chỉ có 4 đứa có mặt tại nhà bà ngoại để lo việc hậu sự cho cậu Mười. Đứa cháu gọi Mười bằng cậu ruột không có mặt trong thời điểm này được xác định chính là Hồ Tấn Hoàng. Với những dấu vết để lại tại nơi xảy ra án mạng, những nhận định chính xác của điều tra viên, tất cả khẳng định hung thủ của vụ án này chính là Hồ Tấn Hoàng.

Các trinh sát lại được lệnh tỏa đi khắp nơi để rà soát tung tích của kẻ đã gây ra cái chết tức tưởi cho người cậu ruột của mình. Đến 4h ngày 26-2-2012, các trinh sát đã áp sát căn nhà của bạn Hoàng ở K110 đường Điện Biên Phủ - Đà Nẵng để đọc lệnh bắt khẩn cấp kẻ thủ ác.

Tại cơ quan Công an, Hoàng khai nhận rằng: Cuối giờ chiều, khi đi làm về, nghe tin cậu mới đến nhà để gây gổ với mẹ, rồi đập phá đồ đạc nên vô cùng tức giận. Hoàng đã nhờ mẹ điện thoại để nói chuyện với cậu ruột mình. Nhấc điện thoại, Mười nghe thằng cháu của mình buông những câu chửi bới và thách thức nên ngay sau khi cúp máy, Mười đã lên xe chạy đến tìm gặp Hoàng. Khi Mười mới dừng xe, Hoàng đã cầm một cây típ sắt đập mạnh vào xe máy của Mười rồi bỏ chạy. Mười đuổi theo Hoàng không kịp nên quay lại túm lấy chị ruột mình để đánh. Nhân cơ hội Mười không để ý vì lúc này trời đã tối hẳn, Hoàng chạy từ đằng sau đến, vung dao đâm liên tiếp 3 nhát vào vùng ngực của Mười. Thấy em trai của mình ngã vật xuống đường tắt thở, bà Hoa hoảng sợ giục Hoàng chạy trốn rồi đứng ra nhận mình là hung thủ với Công an.

Theo hồ sơ hộ tịch lưu trữ tại địa phương, bà Phạm Thị Hoa và Phạm Văn Mười là chị em ruột con của ông Phạm Lưỡng (đã mất) và bà Nguyễn Thị The. Ngoài Hoa và Mười ra, ông bà Lưỡng - The còn có 2 người con trai và 5 người con gái khác. Hiện tại có một người con trai của bà The là ông Phạm Văn A đang định cư tại Mỹ và một người con gái đang định cư tại Canada. Những người con còn lại đều sinh sống ở Đà Nẵng, có đời sống kinh tế khá giả so với nhiều người.

Phạm Văn Mười là con trai út của ông Lưỡng bà The. Khi mới đến tuổi trưởng thành, Mười đã theo bạn cùng làm nghề đi biển tổ chức vượt biên với ý định sẽ ra nước ngoài sinh sống. Lần vượt biên ấy, Mười bị bão đánh dạt, rồi được cứu sống đưa vào trại tị nạn ở Hồng Kông. Ở trại tị nạn được mấy năm, Mười được hồi hương trở về Đà Nẵng và tiếp tục mưu sinh bằng nghề đi biển. Năm 19 tuổi, Mười yêu một cô gái cùng xóm tên là Nguyễn Thị Là làm vợ, nhưng sau khi sinh được 2 đứa con gái thì Mười và Là chia tay. Một thời gian sau, Mười yêu và lấy cô Lê Thị Thu Hồng ở tổ 24A, phường Mân Thái làm vợ và sinh thêm được 2 đứa con gái, 1 đứa con trai. Được gia đình Hồng cho một căn nhà nên vợ chồng Mười ở ngay bên cạnh ông bà ngoại. Hồng làm nghề buôn bán còn Mười vẫn bám biển để mưu sinh.

Những người dân và cán bộ ở tổ 23B phường Thọ Quang kể rằng: Từ nhỏ, Mười đã là đứa con trai ngỗ ngược, thường xuyên gây gổ, quậy phá xóm làng. Gia đình ông Lưỡng bà The cũng là gia đình thường xảy ra xung đột, đặc biệt là xung đột về chuyện tiền nong. Hai người con ở nước ngoài không gửi tiền về cũng xảy ra xung đột, gửi tiền về rồi chia chác không đồng đều cũng xảy ra xung đột. Mười là đứa ngỗ ngược nhưng những người sống gần gia đình bà The hàng chục năm cho biết bà Hoa cũng không phải là một người hiền lành.

Khám nghiệm tử thi Phạm Văn Mười.

Ngoài căn nhà hiện nay bà The đang sinh sống, bà The còn sở hữu thêm 3 lô đất khác. Bà The đã cho Mười 1 lô, bán 1 lô, còn 1 lô là cho bà Hoa xây một quầy hàng tạp hóa để hàng ngày bà Hoa đến bán. Chuyện Mười không đồng ý với việc bà The cho bà Hoa làm quán ở lô đất bên cạnh nhà là có thật, nhưng nguyên nhân để dẫn đến những cuộc cãi cọ trong ngày 25-2-2012 thì chuyện đất đai chỉ là một phần. Vấn đề chính, theo người nhà của bà The tiết lộ như sau: Con trai bà The là ông A vừa từ Mỹ trở về để chuẩn bị sắp tới làm đám giỗ cho ông Lưỡng.

Nhân dịp này ông A sẽ tìm đến huyện Hòa Vang để mua một khu đất nghĩa trang với ý định sẽ di dời những ngôi mộ trong tộc Phạm ở Thọ Quang lên đó vì vị trí nghĩa trang gia tộc họ Phạm hiện tại nằm trong quy hoạch sẽ giải tỏa. Những ngày vừa qua, ông A chạy lui chạy tới để mang tiền đi mua đất nhưng không nhờ em ruột mình là Phạm Văn Mười chở đi mà lại nhờ Hồ Tấn Lộc (chồng bà Hoa là em rể) chở đi. Chuyện xung đột về tiền bạc trong gia đình này đã có truyền thống, vì vậy khi thấy anh ruột không tin tưởng mình mà lại tin tưởng em rể, nên Mười tỏ ra bất mãn và cho rằng việc này do bà Hoa sắp đặt để kiếm chác tiền bạc của ông A. Từ đó, Mười liên tục tìm cách gây gổ với gia đình bà Hoa.

Mấy hôm trước khi xảy ra án mạng, Mười vẫn thường hay lui tới nhà bà The, trong lúc ngồi chơi với bà con lối xóm, Mười thường tuyên bố rằng, ngôi nhà mẹ tôi đang ở sau này khi bà mất chỉ có tôi được ở chứ không có bất kỳ ai trong gia đình này được ở hết. Bà Hoa mặc dù đã có nhà riêng ở gần đó, đã có quán được làm ngay lô đất bên cạnh nhà bà The nhưng vẫn cảm thấy xót lòng mỗi khi nghe em trai tuyên bố như vậy. Chuyện Mười và bà Hoa gây gổ đối với người dân tổ 23B đã là chuyện thường ngày, có ai đó khuyên can “gà cùng một mẹ” thì chuyện gây gổ lặng đi được đôi ba bữa rồi đâu lại vào đó.

Ngồi bên cạnh đám tang của Mười, nhiều người hàng xóm láng giềng vẫn còn tiếc rẻ. Họ bảo rằng, Mười là đứa cục tính nhưng cũng mức độ nào đó thôi chứ không đến nỗi là quá quắt. Giá như bà Hoa là người biết cư xử cho đúng với lẽ đời của một người làm chị thì có lẽ vụ án mạng đau lòng kia đã không xảy ra. Có người lại nói, lẽ ra chuyện chị em xung khắc bà Hoa nên giải quyết với em mình, không nên kể cho con nghe, rồi kích động vào sự nông nổi của tuổi trẻ thì đâu đến nỗi...

Một người con phải chết, một đứa cháu đang bị tạm giam để chờ ngày phán xử của luật pháp, bà The với tuổi tám mươi đã chậm chạp của mình, mấy ngày qua như người vô hồn bất động. Bà không nói năng, cũng không ăn uống, chỉ thi thoảng vén vạt áo lên lau dòng nước mắt chảy dài trên đôi gò má già nua...

Ông Phạm Văn A, đứa con của bà The vừa mới trở về sau nhiều năm bươn bả mưu sinh nơi đất khách, người anh cả của gia đình với bao nỗi lo toan mấy hôm nay cũng lặng lẽ như một người vô hồn. Ông đau đớn và bàng hoàng trước những gì xảy ra quá chóng vánh. Ông lắc đầu trong ràn rụa nước mắt vì bao dự định với tổ tiên bỗng chốc phải đình trệ vì bước ngoặt quá lớn của gia đình.

Người xấu số nay đã nằm yên trong niềm thương tiếc của người thân, đứa cháu đã gây ra cái chết tức tưởi cho cậu ruột của mình đang nằm trong trại tạm giam để chờ ngày bị truy tố trước vành móng ngựa, một hình phạt thích đáng cho hành vi phạm tội sẽ được pháp luật thực hiện trong một ngày không xa. Thế nhưng, bài học về tình yêu thương của những người cùng ruột rà máu mủ, bài học về sự cám dỗ của vật chất, bài học về hệ quả của việc huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt từ vụ án này thì sẽ còn mãi mãi và chẳng dành cho của riêng ai.