Xôn xao bức tâm thư của một học sinh

“Cháu chỉ mong muốn tiếp tục được đi học”

ANTĐ - Bức tâm thư gửi  Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đăng trên mạng xã hội của một học sinh lớp 11 trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội ngày 19-2 khiến nhiều người thương cảm trước khả năng phải nghỉ học vì không lo được hộ khẩu thường trú theo quy định. 

Bức thư gửi Chủ tịch nước với mong muốn được đi học của một học sinh Thủ đô

Tương lai mờ mịt vì không có tiền học dân lập

Đỗ Hồng Sơn, học sinh lớp 11 A5 trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội đã viết bức thư trình bày hoàn cảnh gia đình với mong muốn được tiếp tục đi học sau khi bị đình chỉ 2 tháng. Trong thư gửi Chủ tịch nước, Đỗ Hồng Sơn cho biết, bố mẹ em là người ngoại tỉnh, sinh sống ở Hà Nội, không có nghề nghiệp ổn định và chỉ kiếm sống bằng việc vá xe ô tô. Bức thư cũng trình bày do hoàn cảnh khó khăn, nên năm học lớp 8 gia đình Sơn chuyển lên Hà Nội sinh sống và được nhận vào học cấp 2 tại trường THCS Nguyễn Trãi. Lớp 10, Đỗ Hồng Sơn đăng ký thi vào trường THPT Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân – Hà Nội và đạt 50 điểm trong khi đó điểm tuyển đầu vào của nhà trường là 45 điểm.

Tuy nhiên, do gia đình nghèo, nên cả nhà gồm 4 người phải ở tạm trong lán bằng tôn với diện tích 12m2 trên đường Lê Văn Lương kéo dài. Việc sống trong điều kiện như vậy và không có hộ khẩu thường trú của gia đình Sơn đã kéo dài từ năm học lớp 10 đến nay. Vì lý do này, Đỗ Hồng Sơn cho biết nhà trường đã đình chỉ học tập 2 lần: “Lần đầu bố cháu đến nhà trường cam kết sẽ chuyển khẩu cho cháu về Hà Nội để cháu được tiếp tục học tập. Đến nay, nhà trường đã đình chỉ không cho cháu học vì gia đình cháu chưa chuyển khẩu xong. Mẹ cháu suốt ngày khóc lóc còn bố cháu bỏ cả công việc để đi chuyển khẩu cho cháu nhưng vẫn chưa xong. Hiện nay cháu đã nghỉ học gần 2 tháng rồi. Cô hiệu trưởng nói nếu nhà cháu không chuyển được hộ khẩu cho cháu thì nhà trường sẽ không cho cháu đi học, cháu phải chuyển ra học ở trường dân lập”.

Với tình trạng này, Đỗ Hồng Sơn đã viết thư gửi Chủ tịch nước trình bày: “Cháu chỉ mong muốn được đi học nhưng bố mẹ cháu bảo nếu phải chuyển ra trường dân lập thì cháu phải nghỉ học vì gia đình cháu không có tiền đóng học cho cháu. Cháu viết thư này cho Bác mong Bác nói với cô hiệu trưởng cho cháu tiếp tục được đi học. Cháu chỉ mong muốn như vậy thôi”. 

Ngân sách chỉ đủ cho học sinh Hà Nội

Hiện tại, nhu cầu vào học các trường THPT công lập của Hà Nội khá lớn. Chính vì vậy, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm vẫn được đánh giá là căng thẳng hơn cả thi đại học khi Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 70% học sinh THCS vào trường công lập. Chính vì vậy, quy định bắt buộc về điều kiện được học trong các trường THPT công lập của Hà Nội là phải có hộ khẩu thường trú tại địa bàn thành phố.

Riêng với trường hợp của Đỗ Hồng Sơn, bà Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết, sự việc đang được tổng hợp, báo cáo Sở GD-ĐT và sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho phóng viên sớm nhất. Thông tin sơ lược được nhà trường cung cấp là Đỗ Hồng Sơn đã được nhận vào trường với bản cam kết của phụ huynh là sẽ hoàn thành thủ tục hồ sơ, bao gồm hộ khẩu thường trú sau khi nhập học. “Tôi rất tin tưởng phụ huynh và tạo điều kiện để em Sơn được vào học mặc dù quy định là học sinh không có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội thì không được học trong trường công lập. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở về việc hoàn thành thủ tục theo cam kết, tuy nhiên gia đình em Sơn đã không phối hợp với nhà trường, thậm chí nhà trường nhiều lần mời đến gặp nhưng phụ huynh em Sơn cũng không đến nên bắt buộc phải tạm đình chỉ việc học tập của Sơn”.

Trước vụ việc này, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở đang chờ báo cáo từ phía nhà trường để làm rõ sự việc vào ngày 20-2.