Châu Âu vào cuộc đấu với Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các quốc gia châu Âu đã trở thành bên mới nhất tham gia vào cuộc chiến pháp lý nhằm phản bác các lập luận mà Trung Quốc dựa vào để đưa ra yêu sách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Điều này được cho là để bảo vệ những lợi ích sát sườn của châu Âu ở tuyến vận tải biển huyết mạch của không chỉ khu vực mà cả thế giới.
Anh sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hiện đại nhất của hải quân nước này tiến hành hoạt động để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm 2021

Anh sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hiện đại nhất của hải quân nước này tiến hành hoạt động để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm 2021

Phải thượng tôn pháp luật

Bộ Ngoại giao 3 nước Anh, Pháp và Đức (Nhóm E3) ngày 16-9 đã trình công hàm chung lên Liên hợp quốc để phản đối những lập luận liên quan đến Biển Đông được Trung Quốc nêu trong 7 công hàm trước đó. Với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Anh, Pháp và Đức nhấn mạnh, những tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến “quyền lịch sử” và “đường cơ sở thẳng” trên Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các điều khoản của UNCLOS 1982. Công hàm chung của Nhóm E3 khẳng định: Phán quyết ngày 12-7-2016 về Biển Đông của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) rõ ràng đã xác nhận điểm này.

Công hàm chung của 3 cường quốc hàng đầu thế giới khẳng định, việc Trung Quốc vẽ ra cái gọi là “đường cơ sở thẳng” xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và khái niệm “quyền lịch sử” để đòi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông không dựa trên các quy định của UNCLOS 1982 mà Trung Quốc cũng là thành viên. Nhóm E3 nêu rõ, các điều khoản của UNCLOS 1982 đã định nghĩa đầy đủ, rõ ràng về cách xác định đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo.

Vì thế, việc Trung Quốc - một quốc gia lục địa, đơn phương vẽ cái gọi là “đường cơ sở thẳng” ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là “không có cơ sở pháp lý”. Hơn thế, công hàm chung của Anh, Pháp và Đức còn nhấn mạnh, những tuyên bố liên quan đến việc thực thi quyền lịch sử ở Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS 1982. Theo Nhóm E3, điều này “rõ ràng được xác nhận” trong phán quyết của PCA ở The Hague (Hà Lan) ngày 12-6-2016 trong vụ kiện của Philippines đối với yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc đơn phương đưa ra những lập luận không có cơ sở pháp lý về cái gọi là “quyền lịch sử” và “đường cơ sở thẳng” để ráo riết tiến hành bồi đắp, xây dựng trái phép 7 bãi đá, thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo. Để rồi từ đó biến chúng thành các căn cứ quân sự quy mô lớn, có sân bay, cảng nước sâu.

Cũng từ những “bàn đạp quân sự” này, Trung Quốc thời gian qua đã tiến hành hàng loạt hành vi hung hăng, gây hấn ở Biển Đông, bất chấp các quốc gia khu vực đang phải dồn sức lực để ứng phó với đại dịch Covid-19. Những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Vì thế, Nhóm E3 khẳng định, các thành viên UNCLOS 1982 phải tôn trọng quyền đi qua vô hại, tự do hàng hải và hàng không được quy định trong Công ước, đặc biệt là ở Biển Đông.

Châu Âu hành động để bảo vệ lợi ích sát sườn

Với công hàm chung của Anh, Pháp và Đức, có thể nói sự vào cuộc của châu Âu trong cuộc chiến pháp lý chung, nhằm phản bác các lập luận mà Trung Quốc đưa ra để hậu thuẫn cho yêu sách đòi chủ quyền phi pháp. Trước đó, nhiều thành viên ASEAN như Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia cùng các quốc gia khác trên thế giới như Mỹ đã lần lượt đệ trình công hàm chính thức lên Liên hợp quốc phản bác yêu sách phi pháp của Trung Quốc.

Sự vào cuộc của châu Âu trước hết là nhằm bảo đảm sự thượng tôn luật pháp quốc tế. Song, việc châu Âu chính thức hóa lập trường “đấu” pháp lý với Trung Quốc cũng là nhằm bảo vệ những lợi ích cốt lõi, lợi ích sống còn của cựu lục địa gắn liền với hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Với vị trí chiến lược, là tuyến vận tải biển huyết mạch với nền kinh tế toàn cầu, hàng ngày có hàng trăm tàu vận tải cỡ lớn và khoảng 45% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển phải đi qua Biển Đông. Là một trung tâm kinh tế lớn của thế giới, châu Âu bao gồm các cường quốc Nhóm E3 đệ trình công hàm lên Liên hợp quốc, có những lợi ích gắn bó mật thiết với Biển Đông.

Ủy ban Đối ngoại quốc hội Pháp từng công bố một báo cáo dài 77 trang rất đáng chú ý về Biển Đông, trong đó nêu rõ tuyến hàng hải Biển Đông/Ấn Độ Dương/Suez/Địa Trung Hải/biển Manche chiếm 50% các hoạt động giao thương của Liên minh châu Âu (EU). Do vậy, bất cứ một bất ổn hay xung đột đột nào xảy ra tại khu vực này có thể gây ra những hậu quả kinh tế tàn khốc cho châu Âu.

Các nền kinh tế năng động, thị trường hàng tỷ người tiêu dùng ở châu Á là những đối tác rất quan trọng của châu Âu. Ông John Hemmings - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á, Phó Giám đốc Tổ chức nghiên cứu Henry Jackson Society (Anh quốc) cho biết, khoảng 124 tỷ USD hàng hóa chiếm 12% tổng thương mại của Anh đi qua Biển Đông mỗi năm. Đó là một con số khá lớn trong thương mại Anh, vì vậy quốc gia này lo ngại bất kỳ sự kiểm soát tuyến đường biển này.

Không chỉ tham gia cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, các quốc gia châu Âu còn có những hoạt động trên thực tế nhằm bảo đảm duy trì luật pháp quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở trên vùng biển quan trọng này. Nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Hà Lan... đã hoặc đang lên kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động hải quân tại tuyến đường biển huyết mạch của thế giới chạy qua Biển Đông.

Đan Mạch, Pháp đã điều các tàu khu trục và nhóm tác chiến tàu sân bay tới Ấn Độ - Thái Bình Dương trong các hoạt động hải quân nhằm thể hiện “sự ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông”. Hà Lan cũng cho biết sẽ cử một tàu chiến tới tham gia cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (Anh quốc) trong cuộc triển khai hoạt động đầu tiên ở Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm 2021 sắp tới.

Châu Âu rõ ràng đã nhận thức rõ mối đe dọa ngày càng lớn đối với lợi ích chiến lược của mình ở Biển Đông. Và châu Âu thấy rằng cần phải có những hành động thiết thực, hiệu quả, hiệu lực hơn để bảo vệ những lợi ích sát sườn của mình tại vùng biển này.