Châu Âu khẩn cấp đối phó với “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ ba

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19 hiện đang lan rộng khắp các quốc gia châu Âu. Nhiều quốc gia chậm chạp triển khai chiến dịch tiêm chủng đang phải chứng kiến sự tăng vọt số lượng ca lây nhiễm.
Các nhân viên y tế làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Bolognini ở Seriate, miền Bắc Italia

Các nhân viên y tế làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Bolognini ở Seriate, miền Bắc Italia

Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở EU hiện đang ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 2. Sự lây lan của các biến thể mới của virus Covid-19 được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này. Tại Italia, Thủ tướng Mario Draghi đã cảnh báo về một “làn sóng lây nhiễm mới” virus Corona khi Chính phủ nước này yêu cầu từ ngày 15-3 đóng cửa các trường học, nhà hàng và cửa hàng để đối phó với dịch bệnh, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm.

Quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 trong những tháng đầu tiên của đợt bùng phát hồi năm ngoái một lần nữa đang phải vật lộn với sự lây lan nhanh chóng các ca nhiễm. “Hơn một năm sau khi bắt đầu tình trạng khẩn cấp y tế, không may giờ đây chúng ta lại phải đối mặt với một làn sóng lây nhiẽm mới” - Thủ tướng Draghi nói và thêm rằng “Những gì đã xảy ra vào mùa xuân năm ngoái vẫn chưa nguôi ngoai, chúng ta sẽ làm mọi thứ để ngăn chặn nó tái diễn”. Cho đến nay, Italia đã ghi nhận 102.145 trường hợp tử vong do Covid-19 trong số hơn 3,2 triệu trường hợp ca nhiễm, mặc dù nước này đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 12-2020, tuy nhiên số lượng vaccine là không đủ. Chính phủ Italia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 80% dân số vào cuối tháng 9 với 1,95 triệu người dân đã được tiêm hai mũi vaccine cho đến nay.

Các quốc gia EU khác cũng đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba. Cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức đã cảnh báo một đợt đại dịch thứ ba đã bắt đầu khi nước này đã bắt đầu nới lỏng dần việc phong tỏa một phần từ cuối tháng 2. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết nước này phải đợi phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 của Johnson & Johnson vào giữa hoặc cuối tháng 4 tới.

Ba Lan cũng ghi nhận 17.260 ca nhiễm mới hôm 10-3, con số cao nhất kể từ tháng 11. Chính phủ Ba Lan thông báo có thể áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn Covid-19 mới trong tuần này. Trước đó, Ba Lan đã ban lệnh hạn chế nghiêm ngặt các cuộc tụ họp, đóng cửa hầu hết trường học, nhà hàng chỉ được phục vụ mang đi. Hai quốc gia Hungary và Cộng hòa Czech cũng báo cáo số ca nhiễm mới và số ca tử vong tăng, các quan chức y tế cảnh báo tình hình còn tiếp tục xấu đi trong những ngày tới.

Tại Pháp, nhà chức trách nước này cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện đang rất căng thẳng đáng lo ngại. “Cứ 12 phút mỗi ngày lại có một người dân Paris phải nhập viện chăm sóc đặc biệt” - Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết. Tổng thống Pháp Macron ban lệnh giới nghiêm và hạn chế xã hội ở một số vùng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, tuy nhiên các bác sĩ kêu gọi Chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc.

Tây Ban Nha - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3 năm ngoái đã ghi nhận tổng cộng 70.000 trường hợp nhiễm trong đợt dịch thứ ba này. Bộ Y tế nước này cho biết, 446 người tử vong trong 24 giờ hôm thứ ba tuần trước và con số tử vong vì dịch bệnh trong tháng 2 vừa qua là 10.528. Số ca nhiễm Covid-19 ở Tây Ban Nha đã lên tới hơn 3,1 triệu.