Châu Âu "chết cóng" trước viễn cảnh Nga cắt khí đốt qua Ukraine

ANTĐ - Châu Âu hoảng sợ trước viễn cảnh ngừng vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine khi chỉ còn vài tháng nữa là sắp đến mùa đông.

Nhiên liệu dự trữ của EU đang cạn dần  (Ảnh minh họa)

Ngày 20-8, hãng thông tấn Mỹ Bloomberg cho biết, giá gas ở châu Âu đang “phi mã” do lo ngại rằng căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ dẫn đến việc cắt đứt cung cấp nhiên liệu.

Vào đầu tháng 7, giá gas đã giảm bởi sau một mùa đông khá ôn hòa, trong các kho dự trữ của EU còn nhiều nhiên liệu. Bây giờ giá khí đốt đang tăng trên nền quan hệ căng thẳng giữa Moscow và Kiev, nhất là sau tuyên bố có thể chấm dứt vai trò trung gian vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu của Ukraine.

Hôm 8-8, Thủ tướng Ukraine Arseni Yatsenyuk tuyên bố rằng tuyến vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine có thể bị chặn. Theo quan điểm của người đứng đầu nội các Ukraine, bằng cách đó Kiev sẽ "đặt dấu chấm hết" cho vấn đề sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Viễn cảnh đáng ngại đó khiến EU phải cố gắng tìm kiếm những nhà cung cấp mới, trong đó một phương hướng thay thế khác là tăng nhập khẩu năng lượng từ Na Uy. Đồng thời, ngày 11-8, Đức đã lên tiếng đòi Ukraine từ bỏ ý tưởng phong tỏa tuyến vận chuyển khí đốt Nga cho châu Âu.

Là một nhà sản xuất khí tự nhiên lớn nhất nhì của thế giới, Nga hoàn toàn có cơ sở để khiến châu Âu phải lo ngại nếu họ ngừng cung cấp khí đốt. Các tuyến đường vận chuyển này đa phần đi qua Ukraine, bất cứ đường ống dẫn khí đốt nào ở Ukraine ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều phần của châu Âu.

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga kiểm soát tới 1/5 trữ lượng khí đốt của toàn thế giới, là nguồn cung cấp khí đốt cho hơn một nửa đất nước Ukraine và khoảng hơn 30% của châu Âu mỗi năm,thông qua mạng lưới đường ống dẫn khí Nga-Ukraine-châu Âu.

Đường ống dẫn khí từ Ukraine ngừng hoạt động cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng các nước ở khu vực phía Đông châu Âu chịu ảnh hưởng tức thì, trong khi khu vực phía Bắc cũng chịu ảnh hưởng nhưng nhẹ hơn. Mạng lưới đường ống dẫn khí ở Ukraine cũng đóng vai trò như nguồn cung cấp năng lượng chính tới Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia và ngược lại tới Nga.

Trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn, một số nước châu Âu có lượng khí đốt dự trữ lớn như Litva sẽ có đủ khí đốt sử dụng trong khoảng 1 năm nhưng các nước khác như Bulgaria chỉ đủ lượng khí đốt dự trữ trong chưa đầy 2 tháng. Vì vậy, nếu nguồn cung từ Nga qua Ukraine bị ngưng trong thời gian dài, châu Âu có thể phải đối mặt với mùa đông cực kỳ lạnh giá.

Châu Âu cũng có thể  đa dạng hóa nguồn cung bằng cách nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Na Uy, Hà Lan hoặc từ Azerbaijan - quốc gia giàu dầu mỏ ở phía nam của Nga trên biển Caspi. Những nguồn này có thể cung cấp cho châu Âu 200 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.

Tuy nhiên, nhập khẩu LNG sẽ cực kỳ tốn kém. Theo ước tính, nếu việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine bị ngưng trệ, giá khí đốt ở Anh và nhiều quốc gia châu Âu khác có thể tăng hơn gấp đôi. Đây sẽ là đòn mạnh giáng xuống các nước châu Âu trong bối cảnh EU còn đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế.