Châu Âu bị chia rẽ về bảo vệ biên giới trước biến thể Covid-19 Delta

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Pháp và Đức mới đây đã bày tỏ lo ngại về dòng khách du lịch Anh đến Nam Âu và đang kêu gọi các nước trong khối cùng phối hợp khi biến thể Covid-19 Delta tiếp tục phát triển vượt trội trên khắp lục địa già.

Sự gia tăng của biến thể Delta đang làm dấy lên căng thẳng về việc quản lý các biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu. Những chia rẽ này, vốn đã được thảo luận nhiều vào đầu đại dịch Covid-19, lại nổi lên trong hội nghị thượng đỉnh châu Âu ở Brussels vào tuần trước.

Từ 30-6, du khách Anh đến Tây Ban Nha cũng phải có “thị thực xanh”, chứng nhận âm tính với Covid-19

Từ 30-6, du khách Anh đến Tây Ban Nha cũng phải có “thị thực xanh”, chứng nhận âm tính với Covid-19

Lựa chọn giữa sức khỏe cộng đồng hay kinh tế?

Trong khi Đức và Pháp muốn thận trọng khi đối mặt với dòng khách du lịch Anh có khả năng mang theo biến thể Delta (được cho là lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ) thì các quốc gia Nam Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp lại muốn bảo vệ mùa du lịch quan trọng của họ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích Bồ Đào Nha mở cửa đón khách du lịch Anh quá rộng và quá sớm. Vào giữa tháng 5-2021, Bồ Đào Nha trở thành quốc gia duy nhất trong Liên minh châu Âu chào đón các công dân từ Anh. Nhưng đối mặt với sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta, Bồ Đào Nha buộc phải thắt chặt các quy định, trong đó từ ngày 25-6, Lisbon áp đặt lệnh cách ly 14 ngày đối với những người Anh chưa được tiêm phòng đầy đủ. Ngày 30-6, Tây Ban Nha cũng áp dụng trở lại yêu cầu du khách Anh phải có xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19. Giống như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã trải thảm đỏ cho khách du lịch Anh từ tháng 5, bỏ qua chứng nhận xét nghiệm PCR, không giống như các công dân châu Âu khác.

Để làm chậm sự lây lan của biến thể Delta, vốn dễ lây lan hơn Alpha (trước đây được gọi là biến thể Anh), bà Merkel muốn đi xa hơn nữa là thắt chặt các điều kiện nhập cảnh toàn bộ khu vực Schengen. Tuy nhiên, quan điểm của các quốc gia thành viên có sự khác biệt, bởi có nước muốn đặt vấn đề sức khỏe lên trên hết, nhưng cũng có nơi muốn bảo vệ ngành du lịch của họ. “Phải nói rằng các quốc gia Nam Âu đã chịu ảnh hưởng kinh tế lớn nhất trong đại dịch và một phần lớn mô hình kinh tế của họ là dựa vào du lịch”, ông Édouard Simon, Giám đốc nghiên cứu của Viện Quốc tế và các vấn đề chiến lược của Pháp nhận định.

Mối bất hòa về chủng loại vaccine

Một quốc gia khác gây bất hòa cho châu Âu là Hy Lạp, nước mở cửa cho những du khách đã được tiêm vaccine chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận. Cụ thể, Hy Lạp cho phép du khách nước ngoài đã tiêm các liều vaccine của Nga hoặc Trung Quốc vào nước này. “Tất cả chúng ta phải cùng công nhận các vaccine như nhau. Vaccine được EMA cho phép hoàn toàn có hiệu quả đối với các biến thể mới nhất, bao gồm cả biến thể Delta. Sự phối hợp này cũng cần thiết để đảm bảo các quy tắc hài hòa khi mở cửa cho các nước thứ ba. Đây là chìa khóa để làm cho “Giấy thông hành xanh” của châu Âu có hiệu lực đầy đủ”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hôm 25-6.

Chứng chỉ Covid-19 của châu Âu chính thức được sử dụng vào ngày 1-7, cho phép di chuyển tự do giữa các nước EU. Về mặt pháp lý, mỗi quốc gia châu Âu được tự do quyết định liệu có tiếp nhận những khách du lịch đã tiêm vaccine khác ngoài 4 loại vaccine đã được phê duyệt gồm Pfizer, Moderna, Astra Zeneca và Johnson & Johnson hay không. Tuy nhiên, hôm 28-6, Hy Lạp đã phải nhân nhượng trước áp lực của EU và bắt đầu yêu cầu xét nghiệm PCR đối với du khách Nga, ngay cả khi họ đã được tiêm chủng đầy đủ Sputnik V.

Bất chấp những nỗ lực phối hợp này, châu Âu đang chuẩn bị cho một thách thức khác. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, biến thể Delta dự kiến sẽ “chiếm 90% số ca nhiễm Covid-19 ở EU vào cuối tháng 8”. Ngay từ hiện giờ, một số nước đã thắt chặt quy định chống dịch nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng. Tại Pháp, hơn 400.000 người đã được tiêm liều đầu tiên mỗi ngày vào đầu tháng 6, công suất tăng gấp đôi so với tuần trước đó. Theo một nghiên cứu gần đây, 2 liều vaccine Pfizer có hiệu quả khoảng 87,9%, nhưng các nhà khoa học nhất trí rằng, với một liều vaccine duy nhất thì khả năng bảo vệ trước biến thể Delta chỉ ở mức hạn chế.

Tính tới thời điểm hiện tại, cứ 3 người châu Âu thì chỉ có một người được chủng ngừa đầy đủ. Mục tiêu của Ủy ban châu Âu vẫn là tiêm chủng cho 70% dân số trưởng thành vào cuối tháng 7-2021.