Châu Á đón Tết âm lịch có gì lạ?

ANTĐ - Không chỉ là sự kiện thường niên quan trọng nhất của người Trung Quốc, Tết năm mới âm lịch được người dân khắp châu Á chào đón.
 Lễ hội năm mới ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gửi đến những người dân đón Tết âm lịch thông điệp chúc mừng năm mới : “Tôi gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất đến dịp kỷ niệm có những dấu hiệu đầy triển vọng này. Năm mới là thời khắc mà gia đình và bạn bè sum vầy. Đây cũng là mùa cho sự hồi sinh. Năm rồng nhắc nhở chúng ta về sự năng động, nhiệt huyết và sức mạnh để làm nên điều khác biệt”, TTK Ban Ki-moon phát biểu trong một đoạn video.

“Trong tinh thần này, chúng ta hãy làm việc suốt một năm để giúp những người đang tiến tới hòa bình và xây dựng một tương lai mà chúng ta mong muốn. Chúc mừng năm mới tất cả các bạn”, ông Ban Ki-moon nói. 

Nhiều nước Đông Nam Á cũng kỷ niệm năm mới âm lịch theo cách riêng. Không khí Tết Nguyên đán có thể cảm nhận được tại Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia – đất nước mà ¼ dân số là người gốc Hoa. Nhiều khu phố, trung tâm mua sắm tưng bừng với đồ trang trí lễ hội và múa rồng trên đường phố. Nhân dịp này, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã nhấn mạnh sự thống nhất là vô giá và hy vọng người dân Malaysia sẽ đoàn kết, hòa hợp để làm cho đất nước phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng trong năm rồng này. 
Tại Thái Lan, năm mới âm lịch dù chỉ đứng hàng thứ hai sau Tết té nước nhưng năm nay, chính phủ Thái Lan thậm chí đã cho phép một số khu vực có ngày nghỉ riêng để đánh dấu dịp đặc biệt này.
Một điều lạ là trong ngày mùng 1 Tết theo lịch của người Hoa, người dân Bangkok bắt gặp những cô gái duyên dáng trong chiếc váy đỏ đặc trưng của phụ nữ Hoa kiểm tra túi của du khách (ảnh trên). Hóa ra, đó là những nhân viên cảnh sát xinh đẹp đang kiểm tra an ninh tại khu vực Yaowarat theo chiến dịch tăng cường an ninh có đông người nước ngoài sau khi Bangkok bắt giữ một nghi phạm khủng bố tại sân bay Suvarnabhumi hôm 12-1.
Trong khi Singapore nhiệt tình chào đón năm rồng với lễ hội tổ chức tại vịnh Marina thu hút một lượng lớn với khán giả thì Campuchia cũng rộn rã với những đoàn múa sư tử, một nghi lễ phổ biến trong lễ hội mùa xuân có ý nghĩa cầu may và xua đuổi các linh hồn ma quỷ.

Dòng người tấp nập tại khu Chinatown, Singapore sau giao thừa

Năm nay, kỳ nghỉ Tết âm lịch ở Hàn Quốc chính thức từ thứ bảy tuần trước đến thứ ba (mùng 2 Tết). Mùng 1 Tết cũng là một trong những ngày lạnh nhất tại Hàn Quốc trong mùa đông năm nay, nhiệt độ ở Seoul khoảng -9 độ C, kèm theo gió mạnh nên trời rất rét. Tuy vậy, thời tiết không thể ngăn người dân Seoul về quê thăm gia đình, họ hàng.  

Ước tính khoảng 31,54 triệu trong số 49 triệu người Hàn Quốc đổ ra đường trong dịp này, hàng trăm nghìn chiếc xe hơn tràn ngập trên đường cao tốc gây ra nạn tắc đường… như mọi năm. Do vậy, người Hàn Quốc vẫn luôn nhớ đến Tết bởi đây là thời khắc đoàn tụ, cả gia đình cùng thưởng thức các món ăn ngon và tất nhiên là cả “đặc sản” tắc đường.