Châu Á: Cứ 3 ngày lại có thêm 1 tỷ phú

ANTD.VN - Châu Á tiếp tục dẫn đầu trong việc tạo ra của cải toàn cầu, khi là khu vực cứ 3 ngày lại xuất hiện thêm 1 tỷ phú. Theo báo cáo được Ngân hàng UBS và Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố hôm 13-10, người Trung Quốc chiếm hầu hết vị trí trong danh sách các tỷ phú mới toàn cầu. 

Châu Á: Cứ 3 ngày lại có thêm 1 tỷ phú ảnh 1Ông Vương Kiện Lâm đứng đầu trong danh sách tỷ phú Trung Quốc

Chuyển biến mới trong giới  “nhà giàu”

Trong số 210 tỷ phú mới tại bảng xếp hạng toàn cầu năm 2015, 113 người tới từ châu Á và trong số này có 80 người ở Trung Quốc với độ tuổi trung bình là 53. Gần nửa số tỷ phú mới thuộc về các ngành như công nghệ, tiêu dùng và bán lẻ, cũng như lĩnh vực bất động sản. Tài sản của tỷ phú Trung Quốc cũng tăng 5,4% trong năm ngoái, trong khi tài sản của tỷ phú khắp khu vực này sụt giảm 6%. 

Báo cáo của UBS và PwC phân tích 1.397 tỷ phú trong tổng số hơn 2.000 tỷ phú toàn cầu; từ đó cho thấy quá trình chuyển giao tài sản lớn chưa từng có giữa các thế hệ tỷ phú đang diễn ra, khi 460 tỷ phú toàn cầu sẽ chuyển 2,1 nghìn tỷ USD cho người thừa kế của họ trong vòng 20 năm tới, tương đương với GDP của Ấn Độ. 

Đối với hầu hết các nền kinh tế non trẻ của châu Á – nơi hơn 85% tỷ phú là thế hệ đầu tiên, đây sẽ sự chuyển giao đầu tiên của khối gia tài mà họ đã dày công xây dựng. Và đối tượng được thừa hưởng là những người được sinh ra trong gian đoạn 1980-2000, hay còn được gọi là “Thế hệ Y”. Ông James Chang thuộc Công ty PwC Trung Quốc chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và quản lý tài chính, cho biết thế hệ giàu có đầu tiên của Trung Quốc sẽ đối mặt với những thách thức lớn trong việc phát triển mô hình quản lý bền vững doanh nghiệp của họ trước khi nghỉ hưu.

Theo trang CNBC, sự chuyển giao tài sản có thể tác động lớn tới nền kinh tế tiêu dùng, các doanh nghiệp được thừa kế và hoạt động từ thiện. Chuyển giao hơn 2 nghìn tỷ USD sẽ dẫn tới một đột biến trong hoạt động từ thiện và đầu tư, bởi những thế hệ siêu giàu thứ hai thường cho rằng nên làm một việc vừa tốt cho xã hội vừa tạo ra của cải. “Họ cho rằng kinh doanh thành công là một cách mang lại lợi ích cho xã hội” – báo cáo của Ngân hàng UBS và Công ty PwC chỉ ra. Chính vì vậy, xu hướng đầu tư vào lợi ích xã hội và các hoạt động từ thiện cũng sẽ trở thành trào lưu chính trong giới siêu giàu của châu Á.

Năm 2017 thuận lợi cho làm giàu

Theo danh sách người giàu hàng năm mới được công bố của Trung Quốc, con số tỷ phú ở nước này đã nhiều hơn ở Mỹ. Bắc Kinh có 594 tỷ phú, trong khi Washington có 535. “Ông trùm” bất động sản Vương Kiện Lâm, chủ tập đoàn Dalian Wanda (Vạn Đạt Đại Liên), đứng đầu trong danh sách tỷ phú Trung Quốc. Ông chủ hãng Alibaba Jack Ma đứng ở vị trí thứ hai, với khối tài sản đã tăng 41% so với năm ngoái.

Danh sách tỷ phú hàng năm của Trung Quốc do nhà xuất bản Hồ Nhuận ở Thượng Hải tổng hợp từ 18 năm nay và thường được so sánh với danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes ở Mỹ. Đầu năm 2016, Hồ Nhuận cũng cho ra danh sách toàn cầu, cho thấy con số tỷ phú ở Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ. Tuy nhiên, chưa có người Trung Quốc nào lọt vào danh sách 20 người giàu nhất thế giới. Đa phần các tỷ phú Trung Quốc sống ở Bắc Kinh, tiếp đó là Thâm Quyến, Thượng Hải và Hàng Châu.

Được biết, theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes, ông Bill Gates – người sáng lập     Microsoft vẫn là người giàu nhất thế giới với tài sản ròng 82 tỷ USD, theo sau là ông chủ hãng Zara Amancio Ortega với khối tài sản 77 tỷ USD. Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg ở vị trí thứ năm với 55 tỷ USD. 

Dù trong tình hình chung, tài sản của các tỷ phú trên thế giới bị giảm vào năm 2015, do giá hàng hóa giảm vào thời điểm công nghệ, tài chính có phần đình trệ, tờ Guardian đưa tin. Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng UBS và Công ty PwC vẫn lạc quan dự kiến, diễn biến của các thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế sẽ “tạo ra môi trường thuận lợi cho việc làm giàu vào năm 2016 và 2017”.