Chất độc da cam

ANTĐ - Ngày qua. Tóc đã chờm gáy. Mà nhìn vào cái gầm cầu thang nọ vẫn thấy chỏng chơ mỗi cái ghế bành, cùng một tấm gương to treo áp tường. Thôi thế thì đành đi tìm anh thợ cắt tóc khác vậy.

Tất nhiên, thợ cắt tóc không quá hiếm. Chỉ bực cái, cắt xong về nhà, thằng cháu nội nhác thấy đã bật cười: Ông cắt kiểu gì mà như ông sư thế! Ôi trời! Thì ra anh thợ này cắt cao quá. Gáy, hai bên thái dương trắng hêu hếu, còn trên đỉnh đầu thì chỉ lún phún mấy sợi tóc cùn.

Chè uống là một, cắt tóc là hai, nhất thiết là phải hàng quen! Một ông bạn già đã nói thế. Ngẫm lại thấy thật chí lý. Tuy vây, bực bội tí chút rồi cũng nguôi ngoai. Ấy là vì, tóc vẫn mọc ngày ngày. Tóc mọc, che giấu dần dần đi cái khuyết thiết của tay thợ vụng.

Và cuối cùng, nửa tháng qua đi thì lại đã đến lúc khó chịu vì cái đầu rậm.

- Ơ, cái nhà ông Lưu này! Qua Tết đã hai tháng rồi mà vẫn chả thấy mở hàng là thế nào nhỉ?

Đứng lại trước cái gầm cầu thang của cái chung cư nọ, tôi buông một câu tán thán lẫn nghi ngờ. Thì lập tức nhận ra vẻ ngơ ngác trong kiếm tìm không chỉ có mình tôi. Còn hai ông già, một ông trung niên cùng hai đứa trẻ nữa cùng đang đi tìm Lưu như tôi! Chà, Lưu! Một vóc hình cao ráo trong một bộ trang phục lúc nào cũng sạch sẽ chỉnh tề. Một gương mặt đầy đặn, thuần hậu của tuổi năm mươi. Một thái độ ân cần nhã nhặn. Một tay nghề chỉn chu.

Lưu đi đâu? Hay là Lưu đi thăm hai đứa con gái xuất khẩu lao động ở Seoul. Không có lý, vì Tết vừa rồi cả hai đứa vừa về thăm bố cơ mà. Hay là Lưu đi Sài Gòn thăm lại và bạn bè đồng ngũ. Vì Lưu đã từng là lính đánh Buôn Ma Thuật và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đấy. Nhưng, thăm thú bạn bè gì mà lâu thế được?

     Tóc lại đã chờm gáy đến lần thứ ba rồi. Nh¬ưng lần  này đi qua cái gầm cầu thang Lưu vẫn treo gương, đặt ghế hành nghề cắt tóc, bỗng thấy tấm gương đã bị bóc đi, chiếc ghế cũng không còn. 

- Thế ông không biết gì à? Lưu bị chất độc da cam. Bị máu trắng, sau Tết nằm viện, vừa mất tháng trưước rồi! 

 Nghe một ông già cũng là khách quen của Lưu nói, ngực bỗng thấy một cơn sụt hẫng ghê ngưười, tay vội vịn vào bờ tường cho qua cơn choáng váng! Ngất ngư mất một lúc vẫn thấy như đang ở trong một khoảnh khắc phi hình, không thật. Thế đó! Không chỉ là một niềm đau vĩnh biệt với một nhà hàng quen thân. Cao hơn, sâu hơn là nỗi đau của đồng loại, của những con người ruột thịt cùng chung huyết thống, cùng chung một số phận, một cảnh ngộ.