"Chất" An ninh Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Có những bài học không có trong bất cứ trường lớp nào, mà nó xuất hiện trong thực tế công việc, trong từng hoàn cảnh, sự việc cụ thể. Chỉ có những người đi trước mới có nhiều kinh nghiệm, bài học - đúng là “khôn không đến trẻ”.
Nhà báo Tường Lâm

Nhà báo Tường Lâm

“Của cho không bằng cách cho”

Khoảng năm 1999, cơn bão, lũ lụt quét qua dải đất miền Trung là những năm tháng không thể quên đối với tôi. Những bản tin trên truyền hình tới tấp, dồn dập về tình hình mưa lũ, thiệt hại khiến những người làm báo Thủ đô như ngồi trên lửa. Lúc ấy, tòa soạn Báo An ninh Thủ đô đang ở 136 Nguyễn Khuyến. Tổng Biên tập Đào Lê Bình kêu gọi được các loại thuốc men, thuốc khử trùng đáp ứng nhu cầu trong mùa lũ lụt. Ông giao nhiệm vụ cho tôi đi mua đồ hộp, bánh mỳ và không quên dặn mua 2 đôi dép nhựa để sử dụng trong lũ lụt.

Từ cửa sổ máy bay nhìn xuống sân bay Phú Bài, Huế là hàng trăm chiến sĩ Công an, Quân đội đang ngồi thu mình trong mưa lạnh chờ bốc vác hàng cứu trợ. Chuyến bay Focker 70 từ Hà Nội vào chỉ có mấy hành khách, số ghế còn lại dành để chở hàng cứu trợ của Báo An ninh Thủ đô, vì vậy còn lại toàn bộ suất ăn trên máy bay không sử dụng. Tổng Biên tập Đào Lê Bình nói với cô tiếp viên trẻ: “Cháu có thấy các chiến sĩ đang chờ bốc hàng dưới đường băng kia không. Cho chú xin tất cả suất ăn máy bay cho anh em dưới đó nhé”. Đề xuất được đáp ứng ngay lập tức. Khi những suất ăn từ tay những người làm báo Thủ đô được chuyển đến anh em chiến sĩ trong mưa, thì tôi mới “ngấm” được “chất” làm báo của người Hà Nội, của người Thủ trưởng, vừa “tình người” vừa là những “chất liệu” làm nên chuyến công tác trong thời khắc lịch sử.

Khi đến Công an Thừa Thiên - Huế cũng vừa lúc đoàn công tác của tờ báo ngành phía Nam - Báo Công an TP.HCM tới nơi cứu trợ. Gặp Ban Giám đốc Công an tỉnh, Báo Công an TP.HCM đặt cả “cọc” 500 triệu đồng tiền cứu trợ lũ lụt. Tôi vẫn thấy Tổng Biên tập Đào Lê Bình ngồi im, chỉ đến khi nói đến chuyện chọn điểm đến cứu trợ thì mới lên tiếng. Hàng cứu trợ của chúng tôi chỉ là mỳ tôm và chút ít tiền mặt. Đường xuống đến xã sát cửa biển Hòa Duân phải đi bằng ca nô do Cảnh sát giao thông bố trí. Dọc tuyến đường ngập nước là những xác chết của trâu, bò, lợn, gia cầm lập lờ đã bốc mùi. Tại trụ sở UBND xã, những gói mỳ tôm trao tận tay người dân trong biển nước “cay” cả từ sống mũi những người làm báo Thủ đô… Mới thấm hiểu cái cách làm công tác xã hội rất “thiết thực” của Tổng Biên tập. Khi cán bộ xã mời đoàn ở lại ăn cơm trưa, thì Thủ trưởng của tôi từ chối ngay. Ra đến cửa biển Hòa Duân mới mang bánh mỳ mua từ Hà Nội ra cả đoàn ăn trưa. Tránh được cái cảnh “khách ba, chủ nhà bảy” giữa vùng rốn lũ. Một cách làm hết sức tế nhị!

“Của cho không bằng cách cho” - đó là phong cách của Báo An ninh Thủ đô từ trước tới nay.

Đoàn công tác xã hội Báo An ninh Thủ đô đã chuyển 1.000 bình nước tinh khiết từ Hà Nội xuống và trao tận tay cho các hộ dân phường Quang Hanh (Quảng Ninh) nhằm giải “cơn khát” nước sạch sau mưa lũ, tháng 8-2015

Đoàn công tác xã hội Báo An ninh Thủ đô đã chuyển 1.000 bình nước tinh khiết từ Hà Nội xuống và trao tận tay cho các hộ dân phường Quang Hanh (Quảng Ninh) nhằm giải “cơn khát” nước sạch sau mưa lũ, tháng 8-2015

Bằng mọi giá phải có thông tin “đắt”

Những năm tháng ấy, tôi và anh Thanh Bình (giờ là Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô) được giao lên ngay Bắc Giang để lấy thông tin vụ 2 quân nhân của một đơn vị Quân đội đã xuất ngũ, nhưng đã vi phạm kỷ luật quay lại đơn vị cũ, sau đó lấy trộm 2 khẩu súng AK cùng một cơ số đạn rồi bỏ trốn. Vốn là lính, nên 2 đối tượng này sử dụng vũ khí rất thành thạo. Khi bỏ trốn chạy đến chân cầu Dục Quang (huyện Việt Yên, Bắc Giang) thì bị cả lực lượng Công an và Quân đội bao vây, đành thúc thủ dưới gầm cầu. Thực sự là rất nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Bị vây bắt, 2 đối tượng này quyết không ra hàng, đồng thời chống trả quyết liệt lực lượng vây bắt, thậm chí bắn tỉa bằng súng AK khiến người đi đường bị thương. Lúc này, trận chiến hết sức nguy hiểm. Lực lượng vây bắt được lệnh tiêu diệt các đối tượng để đảm bảo an toàn cho người dân và cả cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng Công an có nhiệm vụ gọi loa kêu hàng cũng bị các đối tượng bắn trả. Lực lượng Quân đội phải điều một xe thiết giáp ra đỗ giữa cầu Việt Yên để tiêu diệt các đối tượng này bằng lựu đạn… Một vụ án hết sức ly kỳ bởi tính chất, cách thức của các đối tượng gây án.

Trên đường đi, anh Thanh Bình đã bàn bạc rất kỹ với tôi về cách thể hiện bài báo của An ninh Thủ đô sẽ thu hút độc giả bằng những hình ảnh từ hiện trường vụ án. Tuy nhiên, xuống đến nơi, thì được tin, một tờ báo lớn trong ngành đã bỏ một số tiền không nhỏ để “mua” độc quyền những hình ảnh từ hiện trường. Vậy là con đường dẫn đến thông tin hấp dẫn độc giả gần như bị bịt lại. Hai anh em gần như đi vào ngõ cụt.

Thật may, tôi có người bạn Hoàng Tới cùng trường báo (hiện đang phụ trách Báo Điện tử Bắc Giang) có nguồn thông tin là băng quay video từ đầu đến cuối vụ việc này (nhưng chỉ được xem, chứ không được mượn về). Anh Thanh Bình bảo tôi: “Thế là mừng rồi!”. Sau đó, hai anh em vào một buồng tối, bật camera truyền tín hiệu lên monito là cái tivi 14 inch, tôi thì tựa cái mái ảnh Ricon chụp phim cũ mèm vào thành ghế để chụp lại những hình ảnh trực tiếp hiện trường vụ án từ đầu đến cuối. Thành thử ra, bộ ảnh của Báo An ninh Thủ đô trong loạt bài “Cuộc chiến đấu bên cầu Dục Quang” của tác giả Thanh Bình và tôi được Ban Biên tập và đặc biệt là độc giả lúc bấy giờ đánh giá rất cao.

Trong nghề, kể cả những lúc đi vào đường cùng hay ngõ cụt vẫn phải tìm mọi cách để có được thông tin “đắt”, đó cũng là cách để chúng ta có được độc giả, giữ được độc giả. Những chi tiết nhỏ trong nghề mà tôi may mắn “học mót” của những người chú, người anh trong gần ba chục năm làm báo kể ra thì nhiều vô kể. Nhưng cũng cứ dần kể cho những lớp đi sau cần luôn lắng nghe, thấu hiểu kỹ, thậm chí là phải “học mót” các lớp đi trước để có một kỹ năng, có một chữ “Tâm” của người làm báo.

Tự hào khi đã có hơn nửa thời gian trong hành trình 45 năm Báo An ninh Thủ đô với bạn đọc thân thiết Thủ đô. Thực sự cảm ơn tờ báo đã dạy dỗ, nuôi sống tôi trên con đường vốn không bằng phẳng đã qua!