Chắp nối cung - cầu hàng hóa

ANTĐ - Bộ Công Thương vừa chủ trì hội nghị “Chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại” khu vực phía Bắc. Hội nghị đã được tổ chức ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Tại miền Bắc, đại diện Sở Công Thương, các doanh nghiệp tiêu biểu tại 24 tỉnh, thành phố đã tham dự. 

Cần mở rộng thêm các kênh phân phối hàng hóa cho các làng nghề, doanh nghiệp nhỏ

Hạ tầng thương mại ngày càng phát triển

Bà Lê Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến cuối năm 2012, cả nước có 8.703 chợ truyền thống, trong đó 97% hoạt động có hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn. Kèm theo đó là hạ tầng thương mại hiện đại ngày càng được mở rộng với 698 siêu thị tại 59/63 tỉnh, thành phố; 127 trung tâm thương mại tại 32/63 tỉnh cùng hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích phân bố rộng khắp cả nước. Ngoài ra, một số doanh nghiệp lớn: Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái, Kinh Đô, May 10, Nhà Bè, Việt Tiến... đã thiết lập hệ thống phân phối của riêng mình. 

Mặc dù hệ thống hạ tầng thương mại ngày càng được mở rộng, hiện đại nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề lại chưa có nhiều cơ hội đưa hàng vào đó bày bán. Thực tế này dẫn đến hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khó tiêu thụ, tồn kho cao, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể, hoặc phá sản. 

Ông Hoàng Chí Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, đến hết năm 2012, cả nước có 265.027 doanh nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó, 15.461 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động. Riêng khu vực phía Bắc, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 1.721 doanh nghiệp, 675 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nhằm thúc đẩy quay vòng vốn, thúc đẩy sản xuất. 

Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, thời gian qua, nhiều địa phương đã cho ra đời các sản phẩm công nghiệp nông thôn có nhiều tiện ích, khâu sản xuất được hỗ trợ. Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm vào bán trong chợ truyền thống hay siêu thị hiện đại còn gặp nhiều khó khăn. Đồng tình với nhận định này, ông Đinh Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Công ty Ladoda cho hay, hiện nay, các doanh nghiệp, làng nghề sản xuất da giày có ít kênh phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, nhất là các doanh nghiệp nhỏ tại làng nghề. Kênh phân phối không ổn định, thị trường tự phát, bấp bênh nên sản phẩm làm ra rất khó đến tay người dân. Bên cạnh đó, hàng giả, hàng nhái tràn lan, diễn biến phức tạp, tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. 

Có nguyện vọng được “chắp nối cung cầu”, đưa hàng vào bán trong các siêu thị lớn trên toàn quốc, ông Nguyễn Văn Ba - Hợp tác xã miến dong Việt Cường (Thái Nguyên) chia sẻ, sản phẩm miến dong không pha trộn, không tẩy, được làm theo cách truyền thống của hợp tác xã hiện tiêu thụ khoảng 20 tấn/tháng. Nhưng sản phẩm chưa có mặt trong các siêu thị lớn do cung cầu chưa gặp nhau. 

Khẳng định đưa hàng vào bán trong siêu thị là con đường ngắn nhất để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, doanh nghiệp muốn đưa một sản phẩm vào bán trong siêu thị cần có đầy đủ 7 loại giấy tờ: Chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm, có hồ sơ công bố trong sản phẩm, chứng nhận kiểm nghiệm hóa sinh, vi sinh; hợp đồng ủy quyền... “Doanh nghiệp lo đủ các giấy tờ này rất mất thời gian” - bà Hậu cho biết. Theo bà Hậu, người tiêu dùng có thói quen mua những sản phẩm đã có thương hiệu nên doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, cần thay đổi mẫu mã liên tục, giảm chi phí để giá thành thấp.