Chấp nhận một phần kháng cáo vụ nam sinh lớp 11 bị đánh đến tàn phế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị hại trong vụ nam sinh lớp 11 bị đánh đến tàn phế tiếp tục cho rằng nhà trường phải có trách nhiệm nhưng vẫn không được tòa án chấp nhận.

Chiều 5-4, TAND TP Hà Nội đã tiến hành phiên xử phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Đức Trí (SN 2003, trú ở phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội tội “Cố ý gây thương tích”, theo Điều 134-BLHS. Bị hại trong vụ án là cháu Nguyễn Mạnh Đức (SN 2002), ở quận Hà Đông, Hà Nội.

Phiên tòa được mở theo kháng cáo của gia đình bị hại với yêu cầu bị cáo cùng gia đình bị cáo phải tăng mức bồi thường thiệt hại và Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội phải có trách nhiệm đối với cháu Nguyễn Mạnh Đức.

Nguyễn Trí Đức bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Nguyễn Trí Đức bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Trước đó, đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm, TAND quận Thanh Xuân đã tuyên phạt Nguyễn Trí Đức 4 năm 4 tháng tù về tội danh trên. Cấp tòa sơ thẩm cũng buộc bị cáo và người giám hộ của bị cáo còn phải bồi thường về dân sự cho bị hại. Đối với yêu cầu của gia đình bị hại về việc Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội phải liên đới bồi thường, cấp tòa sơ thẩm không chấp nhận.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nội dung vụ án một lần nữa được làm rõ Nguyễn Đức Trí là học sinh bán trú lớp 11B6, hệ đào tạo hai văn bằng của Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội và cháu Nguyễn Mạnh Đức (SN 2002, ở quận Hà Đông, Hà Nội) cũng là học sinh bán trú lớp 11B7 của ngôi trường này.

Khoảng 11h45 ngày 22-7-2019, sau khi ăn trưa xong, Trí cùng bạn học cùng lớp là cháu Bùi Đức N đi bộ từ tầng 6 xuống tầng 1 của dãy nhà A. Khi xuống tới tầng 1, Trí thấy có tương ớt chảy từ tầng 5, qua khe xoắn cầu thang rơi vào tay mình. Nhìn lên phía trên, nam sinh lớp 11B6 thấy có người đổ tương ớt nhưng không rõ ai.

Ngay sau đó, Trí và cháu N chạy lên tầng 5 tìm “thủ phạm” nhưng không xác định được nên lại cùng nhau xuống tầng 1 mua nước uống. Cùng thời điểm, cháu Hoàng Trung Đ (học sinh lớp 11B3) đứng ở tầng 5 gọi Trí (ở sân trường) và nói đã tìm được người đổ tương ớt.

Có mặt tại tầng 5, Trí được cháu Đ cho xem ảnh người đổ tương ớt, đồng thời chỉ tay về phía cháu Nguyễn Mạnh Đức. Nam sinh lớp 11B6 lập tức đi đến chỗ Đức khoác vai, kéo bạn cùng trường ra nhà vệ sinh.

Tại đây, Trí hỏi cháu Đức: “Mày đổ tương ớt vào người tao à”? Nhận được câu trả lời là không, nam sinh lớp 11B6 liền đấm thẳng vào mặt bạn. Đáp trả, Đức cũng đấm vào mặt Trí nhưng không gây thương tích.

Sau đó, Trí tiếp tục đấm nhiều nhát liên tiếp vào đầu, mặt nam sinh lớp 11B7, khiến đầu Đức đập vào tường nhà vệ sinh. Sự việc nhanh chóng được các nam sinh có mặt chứng kiến can ngăn và Đức đi về lớp ngủ trưa.

Tuy nhiên, khoảng 20 phút sau, Đức xin phép cô giáo cho về nhà nghỉ với lý do vừa bị bạn đánh, rất đau đầu. Nắm được sự việc, cô giáo của bị hại vội đưa Đức sang phòng nghỉ giáo viên để chờ phụ huynh đến đón.

Nhưng chỉ đến khoảng 14h cùng ngày thì Đức bị nôn và ngất xỉu tại hành lang. Nam sinh lớp 11B7 nhanh chóng được đưa tới bệnh viện cấp cứu. Sau đó, Đức được chuyển qua nhiều bệnh viện và phải phẫu thuật sọ não, rồi điều trị liên tục kéo dài nhiều tháng với tỉ lệ tổn hại sức khỏe lên đến 94%.

Tham gia phiên tòa phúc thẩm, mẹ bị hại, bà Nguyễn Thị Thúy giữ nguyên nội dung kháng cáo khi đề nghị cấp tòa phúc thẩm buộc bị cáo cùng người giám hộ cho bị cáo phải tăng mức bồi thường phục hồi sức khỏe cho cháu Nguyễn Mạnh Đức. Tương tự, bà Thúy cũng cho rằng Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội phải liên đới bồi thường thiệt hại cho con trai bà.

Dù vậy sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX phúc thẩm TAND TP Hà Nội chỉ chấp nhận một phần kháng cáo của gia đình bị hại khi tuyên buộc bị cáo Nguyễn Đức Trí cùng người giám hộ phải bồi thường thêm 15 triệu đồng tiền cháu Đức sử dụng xe taxi trong quá trình đi lại điều trị thương tích.

Về tổn hại sức khoẻ, cấp phúc thẩm buộc bị cáo phải bồi thường thêm 105 triệu đồng nữa. Nâng tổng số các khoản bị cáo phải bồi thường cho bị hại là 964 triệu đồng, được đối trừ số tiền đã bồi thường và còn phải bồi thường 742 triệu đồng nữa.

Đối với kháng cáo phải xác định Trường Cao đẳng Công thương Hà Nội là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và phải liên đới bồi thường thiệt hại cho cháu Đức, cấp tòa phúc thẩm không chấp nhận. Bởi theo tòa, do thời gian xảy ra vụ án (từ 11h57- 11h59) không nằm trong khoảng thời gian bán trú thuộc sự quản lý của ngôi trường này, từ 12h đến 13h30.