Chạnh lòng lao động cuối năm

ANTĐ - Cuối năm thường là thời điểm nhiều người háo hức với những ngày nghỉ dài để thăm hỏi người thân và khoản thưởng Tết để mua sắm nhiều hơn ngày thường một chút, đi chơi hay tiết kiệm. Thế nhưng vài năm trở lại đây, khi kinh tế lâm vào khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu đã đẩy một phần áp lực lớn lên người lao động.

Mong được… tăng ca

Tăng ca đối với công nhân dịp cuối năm đã trở thành chuyện thường lệ bởi đây là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất nguồn hàng cho kịp tiến độ. Chị Nguyễn Thị Cúc (quê Nghệ An), công nhân KCN Bắc Thăng Long than thở rằng đến cả tháng nay hầu như hai vợ chồng chị không có thời gian nói chuyện với nhau và càng không có thời gian chăm cô con gái mới gần 2 tuổi. “Trước đây chỉ có chồng tôi tăng ca, còn tôi đi làm về thì đón con, tắm rửa cơm nước. Cuối năm công ty yêu cầu tăng ca nên phải nhờ bà nội từ quê ra trông con, hai vợ chồng đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về thì con đã ngủ từ bao giờ. Dù mệt mỏi nhưng cũng phải cố gắng, chứ Tết cả gia đình tôi về quê, nguyên tiền vé xe đi lại đã mất hơn triệu bạc, chưa kể quà cáp sắm Tết, nếu không tăng ca thì lấy đâu ra tiền”.

Tương tự, chị Hoàng Thị Thập, một công nhân may cũng cho biết bắt đầu từ tháng 10 hầu hết công nhân của công ty chị đều phải tăng ca ít nhất 30 phút/ngày. Sở dĩ vậy vì suốt các tháng đầu năm công ty không có hợp đồng nên cắt giảm một số lượng lớn công nhân. Đến những tháng cuối năm khi ký được hợp đồng với những đơn hàng gấp, công ty không tuyển kịp người nên yêu cầu tất cả công nhân phải tăng ca để gánh hết việc. “Tăng ca thì lương tăng thêm được mấy trăm nhưng mệt mỏi, con lại phải gửi thêm giờ mỗi tháng mất 300.000 đồng”. 

Việc tăng ca những tháng cuối năm đã vắt kiệt sức của những công nhân, tuy nhiên đa số lao động vẫn “mong” được làm thêm, bởi chỉ có làm thêm thì họ mới có tiền về quê ăn Tết. Theo khảo sát của phóng viên thì tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp nào khá giả mới công bố mức thưởng Tết 3 tháng lương tối thiểu, còn lại thì mức thưởng thấp hoặc chưa công bố khiến nhiều công nhân lo lắng. Anh Nguyễn Văn Quỳnh (Yên Bái) buồn rầu cho biết: Chỉ còn nửa tháng nữa đến Tết nhưng anh cũng chưa biết mức thưởng Tết của mình ra sao, trong khi đó năm nay Tết nhưng công ty cũng không nhiều việc, công nhân chỉ đi làm hết giờ hành chính rồi về, lương tháng vỏn vẹn 3 triệu đồng. 

Tại không ít doanh nghiệp, công nhân còn phản ứng khá gay gắt với việc không được tăng ca dịp cuối năm. Cách đây ít lâu, gần 1.000 công nhân của Cty TNHH Nidec Copal Việt Nam (Khu công nghệ cao TP, Q.9, TPHCM) đồng loạt ngừng việc. Nguyên nhân vì công ty giảm thời gian tăng ca khiến thu nhập của công nhân giảm xuống. Theo đó trước đây công nhân mỗi ngày được tăng ca 4 tiếng, nếu làm đều đặn thu nhập khoảng hơn 5 triệu đồng. Thời gian gần đây, công ty thay đổi thời gian làm việc nên mỗi ngày công nhân chỉ được tăng ca 1,5 giờ, thu nhập theo đó cũng giảm.

Mỏi mắt tìm việc

Tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, những tháng cuối năm cả nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu người tìm việc cũng giảm đáng kể. Nếu như tại những phiên giao dịch việc làm trong năm, số lượng doanh nghiệp tham gia luôn ở mức trên 50 doanh nghiệp thì tại phiên giao dịch ngày 16-1, chỉ có 30 doanh nghiệp, số người đến tìm việc cũng giảm từ khoảng 1.000 người xuống mức 600 người. Bà Vũ Thị Thanh Liễu (Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động) cho biết: Thời điểm cuối năm âm lịch các doanh nghiệp thường tránh tuyển thêm lao động hoặc chỉ tuyển lao động thời vụ như chuyển hàng, bán hàng, gói quà... Nguyên nhân chủ yếu là để tránh khoản thưởng Tết cho công nhân mới tuyển. Một số doanh nghiệp vẫn đăng ký tuyển dụng thì thường đưa ra những công việc “xương xẩu” như nhân viên bán hàng, marketing… 

Không chỉ lao động phổ thông mà ngay cả lao động có trình độ cũng lâm vào cảnh khốn khổ khi tìm việc. Trong thời buổi thừa người thiếu việc thì đa phần doanh nghiệp khắt khe hơn trong việc tuyển lao động, họ yêu cầu phải có kinh nghiệm và những kỹ năng mềm, vì vậy các sinh viên mới ra trường thường gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại chỉ muốn tuyển lao động có trình độ thấp như trung cấp hay phổ thông để trả mức lương trung bình, vì vậy nhiều cử nhân đại học cũng phải chấp nhận làm công việc của lao động trình độ thấp.

Doanh nghiệp “né” thưởng Tết

Mới đây, Công ty TNHH Sanyo Semiconductor Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, đóng tại KCX Tân Thuận, TP HCM) đã ra thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 500 công nhân vào giữa tháng 1-2014. Thế là bỗng chốc hàng loạt công nhân bị mất việc, rơi vào tình cảnh hoang mang. Trao đổi với chúng tôi, đại diện công ty cho biết đến thời điểm này phía công ty và lao động đã thống nhất được hướng giải quyết. Theo đó công ty đã chi trả khoản thưởng Tết cho công nhân là 1 tháng lương, số công nhân thôi việc sẽ được trợ cấp thất nghiệp theo quy định pháp luật, số công nhân có nhu cầu tiếp tục làm việc sẽ được bố trí làm việc tại công ty mẹ có trụ sở ở Đồng Nai. 

Bên cạnh đó, những tháng cuối năm, không ít doanh nghiệp đã tính đến “kế” cắt giảm lao động để “né” thưởng Tết, hàng loạt lao động bỗng dưng mất việc, lâm vào cảnh khốn đốn. Chị Phan Thị Hường quê Phú Thọ cho biết, hồi đầu năm chị xin được vào hợp đồng thời vụ tại một doanh nghiệp tại KCN Bắc Thăng Long. Làm được 6 tháng, đến gần Tết thì công ty nói đã hết hợp đồng, khi nào có việc công ty mới ký tiếp. “Gần một tháng qua em ở lại Hà Nội xin việc nhưng không có công ty nào nhận, vì vậy em định cuối tuần sẽ về quê, đợi ra Tết sẽ đi xin việc tiếp”. Trên thực tế, việc ký hợp đồng lao động ngắn hạn cũng là một chiêu để doanh nghiệp né thưởng Tết. Nhiều doanh nghiệp đã không ký tiếp hợp đồng lao động với công nhân khi thời hạn hợp đồng thời vụ kết thúc gần dịp Tết. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch công đoàn các KCN-CX Hà Nội cho biết năm nay, do kinh tế khó khăn nên thưởng Tết của các doanh nghiệp KCN-CX ở mức thấp, các doanh nghiệp cố gắng duy trì mức bằng năm ngoái. Theo báo cáo BQL các KCN-CX Hà Nội nhận được thì mức thưởng cao nhất dành cho công nhân là 3 tháng lương tối thiểu vùng, mức thấp nhất là 1 tháng lương tối thiểu vùng. Về việc sa thải nhân viên để “né” thưởng Tết, ông cho biết đến thời điểm này, chưa thấy có người lao động nào khiếu nại đến công đoàn các KCN-CX về vấn đề này. Tuy nhiên, với những lao động ký hợp đồng có thời hạn, khi hết thời hạn hợp đồng nếu doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng nữa có thể không ký tiếp. “Còn nếu có trường hợp nào lao động bị sa thải sai quy định, lao động có thể khiếu nại lên công đoàn doanh nghiệp hoặc công đoàn các KCN-CX Hà Nội” - ông Toản nói. 

Luật sư Lê Thị Điệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trên thực tế doanh nghiệp sa thải lao động trước Tết đúng hay sai luật, các tranh chấp về tiền lương, thưởng đều căn cứ vào HĐLĐ. Nhiều khi ký hợp đồng, doanh nghiệp thường chủ động đưa ra các điều khoản bất lợi cho người lao động như hợp đồng có thời hạn đến cận Tết, thiếu những ràng buộc chặt chẽ về trợ cấp thôi việc, vấn đề thưởng Tết thường ghi chung chung kiểu “theo hiệu quả công việc và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”… Trong khi đó người lao động đứng ở thế bị động, không để ý đến những điều khoản bất lợi đó nên khi bị sa thải thường chịu nhiều thiệt thòi. Luật pháp không quy định doanh nghiệp không được sa thải lao động thời điểm nào nên trong những trường hợp này cũng khó mà có cơ sở pháp lý để đòi hỏi doanh nghiệp.