“Chàng trai Tây Nguyên” bị lợi dụng trở thành tên cướp khét tiếng

ANTĐ - Y Chung giờ đây được nhiều người đặt cho biệt danh “nghệ sĩ của buôn làng” khi anh tự sáng tác và biểu diễn được hàng chục ca khúc trong các lễ hội hay các buổi sinh hoạt cộng đồng ở Tây Nguyên. Trước đó, Y Chung từng là tội phạm khét tiếng. Già làng Y Năng từng nhận xét về Y Chung rằng: “Bản chất nó thông minh, cái tâm hồn nó sáng. Chỉ tối trong một khoảnh khắc trượt ngã theo những đam mê, ảo tưởng mà thôi”.

“Cái bụng” nghĩ sai nên bàn chân lạc lối

Nhớ mãi đêm hội buôn làng hôm ấy dưới chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), chàng trai có mái tóc xoăn tít bồng bềnh, nước da nâu đỏ như màu đất bazan luôn thân thiện và hồ hởi với mọi người. Chàng trai ấy tấu lên những bản nhạc rồi giọng hát phóng túng như những ngọn gió mùa vút cao, thao thiết và ngân xa. Đó là Y Chung. Hầu như ở đâu có các hội làng, có những buổi biểu diễn âm nhạc và các ca khúc về dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên bước chân anh đều đặt tới. Không giấu giếm, anh bộc bạch đó là cách trả nợ một thời lầm lỡ của mình. Y Chung (SN 1971) ở buôn Đang Kia (xã Lát, Lạc Dương, Lâm Đồng). Từ nhỏ, Chung có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh. Cũng bởi thế nên con chữ ít khi lọt vào được bộ nhớ của Chung mà bước chân chỉ thích xuôi đến những đêm hội buôn làng. Đam mê về âm nhạc cứ thể cuốn Chung đi. Lên 17 tuổi, Chung đã theo những người lớn tuổi trong các đội nhạc của huyện để được đi biểu diễn. Nhưng, những buổi biểu diễn lúc có, lúc không. Tiền thù lao thì chẳng được bao nhiêu. Trong khi đó, Chung không có thêm bất cứ nghề nghiệp gì để sống, mấy sào đất rẫy đã bán sạch kể từ ngày cha mẹ Chung lâm bệnh nặng. Chung cứ thấy mình như người chơi vơi, có lúc không biết bấu víu vào đâu. Những người anh của Chung đều lập gia đình ở nơi xa. 

Trong một lần xem trên truyền hình thấy các ca sĩ Tây Nguyên về TP.HCM biểu diễn trên những sân khấu hoành tráng, Chung ảo tưởng ngay đến ngày mình sẽ thành nghệ sĩ ở mảnh đất phồn hoa nhưng lắm đua chen ấy mặc dù trong anh vẫn chưa được trải qua một lớp đào tạo bài bản nào. Nghĩ rồi đi, Chung khăn gói vào TP.HCM, vật vã hết xó xỉnh này đến xó xỉnh khác. Cuộc sống nơi đô thị này chẳng hề giống như anh nghĩ, đi đến rạc bàn chân nhưng không xin nổi vào một đoàn ca nhạc hay được hát trong một phòng trà nào. Ai cũng chê anh chỉ nên quay về làm một “ca sĩ của buôn làng” thôi. Nếu không thì phải có nhiều tiền để nhờ người khác lăng-xê lên. Quá cay cú trước những nhận xét phũ phàng này, Y Chung quyết định phải kiếm cho được nhiều tiền. 

Một ngày trời mưa như trút nước, đang lang thang ở Bến xe Miền Đông, Y Chung bắt gặp Hảo “điên” là một tên tướng cướp ở TP.HCM. Thấy Y Chung ngây ngây, lại có thân hình vạm vỡ nên Hảo chụp lấy ngay và kéo về băng cướp của mình. Những tương lai sáng lạn, có tiền nhiều, có sự nổi tiếng được Hảo vẽ ra trước mắt của Y Chung khiến y nổi lên sự thèm khát. Phi vụ đầu tiên của Y Chung được Hảo giao là đi cướp cửa hàng điện tử năm 1991, trót lọt càng khiến Y Chung thích thú hơn. Gã nghĩ: Hóa ra kiếm tiền ở phố dễ hơn buôn làng. Nhiều vụ cướp vặt sau đó đều trót lọt. Ý nghĩ sai lầm đã khiến bước chân của Y Chung ngày càng trượt dài vào con đường tội lỗi. 

Thành tên cướp khét tiếng

Khi đã lần lượt thực hiện thành công hết phi vụ này đến phi vụ khác, Y Chung được Hảo “điên” giao cho các “trọng trách” quan trọng. Chung nhanh chóng trở thành tên cướp khét tiếng. Sở hữu một khuôn mặt khá nghệ sĩ, đậm chất Tây Nguyên nên Chung được rất nhiều cô gái để ý, từ gái giang hồ cho đến những thân phận “bèo dạt” từ tứ xứ về TP.HCM. Hầu như người phụ nữ nào đến với y cũng được y hào phóng cho tiền bạc và đối đãi rất nồng hậu. Bởi tiền đi cướp được chẳng phải mệt nhọc là mấy. Nhớ lại chuỗi ngày đắng cay ấy, Y Chung giãi bày: “Giờ đây có nhiều lúc nghĩ lại vẫn thấy giật mình, hoang mang. Nhất là những khi ngồi ở nhà một mình hay tập luyện đàn hát giữa đêm khuya. Thấy day dứt và tiếc nuối nhiều cho cái thời trai trẻ ấy lắm. Khi đó cứ nghĩ đi cướp cũng là một cái nghề. Hết cô gái này đến rồi lại ra đi nhưng tôi chưa bao giờ hại cô nào cả. Có người vì hoàn cảnh, không có tiền về cứu chữa bệnh cho cha mẹ họ ở tận miền Tây đến xin tôi tiền, tôi cho rất nhiều mà không cần đòi hỏi đền đáp bất cứ điều gì cả”. Có lần, Y Chung còn mủi lòng và cho cô gái đứng đường một số tiền nhất định khi cô này gặp phải gã “ăn bánh nhưng không chịu trả tiền”. 

Ngày càng thể hiện bản lĩnh của mình nên Chung rất được Hảo “điên” cưng chiều. Nhiều vụ cướp. Hảo giao luôn cho Y Chung cầm đầu. Chung kể lại: “Càng được Hảo xem trọng, tôi càng hung hăng đi cướp và đánh chém các băng đảng, đối tượng theo như hợp đồng họ đã thỏa thuận với Hảo. Có những trận chiến về nhà xây xước đầy người nhưng vẫn hào hứng. Tuy nhiên trong suốt bao nhiêu năm lầm lỡ làm cướp của mình, quan điểm của tôi là không hại người già, trẻ con và phụ nữ. Có những lần tấn công vào các tiệm tạp hóa, thấy người già ra kêu khóc là tôi lại sẵn sàng bỏ đi cướp nơi khác ngay”. Năm 1995, trong một phi vụ lớn, Hảo “điên” đích thân cầm đầu băng đãng đi chém thuê và cướp tiệm vàng trên địa bàn quận Gò Vấp thì Hảo “điên” bị thiệt mạng. Y Chung lên làm đầu xỏ. Không lâu sau, trong vụ đột nhập nhà riêng để cạy két sắt ở quận 5 thì Y Chung sa lưới. Khai nhận ra hàng chục vụ chém người, cướp của của mình, Y Chung phải lĩnh án 15 năm tù giam. 

Y Chung bồi hồi nhớ lại: “Vào trại giam được cải tạo và được các cán bộ phân tích những hành động sai trái mới biết mình đã gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi cho người khác nên tôi ân hận lắm. Dẫu sự ân hận đã quá muộn màng nhưng như thế còn hơn không”. Thấy Y Chung thật thà lại có năng khiếu ca hát nên trong những buổi sinh hoạt cho các phạm nhân trong trại giam, Chung luôn được các cán bộ cho làm người bắt nhịp, hướng dẫn và khuấy động phong trào để những phạm nhân khác được hưởng thêm một món ăn tinh thần. Chính trong lúc này, từ sâu trong đáy lòng Y Chung lại trỗi dậy niềm đam mê và khát khao được sáng tác những ca khúc, hát những bản nhạc về vùng đất nắng gió Tây Nguyên của mình. Các khát khao mà suốt một thời chưa sa ngã vào lỗi lầm Chung luôn muốn đạt được.

Trở về đúng nghĩa “chàng trai Tây Nguyên” 

Năm 2008 được đặc xá trước thời hạn, Y Chung quay về đúng nghĩa là “chàng trai Tây Nguyên”, thật thà, phóng khoáng. Anh tâm sự: “Tôi phải trả nợ cho những lỗi lầm đó bằng cách đi truyền dạy cách hát nhạc Tây Nguyên, cách chơi các nhạc cụ Tây Nguyên cho các em nhỏ của đồng bào mình. Dù không thực sự chuyên nghiệp nhưng mình làm bằng cả tấm lòng thì sẽ được đón nhận thôi. Từ ngày ra tù, tôi chỉ còn cảm thấy khiếp hãi mỗi khi nghĩ về quãng đời xưa chứ không hề có ý định quay lại cuộc sống lầm lỗi đó nữa”. Suốt bao năm kể từ ngày bắt đầu làm quen với những âm sắc của cồng chiêng, đến nay Y Chung đã tập hợp được hơn 50 điệu chiêng khác nhau. Đồng thời anh còn đi khắp các bản làng thành lập nhiều đội chiêng nhí. Nói về số lượng trẻ em ở Lạc Dương đi học và còn mặn mà với biểu diễn cồng chiêng, Y Chung bảo: “Đến nay, trong vùng này đã có hơn 40 cháu (cả nam và nữ) từ 10 tuổi tham gia các lớp học biểu diễn cồng chiêng. Mỗi lần tôi và các nghệ nhân trong làng truyền dạy, các cháu rủ nhau đến tham gia rất đông. Điều đó càng khiến cho cái bụng mình vui mừng hơn, gắn bó với buôn làng hơn”. Trong tất cả các buổi hội họp hay biểu diễn nhạc dân tộc truyền thống, Y Chung luôn là người nhiệt huyết, năng nổ. Ban đầu nhiều người dị nghị anh từng đi tù nhưng sự chan hòa và nhiệt huyết của mình, Y Chung đã xóa nhòa mọi ấn tượng xấu của người khác về mình. Chung bảo: “Tôi đang có kế hoạch sưu tầm lại tất cả các bài hát, các làn điệu của dân tộc mình từ xa xưa đến nay để gìn giữ nó và truyền lại cho lớp trẻ. Những làn điệu đó cất lên vẫn còn sức cuốn hút ghê gớm lắm”.