Chàng trai khiếm thị mò mẫm mang con đi xét nghiệm ADN

ANTĐ - Khi nghe kết quả, bà nội cháu bé đứng như trời trồng, không nói được câu nào, còn ông nội chỉ quay đi nhìn đứa con trai khuyết tật tội nghiệp.

Hai vợ chồng cùng cảnh người khuyết tật với nhau, đứa con ra đời là một niềm hạnh phúc lớn. Nhưng nào ngờ, một ngày, ông bố khiếm thị lại phải mò mẫm đưa con ai xét nghiệm AND bởi nghi ngờ sự đoan chính của vợ...

Bẫy tình tinh vi

Trần Văn M. (Lục Ngạn, Bắc Giang,) và Nguyễn Thị Thu H. (Ứng Hòa, Hà Nội) quen nhau, khi học tại trường dành cho người khuyết tật tại Long Biên, Hà Nội. M bị khiếm thị từ năm lên 6 tuổi còn H bị hỏng một bên mắt, còn bên kia chỉ nhìn được khoảng 35%. Cùng cảnh thua thiệt giống nhau, M và H nảy sinh tình cảm. Dù hơn M đến 2 tuổi nhưng từ ngày gặp nhau, bao giờ H cũng gọi M bằng anh. Hai người cùng học một nghề làm tẩm quất người mù. Tuy là người khiếm thị nhưng H là cô gái rất xinh, cô được ví như hoa khôi trường khuyết tật. Năm 2010, H ra trường đi làm cho một trung tâm massage trong nội thành, còn M vẫn ở lại trong trường học thêm nghề mới.

Từ ngày người yêu ra trường, ai cũng nói với M: "Nếu cậu không khéo giữ thì H sẽ bị kẻ khác cưới mất đấy". Lo sợ mất người yêu, M tính cách "ăn cơm trước kẻng" để đánh dấu H là người của mình. Còn H cũng chẳng vừa, cô mới ra trường đi làm nhưng cũng có quan hệ qua lại với một vài người cùng làm ở đó. Ngày M tỏ ý muốn cùng H làm chuyện người lớn, cô đã gật đầu và đồng ý.

Sau ngày đó 3 tuần, M nhận được cuộc điện thoại của H thông báo cô đã có thai. Quá bất ngờ với tin mừng được làm bố, M không ngần ngại lấy điện thoại gọi về quê thông báo với bố mẹ chuẩn bị ngày lành tháng tốt đi hỏi vợ. Chuyện tình cảm của M và H cũng được gia đình biết nên việc chuẩn bị đám cưới cho cặp vợ chồng khuyết tật cũng không có gì khó khăn. Gia đình M đã sang tận nhà H ở Ứng Hòa xin hỏi cưới cô làm vợ.

H sinh con ở tháng thứ 8. Đứa trẻ sinh dù sinh non nhưng nặng hơn 3kg. Gia đình M nghi ngờ chuyện "con dâu cắm sừng" vì đứa trẻ không giống M và cũng không giống H nhiều. Người ngoài nhìn vào ai cũng thấy đứa trẻ hoạt bát, da đen và mắt to, trong khi cả hai họ không có ai có đặc điểm đó. M vì khiếm thị nên không nhìn rõ con. Cậu chỉ lờ mờ bán tín bán nghi chuyện không phải con mình. Cậu hỏi thì H chối quanh co: "Không phải con anh thì con ai, con bị sinh non mất 3 tuần. Nếu không phải con anh, sao em dám để cho gia đình anh nhận cháu".

Mang con đi xét nghiệm ADN

Không muốn bị con dâu lừa dối, gia đình M kiên quyết đòi đưa đứa trẻ đi xét nghiệm ADN ở Hà Nội. Mẹ của M cho rằng: "Bố nó bị khuyết tật, việc nuôi nấng cũng khó khăn chủ yếu ông bà nội chăm sóc. Nhưng nếu không phải cháu tôi, tôi kiên quyết trả lại đằng ngoại". Nói rồi, bà nội và M đã đưa đứa trẻ lên trung tâm xét nghiệm ADN Hà Nội để làm các thủ tục xét nghiệm gen chứng minh con của bố.

Bỏ cả mấy triệu đồng ra làm xét nghiệm gen và chờ đợi hơn một tháng sau có kết quả, gia đình anh M ngã ngửa vì đứa trẻ hoàn toàn không phải con anh. Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền cũng cảm thấy thương xót cho hoàn cảnh của M. Khi cầm kết quả trong tay, người cha không đọc được mà chỉ nhẹ nhẹ sờ sờ như muốn cảm nhận được điều gì đó từ kết quả xét nghiệm. Bố mẹ anh M thực sự sốc vì hơn 2 năm nay bị con dâu lừa. Khi nghe kết quả, bà nội cháu bé đứng như trời trồng, không nói được câu nào, còn ông nội chỉ quay đi nhìn đứa con trai khuyết tật tội nghiệp.

Khi trở về nhà, H thừa nhận một lần tiếp khách, cô đã bị khách hãm hiếp nhưng sợ nên cô không dám tố cáo với chủ cơ sở hay với công an. Sau lần đó, H sợ có bầu nên chủ động làm chuyện vợ chồng với M, nếu có bầu thì cô sẽ hợp thức hóa việc M là cha của đứa trẻ. Bản thân H cũng không biết cha của đứa trẻ là ai. Cô không muốn đứa trẻ sinh ra không có cha nên đã cầu xin gia đình nhà chồng chấp nhận mẹ con cô.

Băn khoản việc trả dâu, cuối cùng gia đình M chấp nhận để mẹ con H sống lại nhà mình. Còn M dù không thể nhìn trực tiếp vào đứa trẻ không phải là con mình đáng thương như thế nào nhưng từ trong thâm tâm, M vẫn coi đó là con trai mình.