Chặn tận gốc tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội gây ra nhiều hệ lụy, khiến người dân hoang mang và chậm tiếp cận các nguồn tin chính thống  cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cơ quan báo chí . Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đề xuất biện pháp ngăn chặn tình trạng “báo hóa” nêu trên.
Ngăn chặn tình trạng "báo hóa" trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội

Ngăn chặn tình trạng "báo hóa" trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội

Trang tin điện tử phải tổng hợp thông tin chậm hơn 30 phút so với tin gốc

Bộ TT-TT cho biết, hiện cả nước có 1.706 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép (còn hiệu lực). Hà Nội và TP HCM là hai địa phương có số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép mới hàng năm nhiều nhất.

Cụ thể, trong số 1706 trang thông tin điện tử tổng hợp nói trên, Sở TT-TT Hà Nội cấp 523 giấy phép, Sở TT- TT TP HCM cấp 446 giấy phép, Sở TT- TT các tỉnh còn lại cấp 335 giấy phép; Cục PT-TH&TTĐT cấp 402 giấy phép.

Được kỳ vọng là “cánh tay nối dài” của các cơ quan báo chí, góp phần vào việc truyền tải kịp thời thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước để đẩy lùi các thông tin xấu độc, tin giả đang tràn lan trên mạng nhưng gần đây, nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp chạy theo xu hướng thị trường, chỉ tập trung tổng hợp các thông tin tiêu cực để câu khách, khiến cho “bức tranh” thông tin trên mạng bị sai lệch, không phản ánh đúng tình hình xã hội của đất nước.

“Đáng chú ý, một số trang thông tin điện tử tổng hợp còn tự sản xuất tin, bài, gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, dẫn đến tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp. Đây là vấn đề nhức nhối, tạo phản ứng bất bình trong dư luận, gây khó khăn đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí trên các trang thông tin điện tử tổng hợp ngày càng gia tăng”- đại diện Bộ TT-TT cho hay.

Thực tế cho thấy, vi phạm của trang thông tin điện tử khá phổ biến. Bộ TT-TT đã xử phạt hàng loạt trang thông tin điện tử vi phạm trong thời gian qua. Tuy nhiên, để ngăn chặn vi phạm hiệu quả hơn, tại dự thảo sửa đổi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP đang được Bộ TT-TT lấy ý kiến, Bộ này đề xuất bổ sung quy định về việc trang tin tổng hợp phải “lên tin” chậm hơn 30 phút so với tin gốc.

Đặc biệt, trang thông tin điện tử cũng phải đặt đường dẫn gốc ngay dưới bài dẫn lại. Các trang thông tin điện tử tổng hợp chỉ cung cấp thông tin tổng hợp về các lĩnh vực sau: khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội và phù hợp với ngành nghề, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, doanh nghiệp.

Dự thảo cũng đề xuất các cơ quan báo chí đã có báo/tạp chí điện tử thì không cấp phép trang thông tin điện tử tổng hợp.

Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí: không sử dụng những từ ngữ (bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài tương đương) có thể gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí như: Báo, Tạp chí, Tin, Tin tức, Phát thanh, Truyền hình…;

Tách riêng chuyên mục hỏi đáp, thảo luận, trao đổi về các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Không được cho người dùng bình luận về các tin bài trên trang tin tổng hợp.

Tại dự thảo này, Bộ TT-TT cũng đề nghị bổ sung quy định thỏa thuận về nguồn tin với các báo: thời hạn, nội dung tổng hợp (theo đúng tôn chỉ mục đích của báo), trách nhiệm các bên (rà soát, thông báo các bài cần gỡ, kết quả gỡ bài ); Bổ sung quy định về chế tài xử lý; Có cơ chế kiểm tra, rà soát và tự gỡ bỏ thông tin vi phạm bản quyền…

Mạng xã hội không được sắp xếp thông tin theo chuyên mục

Tình trạng “báo hóa” không chỉ xảy ra đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mà còn diễn ra với mạng xã hội. Việt Nam hiện có 829 mạng xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp phép.

Tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu Việt Nam đạt khoảng 80 triệu người, trong đó: Zalo có khoảng 60 triệu tài khoản, Mocha: 25 triệu tài khoản; Webtretho: 3 triệu tài khoản; Nhaccuatui: 14 triệu tài khoản; Gapo: 7 triệu tài khoản.

Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng cũng lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí.

Theo Bộ TT-TT, tình trạng “báo hóa” mạng xã hội (mạng xã hội hoạt động như báo điện tử, như trang thông tin điện tử tổng hợp) đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ TT-TT đề xuất, chỉ các tài khoản đã được định danh 2 lớp (xác thực tài khoản với tên thật và số điện thoại) mới được viết bài, đăng bình luận, livestream, nếu không chỉ được xem tin, bài. Thông tin thành viên đăng tải theo thời gian thực, không sắp xếp thành các chuyên mục;

Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất chỉ các mạng xã hội có giấy phép thiết lập mạng xã hội mới có quyền thu phí sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức... Bộ TT-TT có thể yêu cầu dừng hoạt động, tạm đình chỉ tên miền với trường hợp mạng xã hội cố tình vi phạm.

Đối với mạng xã hội trong nước, Bộ TT-TT đề xuất không cho phép thành viên lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hoạt động báo chí (theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Báo chí).