Chăn nuôi thuê cho nước ngoài

ANTĐ - Cơn sốt thịt lợn khiến giá thực phẩm “nóng” vẫn kéo dài cho tới thời điểm này. Bên cạnh câu chuyện giá thịt lợn, người ta lo rằng, nếu không kiểm soát, phát triển tốt thì thị phần chăn nuôi trong nước dần rơi vào tay các DN nước ngoài. Khi không thể kiểm soát, thì những đợt khủng hoảng thiếu thịt lợn sẽ lặp lại thường xuyên hơn.

Thị trường ngành chăn nuôi đang bị một số doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ?

Nuôi lợn thuê trong chuồng trại của mình

Cơn sốt thịt lợn tạm lắng thì những yếu kém trong ngành chăn nuôi bộc lộ. Một ngành chăn nuôi phát triển tự phát, không có quy hoạch, không có định hướng, chăn nuôi nhỏ lẻ đã bị đè bẹp, bị phá vỡ bởi thị trường. Dịch bệnh hoành hành, giá cả đầu vào tăng, khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ không còn cơ hội phát triển. Việc bỏ chuồng, bỏ nuôi lợn là kết cục không làm ai ngạc nhiên. Song, cũng lúc này, người ta mới đặt ra câu hỏi, số đầu lợn nuôi trong dân không còn nhiều, vậy ai đang nắm giữ?

Một thị phần không nhỏ chăn nuôi trong nước đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Bằng chứng là ở nhiều tỉnh trọng tâm phía Bắc như vùng ngoại thành Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên..., các HTX chăn nuôi… đều làm thuê cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (thành viên của Tập đoàn CP Thái Lan). Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông, Sơn Tây cho biết, HTX hiện có 70 hộ tham gia chăn nuôi thuê cho CP với số đầu lợn khoảng 5.000 con mỗi lứa. Từ năm 2001, HTX đã bắt đầu hình thức chăn nuôi thuê cho CP. “Phía CP cung cấp con giống và thức ăn chăn nuôi. Còn lại, người dân phải chịu toàn bộ chi phí về nhân công, điện nước, môi trường, cơ sở hạ tầng chuồng trại”, anh Chiến phản ánh. Tuy nhiên, đến nay, giá nguyên liệu đầu vào như điện, nước, xăng dầu, giá nhân công đều đã đội lên gấp 2-3 lần, song phía CP vẫn áp dụng mức chiết khấu cho người dân là 2.350 đồng/kg lợn, mức này CP áp dụng từ nhiều năm trước.

Ông Chiến nhận định, với kiểu chăn nuôi như hiện nay, mức chiết khấu quá thấp, nông dân Việt Nam đang phải đi làm thuê cho DN nước ngoài với lợi nhuận dường như không có. “Họ vào Việt Nam, họ có vốn nên chiếm được lợi thế. Trong khi đó, họ sử dụng toàn bộ nhân công, đất đai, nhân vật lực của mình để nuôi lợn, gà. Sau đó họ lại xuất bán cho người Việt Nam tiêu dùng. Hậu quả là, họ muốn làm giá cũng không thể kiểm soát được”, ông Chiến phân tích.

Bỏ ngỏ thị trường chăn nuôi

Cũng theo ông Chiến, trong quá trình chăn nuôi còn có những rủi ro về dịch bệnh, thời tiết… đối với gia súc, gia cầm người chăn nuôi phải gánh chịu, tuy nhiên phía CP không chịu bất kỳ một khoản phí nào. Song, nếu để các nông hộ độc lập tự làm tự ăn thì lại không có vốn. Ông Chiến tính toán, để đầu tư một trang trại với khoảng 2.000-3.000 đầu lợn cần từ 2-4 tỷ đồng, mức đầu tư này nông dân không đủ khả năng.

Ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Phú Sơn cho rằng: “Nếu cứ như hiện nay, chúng tôi chỉ là những người đi làm thuê cho người nước ngoài. Họ tận dụng mọi thứ của mình, môi trường cũng là người mình phải chịu. Toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của CP là của người Việt nhưng thị trường lại thuộc về CP. Điểm này, tôi cho rằng, trong hoạch định chính sách cần xem xét lại”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi nhìn nhận, hiện chưa có thống kê nào về việc CP chiếm bao nhiêu thị phần chăn nuôi trong nước, còn về thị phần thức ăn chăn nuôi chiếm 17-18%. “Chúng ta đang khuyến khích phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi theo hình thức gia công. Chúng ta cũng chưa thống kê DN nước ngoài hiện chiếm bao nhiêu phần trăm trong lĩnh vực này. Và, luật pháp cũng chưa có quy định ràng buộc gì về việc áp dụng mức trần đối với các DN nước ngoài trong thị trường  chăn nuôi”, ông Dương cho biết.

Bởi vậy, để thị trường chăn nuôi trong nước không bị thao túng, lũng loạn, ông Lê Văn Mẽ cho rằng, cần có chính sách khuyến khích cho các DN trong nước đầu tư vào chăn nuôi, chính sách ưu tiên về đất đai, về vốn…