Chăn nuôi gia cầm sát khu dân cư

ANTĐ - Hỏi: Cách đây 3 tháng, một chủ kinh doanh đã thuê lại một khu đất ngay cạnh nhà tôi để nuôi gà đẻ trứng, số lượng lên tới hàng nghìn con. Hàng ngày, mùi hôi thối từ cơ sở kinh doanh này tỏa ra khiến người dân sống gần khu vực rất khó chịu. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh ruồi, muỗi và các loại côn trùng gây bệnh, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của các hộ gia đình, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. 

Xin hỏi việc nuôi gia cầm với số lượng nhiều như vậy trong khu dân cư có vi phạm quy định của pháp luật hay không? Nếu vi phạm thì cơ quan chức năng nào có thẩm quyền xử lý? Thủ tục và thời gian giải quyết như thế nào? Nguyễn Văn Thành (Xã Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình)

Trả lời: Căn cứ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ NN&PTNT về điều kiện đảm bảo trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học thì: “Trại chăn nuôi gia cầm phải xây dựng cách biệt, cách xa bệnh viện trường học, chợ, công sở, khu dân cư đông người và đường giao thông liên tỉnh, liên huyện ít nhất 100m”. Mặc dù, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm được nhà nước khuyến khích nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, nhưng việc chăn nuôi trong khu dân cư với số lượng nhiều phải được cơ quan thú y kiểm tra, thẩm định. Theo đó, cơ sở chăn nuôi phải có hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, kiểm tra thực tế tại cơ sở có đồng ý cấp phép hay không.

Bên cạnh đó, việc chăn nuôi trong khu dân cư hay ngoài khu vực dân cư mà không đảm bảo môi trường, gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến người dân sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định số 117/2009 của Chính phủ. Ngoài mức phạt tiền, cơ sở kinh doanh này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho đến khi thực hiện xong các biện pháp bảo vệ và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các hành vi vi phạm gây ra.

Căn cứ Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 29/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường thì với số lượng gia cầm của trại nuôi tại địa điểm nêu trên thuộc thẩm quyền của UBND huyện cấp phép hồ sơ môi trường cũng như kiểm tra, thanh tra xử lý các sự cố trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình trại chăn nuôi gia cầm hoạt động mà phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương, hoặc Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường để xử lý kịp thời.

Người dân có thể viết đơn khiếu nại gửi UBND xã để giải quyết, nếu UBND xã giải quyết không thành phải báo cáo về Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trạm thú y huyện cùng phối hợp kiểm tra xử lý, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.