Chặn những mạch ngầm

ANTĐ - Không phải vấn đề nợ công hay nguy cơ suy thoái kinh tế mà trốn thuế mới là chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong ngày 22-5.

Trốn thuế đang cản trở quá trình phục hồi của EU

Thực tế thì trốn thuế là chủ đề gây tranh cãi từ nhiều năm nay trong EU. Sự cấp thiết phải ngăn chặn vấn nạn này xuất phát từ con số thống kê cho thấy tình trạng gian lận thuế đang làm các nước EU thất thoát hàng nghìn tỷ euro mỗi năm. Sự vận động mờ ám trên thị trường tài chính nhằm che giấu các khoản thu nhập chẳng khác nào như những mạch ngầm đang bòn rút nguồn dinh dưỡng vốn đang rất cần thiết để vực dậy cơ thể ốm yếu của EU. 

Lấy ví dụ từ Hy Lạp, nước đang chìm đắm trong vòng xoáy nợ công. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay,  số chính trị gia và quan chức chính phủ Hy Lạp bị điều tra đã lên tới 50 người, trong đó có 7 cựu bộ trưởng. Những người này đều bị cáo buộc rửa tiền, tham nhũng và trốn thuế lên tới gần 14 tỷ USD. 

Chính vì thế mà trong suốt 8 năm qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã cố gắng cập nhật luật chống gian lận thuế. Ngay từ năm 2005, EC đã thông qua luật buộc các nước thành viên phải tự động trao đổi thông tin về các khoản tiền gửi của công dân EU tại các nước khác thuộc Liên minh châu Âu. 

Thế nhưng, có những lỗ hổng lớn trong luật này liên quan đến sự miễn trừ với Áo và Luxembourg. Hai trung tâm tài chính này không phải thực hiện quy chế tự động trao đổi thông tin cho đến khi 5 thiên đường trốn thuế khác là những nước không nằm trong EU  Andorra, Liechtenstein, Monaco, San Marino và Thụy Sĩ - nhất trí với cơ chế kiểm soát này. Bất chấp sức ép từ các “ông lớn” trong EU như Pháp, Đức và Anh, Áo và Luxembourg phản đối việc thay đổi luật giữ bí mật một cách nghiêm ngặt đối với hệ thống ngân hàng của các nước này.

Vì sao có sự ngoảnh mặt này? Rất dễ hiểu: Là một trong những nước nhỏ nhất EU song Luxembourg lại chính là một trong những nước giàu nhất châu lục. Với dân số vào khoảng nửa triệu, Luxembourg có mức GDP tính trên đầu người cao gần gấp 3 lần so với mức trung bình trong EU. Tài sản của họ chủ yếu đến từ các dịch vụ tài chính, lĩnh vực có giá trị gấp 22 lần quy mô của nền kinh tế nước này. Điều gì sẽ xảy ra nếu nơi đây không còn là thiên đường cho những kẻ trốn thuế?

Chính vì thế mà Luxembourg đã nói không với một đạo luật mới đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nhằm chống trốn thuế. Bộ trưởng Tài chính Luxembourg L. Frieden nói với báo giới tại Brussels: “Chúng tôi không thể đồng ý vì vẫn còn một số điều cần làm sáng tỏ. Tới thời điểm này chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời chính xác về một số vấn đề… Chúng tôi không biết làm thế nào điều này sẽ được viết thành luật của châu Âu và chúng tôi cũng không chắc chắn rằng tất cả các lỗ hổng đã được lấp, đặc biệt là lòng tin dường như chưa được khôi phục”. Sự cứng đầu của Luxembourg và Áo đã khiến các nước này va chạm với các nước lớn trong EU. 

Ủy ban châu Âu ước tính ngân khố của khối vốn đang bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng của EU có thể thu lợi tới 1 nghìn tỷ euro từ thu nhập thêm từ thuế nếu luật mới có hiệu lực. Nếu chặn được những mạch ngầm trốn thuế, EU sẽ có thêm cơ hội để thoát khỏi khủng hoảng.