Chặn nguy cơ thực phẩm bẩn tràn vào trường học

ANTĐ - Xung quanh bếp ăn bán trú trong trường học có rất nhiều vấn đề khiến nhà quản lý lo ngại như nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, giá cả, liều lượng suất ăn… Bếp ăn bán trú liên quan đến quyền lợi của hàng vạn học sinh, nhưng cũng đồng thời là thị trường cạnh tranh béo bở. Bởi vậy, việc quản lý các bếp ăn trường học hiện nay không dễ.

Chặn nguy cơ thực phẩm bẩn tràn vào trường học ảnh 1Nhiều phụ huynh chưa yên tâm với bữa ăn bán trú của học sinh. Ảnh minh họa

Chưa được kiểm soát chặt chẽ

Đồng loạt 10 trường tiểu học cùng ký hợp đồng cung cấp bữa ăn bán trú với Công ty Nhật Phú Hào tại tỉnh Bình Dương đều bị kiểm tra đột xuất sau vụ phụ huynh 1 trong 10 trường này phát hiện hơn 80kg thịt và cá đã bốc mùi, chảy nước được đưa vào chế biến thức ăn cho học sinh. Kết quả kiểm tra ban đầu từ cơ quan chức năng tỉnh này cho thấy, hầu hết các bếp ăn được Công ty Nhật Phú Hào thuê của các trường học rồi tổ chức nấu ăn cho các học sinh đều vi phạm quy định VSATTP tại khu vực chế biến thức ăn, gây nguy cơ mất VSATTP . Đặc biệt, các khâu kiểm dịch thịt tươi sống đầu vào đều thiếu hoặc chưa cung cấp được giấy kiểm dịch đủ điều kiện vệ sinh thú y… Vụ việc này gây chấn động tới phụ huynh cả nước, với suy nghĩ bữa ăn bán trú trong trường học chưa được kiểm soát đúng mức dẫn tới khả năng con em mình trong suốt thời gian ăn bán trú ở trường có thể đã sử dụng phải những loại thực phẩm “bẩn” này. Nguy hại từ thực phẩm bẩn có thể ẩn chứa  hậu quả khôn lường đối với sức khỏe của trẻ sau này. 

Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh đông nhất cả nước và có tỷ lệ học sinh ăn bán trú khá cao. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, Hà Nội chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt nào từ bếp ăn bán trú trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hiệp Thống cũng cho rằng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, không thể chủ quan với việc quản lý các bếp ăn này. Được biết, năm học 2014 – 2015, Hà Nội có khoảng 1.400 trường có bếp ăn bán trú. Trong đó, số có bếp ăn tại trường là 1.077 trường; số phải thuê nhà thầu cung cấp suất ăn là 317 trường; số có    căng-tin tại trường là 115 trường. Như vậy, hình thức phục vụ ăn bán trú và trông bán trú cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày ở Hà Nội phân thành 4 loại hình: Nhà trường tự nấu, tự mua thực phẩm; đặt cơm của các công ty nấu suất ăn; hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm, nhà trường tự nấu; hợp đồng với công ty vừa cung cấp thực phẩm, vừa chế biến bữa ăn, nhà trường chỉ giám sát. Với nhiều loại hình bếp ăn bán trú như vậy, vấn đề kiểm tra, kiểm soát chất lượng, định lượng và VSATTP không hề đơn giản.

Khó xử lý triệt để

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công B, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi lo bữa ăn của học sinh còn hơn lo bữa cơm gia đình vì trong trường có đến gần 1.000 em, chưa kể giáo viên của trường. Chính vì vậy, hàng ngày tổ thanh tra của trường bao gồm đại diện ban giám hiệu, công đoàn, thanh tra và đại diện phụ huynh đều đi kiểm tra thực phẩm sống đến sản phẩm chín, định lượng suất ăn… Điều này đã thành quy trình và không thể chủ quan”. 

 Còn ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết, kiểm tra VSATTP trong các bếp ăn bán trú là mối quan tâm hàng đầu của ngành. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Vũ cũng nhấn mạnh: “Kiểm tra vẫn tiến hành thường xuyên nhưng xử lý thế nào khi gặp sai phạm thì chúng tôi vẫn thiếu những chế tài rõ ràng, đủ sức nặng để đảm bảo vận hành một bếp ăn đúng tiêu chuẩn”.  Ông Lê Hồng Vũ cho rằng việc kiểm tra phải tiến hành từ gốc, bao gồm cả quy trình sản xuất, các đơn vị cung cấp, chế biến thực phẩm chứ không phải chỉ kiểm tra giai đoạn cuối ở các bếp ăn. Tuy nhiên điều này lại không nằm trong chức năng của ngành giáo dục.

Cũng nêu những khó khăn của ngành, ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết, công tác kiểm tra VSATTP các bếp ăn trường học được thành phố đặc biệt chú trọng với các vòng kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất. Các đơn vị trường học đều được yêu cầu kiểm định độc lập các mẫu thức ăn, nước uống của học sinh tối thiểu 2 lần mỗi năm. Các giấy phép kinh doanh, chứng nhận đủ yêu cầu hoạt động trong lĩnh vực chế biến đồ ăn… đều phải đầy đủ mới được hoạt động trong trường học. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào giấy tờ thì không đủ. “Bài học về công ty rau an toàn chuyên cung cấp rau sạch cho các siêu thị nhưng lại thu mua rau không an toàn ngoài thị trường là minh chứng rõ nhất về nguy cơ thực phẩm không an toàn tràn vào trường học vì lợi nhuận” – ông Nguyễn Hiệp Thống dẫn chứng. “Cần thiết kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp này nhưng bản thân trường học không đủ chức năng thực hiện. Để vào được doanh nghiệp phải có ban kiểm tra liên ngành. Tôi cũng kiến nghị tăng cường kinh phí cho các đoàn kiểm tra này để kịp thời phát hiện những thực phẩm không an toàn và có chế tài xử phạt mạnh tay hơn”.

Truy tố các trường hợp vi phạm VSATTP nghiêm trọng

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất về việc chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể và kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quản lý. Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận về ATTP và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Công khai các cơ sở vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.