Chặn “hung thần” trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc hoành hành trên nhiều vùng biển với kiểu khai thác tận diệt, trong đó không ít tàu là đội lốt của lực lượng dân quân biển, là những “hung thần”, ám ảnh đáng lo ngại khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải đưa ra những biện pháp mạnh để đối phó.
Đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc tràn xuống Biển Đông vào trung tuần tháng 8 vừa qua

Đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc tràn xuống Biển Đông vào trung tuần tháng 8 vừa qua

Kinh hãi tàu cá khai thác kiểu tận diệt

Trong một báo cáo về đánh bắt cá trái phép được công bố ngày 17-9 vừa qua, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG) đã dùng những lời lẽ gay gắt để chỉ trích đội tàu cá cũng như lực lượng dân quân vũ trang trên biển của Trung Quốc. USCG kêu gọi, các nước trên thế giới cùng đoàn kết, hành động chống lại “các quốc gia săn mồi trên biển”.

Báo cáo của USCG cáo buộc, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng tàu cá, dân quân biển để thực thi các yêu sách chủ quyền phi pháp của họ ở Biển Đông bằng cách dùng tàu thuyền tràn ngập vùng biển xung quanh các đảo tranh chấp để đẩy lùi các bên có tranh chấp. Báo cáo nhấn mạnh: “Lực lượng dân quân biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân Trung Quốc, ước tính hơn 3.000 tàu, tích cực thực hiện các hành vi gây hấn ở cả các vùng biển không thuộc vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia lẫn vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia khác, ép buộc và đe dọa các ngư dân hợp pháp trong chiến lược hàng hải lâu dài của Bắc Kinh”.

Việc lực lượng chuyên trách như USCG lên tiếng cáo buộc và chỉ trích lực lượng tàu cá cũng như dân quân biển trá hình của Trung Quốc trong bối cảnh các tàu này chúng đã hoành hành gây kinh hãi trên nhiều vùng biển, đặc biệt là ở Biển Đông. Mới đây nhất, các quốc gia trong khu vực đã phải lo lắng khi một đội quân khổng lồ gồm hơn 16.000 tàu cá của Trung Quốc từ đảo Hải Nam tràn xuống Biển Đông từ trung tuần tháng 8 vừa qua ngay khi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông do chính quyền Trung Quốc đơn phương áp đặt từ tháng 5 năm nay.

Một báo cáo công bố hồi tháng 6 năm nay của Viện Phát triển Hải ngoại (ODI, có trụ sở tại thủ đô London, Anh) cho biết, Trung Quốc là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong “cuộc khủng hoảng nghề cá toàn cầu” vì đội tàu đánh bắt xa bờ của nước này là lớn nhất thế giới với khoảng 17.000 tàu, trong đó có tới hơn 12.000 tàu đánh bắt tại các vùng biển không thuộc Trung Quốc. Đội tàu cá khồng lồ này của Trung Quốc làm mối đe dọa thường trực về tình trạng đánh bắt trái phép bằng cách tận diệt trong vùng biển thuộc chủ quyền của các quốc gia khác, dẫn đến cạn kiệt hải sản.

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) quy định, trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của mỗi quốc gia ven biển, quyền khai thác các tài nguyên biển (bao gồm hải sản) là đặc quyền của quốc gia đó. Tuy nhiên, hàng nghìn tàu cá Trung Quốc xâm phạm các vùng biển thuộc EEZ của nhiều nước để đánh bắt trái phép.

Thống kê của tổ chức độc lập Global

Initiative (Thụy Sĩ) công bố năm 2019 cho thấy, Trung Quốc đứng đầu thế giới về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). Trong phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đưa ra ngày 12-7-2016 đối với vụ kiện của Philippines, Tòa trọng tài thường trực (PCA) cũng đã lên án việc tàu cá Trung Quốc hủy hoại môi trường sống của loài ngao khổng lồ và những bãi san hô quan trọng ở Biển Đông.

Cần có phản ứng rõ ràng

Tổ chức Sáng kiến Toàn cầu Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia cho biết, Trung Quốc là quốc gia có chỉ số IUU kém nhất thế giới. Trong khi đó, Đô đốc Karl Leo Schultz, Tư lệnh USCG, hồi tháng 2 năm nay đã nêu rõ, đội tàu cá Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh lương thực của các quốc gia khác và “đó là một thách thức an ninh quốc gia và cần có một phản ứng rõ ràng”.

Hòa lẫn, núp bóng trong đội tàu cá hàng chục nghìn tàu của Trung Quốc còn có lực lượng dân quân biển như là một đội quân “hung thần” trên biển. Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, có trụ sở tại Washington, Mỹ) từng chỉ rõ, một loại đội tàu cá khác của Trung Quốc có tham gia hoạt động bán quân sự thay mặt cho nhà nước thay vì đánh cá thương mại đã trở thành lực lượng lớn nhất ở Biển Đông.

Trên thực tế, lực lượng dân quân biển Trung Quốc với trang bị tốt chẳng khác nào đội quân xung kích để quấy rối, đe dọa tàu bè các quốc gia khác. Năm 2009, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã bao vây tàu USNS Impeccable khi tàu do thám này của Mỹ hoạt động trên vùng biển quốc tế, trong đó có tàu Trung Quốc còn đe dọa cắt dây cáp kéo theo tàu phụ trợ của Mỹ.

Năm 2012, chính các tàu dân quân biển đội lốt tàu cá đã phối hợp với tàu hải cảnh của Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough trước đó do Philippines kiểm soát ở Biển Đông. Năm 2014, nhiều tàu cá, tàu dân quân biển Trung Quốc đã hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm trái phép vùng EEZ của Việt Nam.

Gần đây nhất, trong năm 2019 và 2020, các tàu cá và dân quân biển đã hộ tống các tàu thăm dò và tàu hải cảnh Trung Quốc quấy phá hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên của các nước ASEAN ở Biển Đông, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm trái phép EEZ của Việt Nam ở bãi Tư Chính suốt hơn 3 tháng từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019.

Do vậy, trong báo cáo công bố ngày 17-9, USCG sau khi cáo buộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc gây hấn, ép buộc và đe dọa ngư dân các quốc gia khác ở Biển Đông đã nhấn mạnh, lực lượng USCG sẽ làm sáng tỏ hoạt động của những kẻ vi phạm trật tự dựa trên quy tắc quốc tế để “vạch trần và quy trách nhiệm cho những kẻ săn mồi nghiêm trọng nhất”. USCG nêu rõ, lực lượng này sẽ “thể hiện lập trường ngày càng quyết đoán đối với Trung Quốc thông qua việc tham gia tập trận và các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông”.

Để ứng phó với những “hung thần” trên biển, các quốc gia khu vực cần yêu cầu Trung Quốc kiểm soát và tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế liên quan đến đánh bắt cá, trong đó tôn trọng quyền khai thác tài nguyên hải sản tại EEZ của các quốc gia ven Biển Đông. Đồng thời, các quốc gia liên quan cũng cần phải đưa ra biện pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân mình trước sự uy hiếp từ tàu cá, tàu dân quân biển của Trung Quốc. Thể hiện sự cứng rắn với sự hung hăng của đội tàu cá, dân quân biển Trung Quốc, Nhật Bản đã không loại trừ khả năng sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển (cảnh sát biển), hải quân để đối phó.