Chặn đứng “tử thần” sau tay lái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chỉ trong vòng nửa tháng triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy, Cục CSGT (Bộ Công an) đã phát hiện, xử phạt hơn 10.000 lái xe vi phạm. Con số trên cũng tương ứng với chừng đó vụ TNGT đã được kịp thời ngăn chặn, cũng như hàng chục nghìn gia đình đã không phải chịu cảnh chia lìa vì “ma men”, ma túy…

*Hơn 10.000 lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy bị xử phạt trong 15 ngày

Kiên quyết lập biên bản đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra của CSGT

Kiên quyết lập biên bản đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra của CSGT

Chủ động phòng ngừa

Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT khẳng định: “Trọng tâm của đợt ra quân là chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác; góp phần kiềm chế, giảm tai nạn giao thông (TNGT), nhất là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy. Trong đó, tập trung vào các đối tượng điều khiển xe mô tô, xe con, xe chở khách, xe tải, xe container, xe sơ mi rơ moóc”.

Ghi nhận của phóng viên trong suốt những ngày theo chân các tổ công tác của Cục CSGT làm nhiệm vụ trên những tuyến Quốc lộ, đó chính là thái độ kiên quyết xử lý vi phạm. Để phục vụ cho việc kiểm tra được chính xác, nhanh chóng, các tổ CSGT đều đã được trang bị đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định. Một biện pháp được Cục CSGT áp dụng nhằm chặn đứng những hành vi vi phạm, cố tình phi tang tang vật, chống đối, đó chính là sử dụng camera.

Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục CSGT khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là kiên quyết lập biên bản đối với các trường hợp cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra của CSGT. Trong quá trình xử lý, các tổ công tác chú trọng rà soát hồ sơ xử phạt vi phạm của đơn vị, đối chiếu với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm. Nếu có sẽ áp dụng xử phạt tăng nặng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Riêng những các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy, ngoài việc lập biên bản xử phạt hành chính, CSGT cũng như những lực lượng có liên quan đều tổ chức xác minh về nhân thân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND xã nơi người đó làm việc, cư trú để có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng chống ma túy. Cùng với đó, những danh sách này sẽ được gửi đến kiến nghị với ngành Giao thông vận tải để có biện pháp trong việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe (GPLX)”.

Ngay trong ngày đầu ra quân (thống kê đến 15h ngày 15-3), toàn quốc đã phát hiện, xử lý 7.388 trường hợp vi phạm, phạt tiền 7,1 tỷ đồng, tạm giữ 59 ô tô, 139 mô tô và tước 667 GPLX. Riêng trên các tuyến cao tốc, lực lượng CSGT phát hiện 87 trường hợp vi phạm, phạt tiền 241 triệu đồng, tước 38 Giấy phép lái xe. Cùng với Cục CSGT, lực lượng CSGT thuộc công an các địa phương cũng vào cuộc đồng loạt. Ngày đầu ra quân, CSGT Bình Dương xử lý 67 mô tô vi phạm nồng độ cồn.

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, trong ngày đầu thực hiện Kế hoạch tổng kiểm soát xe mô tô, xe gắn máy và Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma tuý, nồng độ cồn”, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (CATP Hải Phòng) đã bố trí 42 ca tuần tra kiểm soát với 215 lượt CBCS tham gia. Lực lượng CSGT CATP Hải Phòng tập trung trên các tuyến trọng điểm như Tỉnh lộ 353, 359, 360, Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ, Lê Hồng Phong, Hồ Sen - Cầu Rào 2, Võ Nguyên Giáp, Lạch Tray, Tô Hiệu, Trần Nguyên Hãn. Phòng CSGT đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 104 trường hợp vi phạm. Những ngày kế tiếp, số lượng lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy tiếp tục được CSGT kiểm tra gắt gao, xử lý nghiêm khắc…

Cho đến 16h ngày 29-3, lực lượng CSGT công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc đã phát hiện 9.534 lái xe vi phạm nồng độ cồn; 114 trường hợp dương tính với ma túy. Phạt tiền 32 tỷ đồng, tước 5.379 GPLX; tạm giữ 9.648 phương tiện.

Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý những lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy trên cao tốc...

Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý những lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy trên cao tốc...

Lật tẩy lái xe nghiện ma túy

Một trong những tuyến Quốc lộ mà Cục CSGT phát hiện nhiều lái xe dương tính với ma túy chính là cung đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Thậm chí, có ngày CSGT phát hiện tới 3 lái xe dương tính với ma túy. Cụ thể, vào lúc 10h ngày 24-3, tổ công tác Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Đội 3), Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, phối hợp với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) làm nhiệm vụ tại Km188+300 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã bất ngờ kiểm tra lái xe Đỗ Quang H (SN 1984, trú lại phường Châu Sơn, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) điều khiển ô tô đầu kéo BKS: 29H-004.0x. Qua test nhanh phát hiện lái xe H dương tính với chất ma túy nhóm Morphine. Đấu tranh khai thác, lái xe khai nhận trước đó trong thời gian dài có sử dụng chất kích thích.

Chưa dừng lại ở đó, khoảng 10h30 cùng ngày, tổ công tác Đội số 3 tiếp tục kiểm tra lái xe Nguyễn Thanh T (SN1993, trú tại Trung Tú, Ứng Hòa, Hà Nội) điều khiển xe ô tô tải BKS: 29H188.7x. Cũng như những lái xe nghiện ma túy khác, trong quá trình kiểm tra lái xe T liên tục có hành vi không hợp tác và viện dẫn đủ lý do để trốn tránh yêu cầu của CSGT. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của lực lượng chức năng, cuối cùng lái xe T cũng phải thừa nhận việc sử dụng ma túy khi test nhanh cho kết quả dương tính. Sau đó 10 phút, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên tổ công tác Đội 4, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (Cục CSGT) phối hợp với Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng kiểm tra lái xe Đoàn Văn H điều khiển xe ô tô con BKS: 20A:325.2x. Qua test nhanh, lái xe H đã dương tính với chất ma túy nhóm Morphine.

Thanh minh cho việc này, lái xe thừa nhận trước đó có sử dụng rượu ngâm cây thuốc phiện để lái xe cho… “bốc”. Tất cả các trường hợp trên đều được lực lượng CSGT lập biên bản xử lý. Với hành vi vi phạm này, lái xe có thể bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT (Cục CSGT) thông tin: “Để đảm bảo TTATGT, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, bên cạnh việc TTKS xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, ma túy, lực lượng CSGT toàn quốc cũng sẽ tăng cường xử lý các hành vi vi phạm về quá tải trọng và các vi phạm khác là nguyên nhân trực tiếp gây nên TNGT. Đồng thời, chủ động và phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm lợi dụng các tuyến giao thông để hoạt động phi pháp”.

Ba cái “được” khi xử lý lái xe sử dụng chất kích thích

Tôi nhận thấy có 3 cái “được” trong quá trình triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia, ma túy, chất kích thích. Thứ nhất là xử lý vi phạm giao thông chưa bao giờ là công tác đơn giản, bởi có vô vàn tình huống xảy ra từ phía người vi phạm. Đối tượng vi phạm tỉnh táo nhưng bất hợp tác đôi khi đã là vấn đề, thì xử lý người trong tình trạng “chếnh choáng” còn phức tạp hơn rất nhiều. Và như thế, nó đòi hỏi lực lượng làm nhiệm vụ không chỉ giữ nghiêm tư thế, lễ tiết, tác phong, mà còn phải hết sức bản lĩnh, khéo léo trong quá trình làm nhiệm vụ. Thứ hai là chúng ta đạt mục tiêu “3 giảm”. Cứ làm nghiêm, làm chặt và làm thường xuyên chuyên đề này, chắc chắn sẽ kéo giảm số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông. Thứ ba là giúp nâng cao ý thức người dân, bằng chế tài áp dụng hiện nay tôi đánh giá là đủ sức nặng…

Thượng tá Lê Văn Hoan - Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT - CATP Hà Nội

Phải làm mạnh hơn, thường xuyên hơn

Có đến những quán nhậu mới thấy một trong những câu chuyện mà các “bạn nhậu” hay nhắc nhau là: “Uống xong nhớ đi taxi mà về không lại bị CSGT phạt đấy”. Nghe tưởng nhắc cho vui, nhưng tôi cho rằng, điều này đã phần nào định hình lại suy nghĩ của bộ phận không nhỏ “dân nhậu”. Để ý thức ấy trở thành nếp và lan tỏa rộng, không còn cách nào khác ngoài việc CSGT và các lực lượng chức năng phải duy trì thường xuyên, quyết liệt duy trì kế hoạch kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích. Và theo tôi, địa bàn nào cũng cần ra quân tập trung ở những tuyến đường có quán bia, quán nhậu. Công tác tuyên truyền đến nay đã tương đối đầy đủ và bây giờ là lúc phải làm mạnh hơn, thường xuyên hơn. Xã hội, đa số dư luận ủng hộ điều này…

Ông Nguyễn Hữu Bính, trú ở khu tập thể Trần Hưng Đạo, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Tất cả vì sự an toàn chung

Bây giờ là thời điểm đầu hè, nhưng so với mấy năm trước, lượng khách đến quán chúng tôi giảm nhiều. Có mấy nguyên nhân chính, đó là do tình hình dịch bệnh Covid-19 và do cả sự e dè của thực khách trước những quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Nguyên tắc được chúng tôi phổ biến đến nhân viên là luôn phải tìm cách nhắc khéo khách trước khi rời quán nên chủ động sử dụng phương tiện như taxi, “xe ôm” công nghệ. Nhiều thực khách vui vẻ làm theo và cũng nhiều người chọn giải pháp… đi bộ khi nhà gần quán. Tôi thấy ý thức của thực khách rất tốt trước quy định không sử dụng bia, rượu khi lái xe. Quán vắng hơn, doanh thu giảm, nhưng chúng tôi xác định tất cả vì sự an toàn chung. Tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào đảm bảo an toàn cho chính mình, cũng như không bị xử phạt do vi phạm nồng độ cồn thì chúng ta hãy đến quán bia…

Ông Quách Đức Viện - quản lý quán bia Thu Hằng, số 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội