Chân dung nữ Thủ tướng đầu tiên của Samoa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bà Fiame Naomi Mata'afa vừa chính thức được xác nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 4-2021 tại Quốc đảo Samoa, đánh bại Thủ tướng Tuilaepa Sailele Malielegaoi - người đã cầm quyền từ năm 1998 và tại vị lâu thứ hai thế giới. Đây sẽ là bước ngoặt lớn ở quốc đảo Thái Bình Dương nhỏ bé.
Bà Fiame Naomi Mata'afa - nữ Thủ tướng đầu tiên của Samoa

Bà Fiame Naomi Mata'afa - nữ Thủ tướng đầu tiên của Samoa

Chiều 17-5, Tòa án tối cao của Samoa đã tuyên bố đảng FAST của bà Fiame dẫn trước so với đảng của Thủ tướng Tuilaepa Sailele Malielegaoi với tỷ lệ sít sao: 26/25. Quyết định này đã phá thế bế tắc chính trị trong nhiều tuần sau bầu cử, dọn đường cho đảng FAST thành lập một chính phủ mới, chấm dứt 22 năm nắm quyền của ông Tuilaepa. “Đó chắc chắn là một điều có ý nghĩa, một quyết định lịch sử khi Văn phòng Thủ tướng do một phụ nữ nắm giữ” - Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhận định về diễn biến ở Samoa.

Samoa là quốc đảo trên Thái Bình Dương, giành được độc lập vào năm 1962 sau gần 50 năm được đặt dưới sự bảo hộ của New Zealand. Quốc gia này hiện chỉ có khoảng 200.000 dân với khoảng 1/6 trong số đó là người lai từ 2 sắc tộc (Samoa bản địa và người Hoa). Với dân số khá ít và nhờ quyết định đóng cửa biên giới sớm nên quốc đảo Thái Bình Dương này đã tránh được sự lây nhiễm trong cộng đồng của đại dịch Covid-19.

Trong một động thái đáng chú ý, Thủ tướng Samoa sắp nhậm chức Fiame đã cam kết hoãn dự án phát triển cảng Vaiusu trị giá 100 triệu USD do Bắc Kinh tài trợ. Bởi bà cho rằng, dự án này là quá sức đối với hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương. Trung Quốc là nước cho vay lớn nhất ở Samoa, vốn vay của Bắc Kinh chiếm khoảng 40% (tương đương 160 triệu USD) trong số nợ nước ngoài của Samoa. Dự án xây dựng khu cảng Vaiusu là một trong những vấn đề chính khiến Samoa bị chia rẽ. Cũng chính vì lý do này, trong cuộc bầu cử hồi tháng 4, Thủ tướng Tuilaepa Sailele Malielegaoi - người đã lãnh đạo Samoa trong hơn 20 năm qua - đã mất đa số ghế tại Quốc hội.

Bà Fiame cho biết, Samoa sẽ duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, tuy nhiên đất nước có nhiều nhu cầu cấp bách phải giải quyết hơn là xây dựng một khu cảng. “Samoa là một quốc gia nhỏ. Các cảng biển và sân bay phục vụ nhu cầu của chúng tôi. Nhưng rất khó để tưởng tượng rằng Samoa lại cần một dự án có quy mô lớn như thế, trong khi có nhiều dự án cấp bách hơn mà chính phủ cần ưu tiên” - nữ Thủ tướng sắp kế nhiệm của Samoa chia sẻ.

Bà Fiame năm nay 64 tuổi, là con gái của Thủ tướng đầu tiên của Samoa độc lập. Fiame lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng lập pháp của Samoa vào năm 1985, đến nay là một trong những thành viên tại Quốc hội lâu nhất. Năm 1991, bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, trở thành nữ Bộ trưởng Nội các đầu tiên của Samoa. Từ năm 2016 đến năm 2020, bà là nữ Phó Thủ tướng đầu tiên của Samoa, nhưng sau đó trở thành đối thủ chính trị của ông Tuilaepa do quan điểm trái ngược về những thay đổi trong hiến pháp và hệ thống tư pháp cũng như chính sách đối với Trung Quốc.

Dự án cảng Vaiusu đã ở giai đoạn đàm phán cuối cùng với Trung Quốc và dự kiến sẽ khởi công khi giao thương quốc tế không còn chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Kinh tế của Samoa chủ yếu là canh tác tự cung tự cấp, cùng với du lịch, xuất khẩu cá và sản phẩm dừa. Gần đây, nước này đã chuyển sang các dự án phát triển do các nước lớn tài trợ. Trong đó, đầu tư của Trung Quốc bị soi xét nhiều nhất vì có những quan ngại rằng, các cơ sở vật chất này sẽ trở thành tài sản quân sự đặt ra thách thức đối với Mỹ và các đồng minh trong khu vực.