Chân dung nữ Phó Tổng thống da màu đầu tiên của Colombia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 20-6, người dân Colombia bầu ra vị Tổng thống đầu tiên, đồng thời cũng đưa bà Francia Marquez - người mẹ đơn thân da màu (xuất thân là người giúp việc) lên làm Phó Tổng thống.
Bà Francia Marquez và ông Gustavo Petro ăn mừng chiến thắng khi trúng cử, trở thành hai nhà lãnh đạo cao nhất của Colombia

Bà Francia Marquez và ông Gustavo Petro ăn mừng chiến thắng khi trúng cử, trở thành hai nhà lãnh đạo cao nhất của Colombia

Kết quả bỏ phiếu cuộc bầu cử ở Colombia cho thấy, liên danh của ông Gustavo Petro đại diện cho liên minh cánh tả Pacto Historico (Hiệp ước Lịch sử) và bà Francia Marquez đã giành chiến thắng với tỷ lệ ủng hộ là 50,4%. Ông Gustavo Petro trở thành Tống thống trong khi bà Francia Marquez trở thành Phó Tổng thống da màu đầu tiên ở quốc gia Mỹ Latinh này.

Bà Marquez năm nay 40 tuổi, là một nhà hoạt động môi trường đến từ La Toma (một ngôi làng miền núi hẻo lánh của tỉnh Cauca ở Tây Nam Colombia), nơi có tới 80% dân số sống trong cảnh đói nghèo. Marquez cũng là bà mẹ đơn thân, sinh con từ khi 16 tuổi. Để nuôi dạy con gái, Marquez từng làm giúp việc ở thành phố Cali gần nhà và cũng làm việc tại một nhà hàng trong khi học lấy bằng luật. Từ nơi mình sinh sống, bà lần đầu tiên tổ chức các chiến dịch phản đối một dự án thủy điện và sau đó thách thức những kẻ khai thác vàng gần đó. Bà mẹ đơn thân này đã dẫn đầu 80 phụ nữ từ trên núi xuống Thủ đô Bogotá cách xa 350 dặm để biểu tình. Vào năm 2018, bà Márquez được trao giải thưởng môi trường Goldman uy tín.

Vì công việc bảo vệ môi trường, bà Marquez đã phải đối mặt với nhiều lời dọa giết, nhưng đã nổi lên như một phát ngôn viên quyền lực cho người Colombia da màu và các cộng đồng bị thiệt thòi khác. Người phụ nữ này đã quyết định tham gia cuộc đua tranh tổng thống vào năm ngoái. Trong bầu cử sơ bộ, bà đã nhận được 700.000 phiếu bầu, vượt lên hầu hết các chính trị gia kỳ cựu.

Gimena Sanchez - Giám đốc khu vực Andes của Văn phòng Washington về châu Mỹ Latinh (một nhóm nhân quyền) nhận xét: “Bà ấy hoàn toàn khác biệt so với bất kỳ người nào khác từng đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thống ở Colombia. Người phụ nữ này đến từ một vùng nông thôn, xuất phát từ quan điểm của những khu vực của Colombia đã bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang trong nhiều năm. Hầu hết các chính trị gia ở Colombia từng giữ chức tổng thống không sống theo cách mà bà ấy có”.

Chiến thắng của bà Francia Marquez đánh dấu bước rẽ quan trọng ở một quốc gia luôn tồn tại bất bình đẳng xã hội và luôn nằm dưới sự quản lý của nhóm tinh hoa bảo thủ. “Sau 214 năm, chúng ta đã có một chính phủ của nhân dân, một chính phủ bình dân, một chính phủ của những người nghèo khó... chính phủ của những người bé nhỏ” - bà Marquez phát biểu sau chiến thắng. Ngoài việc giữ chức Phó Tổng thống mới trong chính quyền của ông Petro, dự kiến bà Marquez còn được giao nhiệm vụ lãnh đạo một Bộ mới về bình đẳng giới nhằm cải thiện quyền lợi của phụ nữ, cũng như hỗ trợ người nghèo tiếp cận được các dịch vụ y tế và giáo dục. “Đây sẽ là một chính phủ dành cho những người có bàn tay chai sạn. Chúng tôi ở đây để thúc đẩy công bằng xã hội và giúp phụ nữ xóa bỏ chế độ gia trưởng” - bà nói trên sân khấu khi ăn mừng kết quả bầu cử với hàng nghìn người ủng hộ tại một địa điểm hòa nhạc nổi tiếng.

Trong các bài phát biểu kêu gọi Colombia đối đầu với phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giới cũng như đảm bảo các quyền cơ bản cho người nghèo, nữ chính trị gia Marquez đã tiếp thêm sức mạnh cho các cử tri nông thôn, những người đã phải hứng chịu cuộc xung đột vũ trang kéo dài cũng như thanh niên và phụ nữ ở các khu vực thành thị. Colombia cũng được đánh giá là một trong những nước kỳ thị chủng tộc nhất Mỹ Latinh vì Quốc hội ưu tiên người da trắng và người lai chứ không phải người da màu, nhất lại là phụ nữ. Vivian Tibaque - một nhà lãnh đạo cộng đồng ở Bogota, người đã làm việc trong chiến dịch tranh cử của bà Marquez cho biết: “Tất cả chúng tôi làm việc với bà ấy giờ đều tin tưởng vào sức mạnh của phụ nữ”.