Chặn dòng “chảy ngược”

ANTĐ - Mấy năm gần đây, hàng hóa nông sản, thủy sản của nước ta liên tục bị các nước nhập khẩu cản trở, gây khó khăn bằng các hàng rào kỹ thuật, hoặc các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ giá. Trong khi đó, thương nhân Trung Quốc tràn vào mặc sức mua gom hàng nông sản của Việt Nam, cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp trong nước khiến cho ngành chế biến xuất khẩu lao đao. Đặc biệt, từ hơn một tháng qua họ quay trở lại ráo riết mua gom lúa gạo với sự tiếp tay của các nhà cung ứng trong nước và các nhà máy xay xát lúa gạo.

Tình trạng lái buôn Trung Quốc mua gom nông sản theo kiểu vơ vét,  không có gì mới. Lần này họ dùng “độc chiêu”, tiếp cận trực tiếp với các nhà cung ứng và nhà máy xay xát trong vùng để thu gom gạo nguyên liệu. Ban đầu, họ mua thăm dò với số lượng ít. Sau một thời gian, họ bắt đầu mua gom mạnh, sẵn sàng trả giá cao, tiền mặt trao tay. Không xuất hóa đơn chứng từ, nhờ vậy họ trốn được 5% thuế giá trị gia tăng, thu gom được số lượng lớn không gặp phải khó khăn gì. Sau đó, khối lượng lớn gạo nguyên liệu lại “nhờ” các nhà cung ứng trong nước vận chuyển ra các cửa khẩu biên giới phía Bắc xuất tiểu ngạch. “Vẽ đường” cho thương lái Trung Quốc xuất tiểu ngạch, “rút ruột” một lượng gạo không nhỏ, làm thất thu thuế, nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu, khiến cho thị trường gạo nội địa khá căng thẳng, chính là một số doanh nghiệp trong nước vì lợi ích cục bộ, hoa mắt vì lợi nhuận đã “nối giáo” cho họ. Theo nhiều doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, thủ đoạn thường được sử dụng là một doanh nghiệp ở phía Nam ký hợp đồng khống cung ứng gạo cho một doanh nghiệp ở phía Bắc.

Theo hợp đồng, doanh nghiệp sẽ hoàn tất các thủ tục giấy tờ theo quy định rồi chở thẳng gạo ra miền Bắc theo dạng vận chuyển nội địa nên không cần hóa đơn, chứng từ. Từ đây, gạo được chuyển thẳng lên biên giới xuất tiểu ngạch. Tình trạng “gạo chảy” qua biên giới đã được các thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) báo cáo lên Ban chấp hành VFA. Khó khăn ở chỗ, VFA không có quyền kiểm tra các doanh nghiệp không phải là thành viên của mình hoặc những doanh nghiệp không có giấy phép xuất khẩu gạo. Ngay cả khi VFA có biết cũng chỉ… ngồi nhìn. Trong khi các thương lái Trung Quốc “tung hoành” ở hầu hết các địa phương có diện tích trồng lúa lớn ở vựa lúa của cả nước, thì chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn kịp thời. Điều hiển nhiên là các thương lái Trung Quốc không thể chở một khối lượng lớn gạo trong nội địa Việt Nam về nước họ nếu hải quan ở các cửa khẩu ngăn chặn quyết liệt.

Theo tổ chức Lương nông Liên hợp quốc và Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2012 Trung Quốc nhập khẩu tới 2,6 triệu tấn gạo vẫn không đủ do dân số quá đông. Giá gạo do chính phủ quy định luôn chênh lệch với giá thị trường đã kích thích đầu cơ và buôn lậu gạo. Thương lái Trung Quốc kiếm lời lớn khi mua gạo ở Việt Nam, Ấn Độ với giá thấp rồi bán lại ở trong nước với giá cao. Ngăn chặn gạo “chảy ngược” qua biên giới không chỉ để ngăn sự thất thu ngoại tệ mà còn vì an ninh lương thực quốc gia.