Chẩn đoán giới tính thai nhi: Những hệ quả khó lường

ANTĐ - Thực trạng siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi hiện nay đang khiến nguy cơ mất cân bằng giới tính ở nước ta trở nên trầm trọng, kéo theo rất nhiều hậu quả khôn lường về mặt xã hội. 

Bình đẳng giới đang là vấn đề đáng lo ngại tại Việt Nam


Hiếm nữ để kết hôn

Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), hiện tỷ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam là 111,2 bé trai/100 bé gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam trong những năm gần đây đang tăng nhanh và phức tạp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

Nhiều chuyên gia dân số cho rằng, với tình trạng mất cân bằng giới tính kéo dài và ở mức cao như hiện nay, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Bởi, cũng như nhiều quốc gia khác ở châu Á, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo và hệ thống cấu trúc xã hội mang đậm nét phụ quyền và phụ hệ trong gia đình. Tâm lý thích sinh con trai, với những quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “có nếp có tẻ”, “nối dõi tông đường” đã tạo nên áp lực nhất thiết phải có con trai đối với người phụ nữ.

Bên cạnh đó, chế độ an sinh cho người lớn tuổi chưa được tốt nên khi về già họ vẫn phải trông cậy vào sự phụng dưỡng của con cái. Theo quan niệm của nhiều gia đình, cha mẹ về già phải ở với con trai, còn con gái đi lấy chồng là con của người khác. Mặt khác, Việt Nam đã duy trì được mức sinh thấp kéo dài liên tục trong nhiều năm. Nhưng từ đó cũng xuất hiện mâu thuẫn, các gia đình từ 1-2 con thì nhất thiết phải có con trai. Vì thế mới có chuyện cố đẻ con trai bằng được. Trong khí đó, với 70% dân số ở khu vực nông thôn và 52% lao động hoạt động ở khu vực nông - lâm - thủy sản làm cho “hành vi sinh sản” của các cặp vợ chồng mang theo những “toan tính” có tính kinh tế, càng dễ dẫn đến việc lựa chọn có bằng được con trai. Theo họ một số ngành nghề chỉ nam giới mới có thể làm được.

Ông Nguyễn Tiến Thành, chuyên gia nghiên cứu về bình đẳng giới của một tổ chức phi Chính phủ Úc tại Việt Nam thừa nhận, số trẻ trai sinh ra nhiều hơn trẻ gái dẫn đến sự thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai. Cấu trúc gia đình thay đổi đáng kể, một số nam giới có thể phải sống độc thân. Những nam giới nghèo, địa vị xã hội thấp sẽ phải trì hoãn lâu dài việc lập gia đình nếu trong những năm tới tỉ lệ mất cân bằng giới tính tại các thành phố lớn không được rút ngắn khoảng cách. Tình trạng “hiếm” nữ để kết hôn sẽ làm nam giới buộc phải tính đến việc kết hôn với người nước ngoài, thậm chí, làm gia tăng tội phạm liên quan đến tình dục, áp lực của tệ nạn buôn bán phụ nữ dưới hình thức hôn nhân...

Một thực trạng nhức nhối đang diễn ra là có hàng trăm cô gái Việt Nam đang di chuyển đến các nước và vùng lãnh thổ có tình trạng mất cân bằng giới tính trước Việt Nam hàng chục năm là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan để làm dâu. Thậm chí, không ít cặp vợ chồng, sau khi quyết định “giải quyết” khi biết giới tính của đứa trẻ đã vĩnh viễn không thể mang thai được nữa..., song song với nó là tình trạng nạo phá thai đang có chiều hướng gia tăng.

Quy định nhiều nhưng vẫn khó xử lý

Điều 10, Nghị định 104/NĐ-CP của Chính phủ nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi như tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi... Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp xác định qua triệu chứng, bắt mạch, xét nghiệm máu, gene, nước ối, tế bào, siêu âm... Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Tuy nhiên việc xử lý các hành vi vi phạm này là rất khó. “Mặc dù chưa được khoa học kiểm chứng song rất nhiều hình thức hỗ trợ “có con trai” vẫn được các bà mẹ áp dụng, như nhờ tư vấn, nghiên cứu tài liệu sách báo, mạng internet... Đây là những hành vi vi phạm pháp luật nhưng việc phát hiện và xử lý lại vô cùng khó khăn do thiếu chứng cứ, lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng”, một cán bộ Sở Y tế Hà Nội cho biết.

Về thực trạng này, luật sư Nguyễn Tiến Hòa - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận xét, dù Pháp lệnh dân số năm 2003 đã quy định nghiêm cấm tất cả các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, nhưng nhiều cơ sở y tế vẫn lén lút thông báo giới tính thai nhi cho các bà mẹ. Cơ quan chức năng biết rõ điều này nhưng gần như bó tay vì “thiếu bằng chứng”, bởi thông tin về giới tính thai nhi chỉ là lời nói giữa sản phụ, người nhà với y, bác sĩ hành nghề.

Cách đây 30 năm, Hàn Quốc cũng có sự chênh lệch giới tính, nhưng sau khi Chính phủ nước này đưa ra những biện pháp xử lý nghiêm như các y bác sĩ phải cam kết tuyệt đối không tiết lộ giới tính thai nhi, nếu vi phạm sẽ bị dừng hành nghề và các cơ sở vi phạm sẽ bị phạt tiền lên đến 100.000USD, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để thay đổi quan niệm trọng nam, khinh nữ. Do vậy, hiện nay, giới tính ở Hàn Quốc đã cân bằng, việc siêu âm giới tính dù lại được cho phép, nhưng không bị lợi dụng bởi nhu cầu sinh con trai đã giảm hẳn trong xã hội. Còn ở Trung Quốc, các cơ sở y tế có hành vi thông báo giới tính tới các sản phụ sẽ bị tước giấy phép hành nghề, thậm chí bị tù. 

Hiện nay, Nghị định số 114/2006 NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính dân số và trẻ em có quy định mức phạt tối đa cho tất cả các hành vi vi phạm về bình đẳng giới là 40 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng trong quá trình vi phạm. Mặc dù, hành lang pháp lý đã được Nhà nước quy định tương đối đầy đủ song để hạn chế được tình trạng này cần có sự phối hợp, vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân quan niệm về bình đẳng giới  cũng là điều hết sức quan trọng .